Chủ Nhật, 21/02/2016, 07:56 (GMT+7)
.

Chính sách mới tháo gỡ khó khăn cho ngư dân vay đóng tàu

Gửi ý kiến đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, cử tri các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP còn chậm, gặp nhiều vướng mắc như thủ tục rườm rà, thiếu thiết kế mẫu tàu, thiếu hướng dẫn tiêu chỉ lựa chọn vay vốn đóng mới tàu cá…

Cử tri đề nghị quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn để đưa chính sách vào cuộc sống, tạo điều kiện để ngư dân được trang bị tàu đánh cá có công suất lớn, đảm bảo an toàn khi tham gia đánh bắt trên biển.

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri các tỉnh như sau:

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện, để các chính sách hỗ trợ của nhà nước đến được với ngư dân.

Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc làm giảm tiến độ triển khai thực hiện của các địa phương như, các địa phương còn lúng túng trong việc xác định đối tượng được tham gia chính sách tín dụng đóng mới tàu cá, quy định về thủ tục cho vay của các ngân hàng thương mại khác nhau, thiếu thiết kế mẫu đối với ngư dân đóng tàu vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ…

Trước những khó khăn, vướng mắc các địa phương, ngư dân gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương nắm bắt tình hình, hướng dẫn các địa phương thực hiện và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Ngày 24/4/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP; tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã cơ bản được tháo gỡ.

Qua hơn một năm triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến nay đã đạt được một số kết quả như sau:

- Đến ngày 25-12-2015, các tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện với 985 tàu đóng mới và 174 tàu nâng cấp, trong đó tàu vỏ thép 437 tàu, vỏ vật liệu mới 53 tàu, vỏ gỗ 495 tàu; tàu từ 400CV đến dưới 800CV: 376 tàu, từ 800CV đến dưới 1.000CV: 540 tàu, 1.000CV trở lên: 69 tàu.

- Ngân hàng thương mại đã ký kết được 301 hợp đồng tín dụng với các chủ tàu. Số tiền cam kết cho vay là 3.150 tỷ đồng, giải ngân được 1.269 tỷ đồng. Đến nay đã có 57 tàu đóng mới, nâng cấp đưa vào hoạt động.

- Các tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và tai nạn thuyền viên với tổng giá trị được bảo hiểm là: 20.319 tỷ đồng. Tổng phí bảo hiểm là 194 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 169 tỷ đồng.

- Tiền Giang và Quảng Bình đã hỗ trợ được 69 chuyến biển với 19 tỷ đồng.

- Hỗ trợ đào tạo được 430 thuyền viên với kinh phí là 731 triệu đồng.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/2015/NĐ-CP và nắm chắc tình hình triển khai tại các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

(Theo Chinhphu.vn)

.
.
.