Thứ Sáu, 26/02/2016, 13:49 (GMT+7)
.

Bệnh viện tâm thần Tiền Giang: Lung linh tấm lòng từ mẫu

Những bệnh nhân thẩn thờ ngồi bên cửa sổ hay lững thững bước chân trên hành lang; đâu đó phía sau song cửa là những bệnh nhân đang la hét, đập phá trong điên dại và thấp thoáng những chiếc áo trắng với ánh mắt hiền từ… là quang cảnh thường thấy tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.

Không dừng lại ở công việc chính của người thầy thuốc là khám bệnh, cấp thuốc điều trị, mà các y, bác sĩ còn kiêm thêm nhiệm vụ “bảo mẫu” từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, đến vệ sinh cá nhân của bệnh nhân…, nhưng không ít người vẫn bị bệnh nhân tấn công. Vất vả và nguy hiểm là vậy, nhưng những thầy thuốc nơi đây vẫn mặn nồng tình yêu công việc bằng trái tim nhân hậu.

Tạo sân chơi cho bệnh nhân.
Tạo sân chơi cho bệnh nhân.

BỊ MẮNG LÀ CHUYỆN NHỎ

Đêm khuya, bác sĩ đang nằm nghỉ lưng, cánh cửa phòng trực bị đạp tung và bệnh nhân xông vào. Lần khác, bác sĩ đang ngồi khám, bệnh nhân không có triệu chứng kích động gì lại đột ngột phun nước bọt vào mặt bác sĩ và sau đó là một tràng chửi bới thô tục...

Đó chỉ là vài kỷ niệm trong những ngày đầu làm thầy thuốc điều trị bệnh nhân tâm thần của Thầy thuốc Ưu tú - BS CKII Ngô Thanh Hòa, Phó Giám đốc bệnh viện. “Bị mắng là chuyện nhỏ, bị bệnh nhân tấn công cũng là chuyện bình thường. Công tác lâu trong nghề, người thầy thuốc sẽ tự rút ra kinh nghiệm để không bị bệnh nhân hành hung” - bác sĩ Hòa chia sẻ.

Đã 7 năm qua, cô điều dưỡng trẻ Huỳnh Thị Ngọc Y gắn bó với việc chăm chút cho những bệnh nhân nội trú. Ngoài việc theo dõi diễn biến bệnh của bệnh nhân để báo cáo với bác sĩ và thực hiện y lệnh của bác sĩ trong điều trị, điều dưỡng Huỳnh Thị Ngọc Y cùng  đồng nghiệp còn phải kiêm luôn công việc của một “bảo mẫu” như: Đưa bệnh nhân đi tắm, vệ sinh cá nhân, cắt tỉa móng tay, móng chân, cho bệnh nhân uống thuốc…

Điều dưỡng Y chia sẻ: “Thật sự ban đầu em đến xin việc tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang vì sau khi tốt nghiệp khó tìm được việc làm, người học điều dưỡng thất nghiệp nhiều lắm. Những ngày đầu làm việc tại bệnh viện, em lo lắng và sợ lắm. Bệnh nhân không tỉnh táo nên khi chăm sóc họ phản ứng bất thường không biết đâu mà tránh. Có khi đang ngồi cắt móng tay cho bệnh nhân thì bị co chân đạp mạnh vào người làm em bật ngửa, đau điếng.

Thời gian sau, khi đã quen với công việc, em không muốn chuyển đến nơi khác làm nữa. Bệnh nào cũng khổ, nhưng có lẽ bệnh tâm thần là khổ nhất. Người bệnh đâu có biết gì, ai cho ăn gì ăn nấy, cũng không biết tự chăm sóc, người thân và ngay cả bản thân là ai đôi khi cũng không nhận ra thì có cái khổ nào bằng…”.

Vất vả, hiểm nguy là vậy, nhưng sau gần 15 năm thành lập bệnh viện chưa hề có một bác sĩ hay điều dưỡng nào của bệnh viện xin chuyển đi nơi khác. Ngay bản thân điều dưỡng Cơ gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần gần 25 năm qua, bắt đầu từ điều dưỡng của Khoa Tâm thần - Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh. Trong mấy mươi năm đó, không ít lần anh bị bệnh nhân mắng chửi, tát tai, đấm đá. Đáp lại hành động đó của người bệnh là sự chăm sóc chu đáo, tận tình của anh dành cho họ.

YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ

Từ cơ sở ban đầu là Trung tâm Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang được thành lập vào năm 2002. Hiện Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang là bệnh viện chuyên khoa hạng II theo xếp hạng của Bộ Y tế, với 180 gường bệnh, biên chế gần 200 người.

Bệnh viện tiếp nhận khám, chữa trị bệnh nội trú cho những bệnh nhân rối loạn tâm thần cấp tính, bệnh kích động quậy phá cộng đồng; điều trị ngoại trú cho bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần và thực hiện chỉ đạo tuyến quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Theo số liệu của ngành Y tế, hiện toàn tỉnh có 2.322 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.851 bệnh nhân động kinh và 1.475 bệnh nhân tâm thần khác đang được theo dõi điều trị. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang đã nỗ lực chăm sóc, điều trị cho số lượng bệnh nhân này.

Bác sĩ Lê Duy Biên, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, từ khi thành lập đến nay bệnh viện chưa hề tiếp nhận được bác sĩ trẻ chính quy nào. Để đáp ứng nhu cầu công việc, chúng tôi phải tự đào tạo nguồn lực tại chỗ. Tuy nhiên, cũng trong suốt khoảng thời gian ấy không có ai bỏ bệnh viện ra đi.

Sở dĩ anh chị em bác sĩ, điều dưỡng gắn bó được với bệnh viện chính là vì cái tâm nhân ái, bởi công tác nơi đây không chỉ vất vả và rình rập nhiều hiểm nguy, mà điều kiện bệnh viện còn nhiều khó khăn, từ thiếu thốn trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám và điều trị đến cơ sở điều trị nội trú xuống cấp; kinh phí hạn mức của bệnh viện thấp, đáp ứng không đủ cho điều trị nội, ngoại trú và các hoạt động quản lý, điều trị bệnh nhân ở cộng đồng…

Chỉ có tình thương thật sự, đội ngũ cán bộ, nhân viên bệnh viện mới có thể vì bệnh nhân mà miệt mài cống hiến. Bác sĩ Trần Thị Ràng, Trưởng khoa Điều trị nội trú bệnh viện đã có gần 20 năm điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Vốn là bác sĩ đa khoa công tác tại Bệnh viện Khu vực Gò Công, bác sĩ Ràng học nâng cao chuyên khoa Tâm thần rồi về công tác tại Trạm Tâm thần tỉnh.

Chị là một trong những bác sĩ nòng cốt của Bệnh viện Tâm thần tỉnh từ ngày đầu thành lập. Hàng ngày chị trực tiếp khám, thăm hỏi từng bệnh nhân như những người thân của mình. Niềm vui của chị là những bệnh nhân từ điên dại dần hồi tỉnh, nhận biết bản thân là ai, biết được người thân… Những điều tưởng chừng như đơn giản này, người thầy thuốc phải bỏ nhiều tâm sức và thời gian. “Trả được một người về với cuộc sống gia đình là một niềm hạnh phúc và bác sĩ chúng tôi chỉ cần có vậy”.

Thương bệnh nhân, mong muốn tìm ra phác đồ điều trị tối ưu nhất để nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi cơn u mê trở về với gia đình, Thầy thuốc Ưu tú Ngô Thanh Hòa đã miệt mài với những nghiên cứu khoa học, đã được ứng dụng tại bệnh viện và mang lại hiệu quả thiết thực như: Hội chứng cai rượu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần cấp tính, thuốc tiêm tác dụng chậm trong điều trị tâm thần…

Bác sĩ Hòa kể lại: “Có khi ra đường gặp người bán vé số, hay trên đường về quê gặp một nông dân hiền lành chạy đến mừng rỡ thăm hỏi, tôi mới biết họ từng là bệnh nhân của mình. Thấy bệnh nhân của mình có thể sống hòa nhập cộng đồng và tự chăm sóc được cho bản thân là chúng tôi mãn nguyện rồi!”.

Theo số liệu điều tra của ngành Tâm thần Trung ương, khoảng 10 - 20% dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phải nhập viện khám và điều trị chiếm tới hơn 45% ở độ tuổi dưới 30.

Bệnh tâm thần không chỉ tàn phá sức khỏe của người bệnh mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và cộng đồng. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân dân hiện nay là vô cùng lớn. Tập thể những thầy thuốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang đã ngày đêm miệt mài cống hiến vì sức khỏe của người dân bằng trái tim nhân ái.

THỦY HÀ

.
.
.