Thứ Tư, 24/02/2016, 16:42 (GMT+7)
.

Bấp bênh nghề nuôi vịt chạy đồng

Nuôi vịt chạy đồng từ lâu đã trở thành nghề mưu sinh của nhiều người dân trong tỉnh. Dẫu vất vả, cực nhọc, quanh năm lấy đồng ruộng làm nhà, nhưng nhiều người vẫn gắn chặt với nghề này.

“Ăn, ngủ cùng đàn vịt”

Nhiều năm qua, nghề nuôi vịt chạy đồng đã được nhiều người chọn để làm kế sinh nhai. Cái nghề lắm nỗi nhọc nhằn, nhưng vẫn có nhiều người gắn bó để mưu sinh. Họ gắn bó với nghề này như một cái nghiệp không thể tách rời.

Đi lại canh chừng là công việc xuyên suốt mà người nuôi vịt chạy đồng phải làm.
Đi lại canh chừng là công việc xuyên suốt mà người nuôi vịt chạy đồng phải làm.

Chúng tôi đến với cánh đồng lúa đã thu hoạch thuộc xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) vào những ngày đầu năm mới. Những đám ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, đốm vàng, đốm đen do việc đốt rơm rạ toát lên một vẻ bình dị đậm chất thôn quê.

Từ tờ mờ sáng, trong cái lạnh buốt của những cơn gió chướng từ biển thổi vào, chú Lê Văn Kính (52 tuổi, ngụ ấp Hộ, xã Tân Điền) đã lùa bầy vịt của mình từ chỗ ngủ sang đám ruộng kế bên để chúng tìm mồi. Tiếng vịt “réo” nhau “cạp cạp” inh ỏi cả một góc trời, chẳng mấy chốc chúng đã bủa ra “lầm lũi” chen vào những đám rạ để săn mồi.

Lúc này, chú Kính quay trở lại chỗ ngủ thu xếp lại chăn, màn rồi nhanh chóng đi lại chỗ máy bơm để bơm nước vào ruộng cho vịt ăn. Tiếng máy nổ “tạch tạch” làm đàn vịt ngơ ngác ngóng rồi bỏ chạy tán loạn.

Gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng từ lúc còn là một thanh niên, đến nay chú Kính đã có gần 30 năm trong nghề. Hơn nửa đời người gắn bó với cái nghề rong ruổi khắp ruộng đồng, sương gió, dấu tích của thời gian đã hằn sâu trên khuôn mặt nhăn nheo, rám nắng của chú.

Cũng như mọi hôm, sau khi lùa vịt đến chỗ ăn, chú lại đi dọc theo những bờ ruộng để giữ chúng không chạy sang ruộng khác. Đấy chính là công việc xuyên suốt của chú từ lúc mờ sáng cho đến lúc chiều tàn.

Mặt trời bắt đầu nhô lên khỏi những rặng cây, xua đi cái lạnh tê người của những cơn gió biển. Lúc này, vợ chú Kính cũng đã mang cơm đến cho chú ăn lót dạ. Sau một đêm ngủ canh đàn vịt, khuôn mặt chú Kính trở nên phờ phạc hơn, nhanh tay lấy thức ăn từ trong giỏ ra để ăn. Chú Kính than: “Cái nghề này là nghề ăn bờ, ngủ bụi. Mỗi lứa vịt là cả tháng trời ăn ngủ ngoài đồng, không có giây phút nào được ở nhà”.

Ăn vội bữa cơm, chú Kính lại tiếp tục đi dọc theo bờ ruộng để canh chừng vịt. Giữa chốn “đồng không mông quạnh” chỉ một mình chú chăn hơn 1.000 con vịt, lúc thì chú xuất hiện ở đầu này, khi thì ở đầu kia, đôi chân cứ đi vòng quanh thửa ruộng.

Thấy vậy chúng tôi hỏi: “Vịt ăn ở đó sao chú không ngồi nghỉ mà cứ đi lòng vòng vậy?”. Chú Kính đáp: “Mình phải đi như vậy để giữ cho vịt khỏi qua đồng của người ta. Ở đây đồng của ai người nấy cho vịt của mình ăn, với lại phải canh chừng chó nữa”.

Trời bắt đầu đứng bóng, ánh nắng từng lúc như thiêu đốt, đàn vịt của chú Kính lúc này đã ăn no căng diều và đang đùa giỡn trong làn nước mát. Chú Kính tranh thủ tìm một bóng cây để ngồi nghỉ mệt. “Nghề nuôi vịt chạy đồng cực lắm, nắng hay mưa mình cũng phải ở ngoài đồng canh chừng chúng. Vụ này thì giữ vịt khỏe hơn, chứ sang vụ 1 (vụ hè thu) vất vả hơn nhiều, một mình giữ không xuể phải mướn thêm người. Những lúc hết đồng nhưng chưa bán được vịt thì rất là cực” - chú Kính cho biết.

Mặt trời khuất dạng sau mấy lùm cây, gió cũng bắt đầu thổi mạnh hơn, tiết trời bắt đầu trở lạnh, lúc này chú Kính bắt đầu lùa đàn vịt đến chỗ ngủ. Vịt đi đến đâu chú phải theo đến đó, hôm nay vịt ngủ ở chỗ khác, vì thế chú Kính cũng thu dọn đồ đạc chuyển tới chỗ gần vịt để ngủ. Một tấm manh nilon trải dưới ruộng cùng với tấm chăn và chiếc gối là hành trang theo chú suốt cả tháng ròng ăn ngủ cùng đàn vịt.

Còn đó những khó khăn

Ông bà ta từ xưa đã có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” để nói lên sự bấp bênh và cực nhọc của nghề nuôi vịt. Dẫu vậy, nhiều người vẫn quyết tâm bám nghề để mưu sinh. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng tại xã Tân Điền có khoảng 15 hộ nuôi vịt chạy đồng với quy mô từ 1.000 con trở lên. Ngoài ra, còn có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở mức vài trăm con.

Trong những năm qua, nỗi lo lớn nhất của những người nuôi vịt chạy đồng là việc giá cả thường xuyên biến động. Đầu ra bấp bênh khiến cho nhiều gia đình khốn đốn khi bao nhiêu công sức và vốn liếng bỏ ra như đổ sông đổ biển.

Chú Kính cho biết: “Đỉnh điểm của sự sụt giảm về giá cả là vào tháng 10 năm rồi khi giá vịt thịt giảm xuống còn 27.000 đồng/kg. Vụ vịt đó tôi nuôi 1.500 con vịt thịt chạy đồng lỗ gần 10 triệu đồng. Công sức bỏ ra mấy tháng trời coi như tan thành mây khói”.

Nuôi vịt chạy đồng thì đồng nghĩa với việc bao nhiêu vốn liếng và hy vọng được dồn hết vào đàn vịt. Người nuôi gặp thuận lợi thì sẽ đổi đời, còn không may thì sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Đã có không ít trường hợp vì nuôi vịt chạy đồng mà lâm vào cảnh nợ nần, nhiều người phải bỏ nghề để đi làm thuê trả nợ.

Ngoài việc đầu ra còn bấp bênh, hiện tại vấn đề mà những người nuôi vịt chạy đồng đang đau đầu là tình hình dịch bệnh. Nuôi vịt chạy đồng được xem như một cách giảm thiểu chi phí đầu vào hiệu quả nhất. Việc chăn thả ngoài đồng sẽ giúp bà con đỡ tốn chi phí cho việc mua thức ăn.

Tuy nhiên, việc chăn thả này tiềm ẩn rủi ro lây lan nguồn bệnh trên đàn gia cầm. Hiện nay, ở vịt xuất hiện khá nhiều loại bệnh, trong đó có những chứng mà cho đến bây giờ ngành Thú y vẫn chưa tìm ra thuốc phòng ngừa và đặc trị.

Chú Kính chia sẻ: “Nghề này mà nhìn thấy mắt của con vịt buồn là mình phát rầu rồi, phải đi mua thuốc cho nó uống ngay. Bây giờ sức đề kháng của vịt yếu hơn những năm trước, nuôi 1 tháng trời là uống thuốc đủ 1 tháng. Lúc trước đàn vịt của tôi bị bệnh chết khoảng phân  nửa, lúc đó rầu không ăn ngủ được”.

Vất vả, cực nhọc và cũng lắm rủi ro nhưng vẫn có không ít người gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng. Dọc theo các tuyến đường của xã Tân Điền là những cánh đồng mênh mông, thẳng tắp, xa xa là dáng người vẫn ngày đêm sát cánh cùng đàn vịt. Dù lắm cực nhọc nhưng trong họ vẫn ngập tràn niềm tin vào một lứa vịt nuôi đầy hứa hẹn.

MINH THÀNH

.
.
.