Thứ Hai, 29/02/2016, 14:50 (GMT+7)
.

Đề án 295: Gần 20.000 phụ nữ được học nghề&trên 82% có việc làm

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổng kết thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” (gọi tắt là Đề án 295) của Thủ tướng Chính phủ. Qua 5 năm thực hiện đề án, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giải quyết thêm nhiều việc làm mới và góp phần khẳng định vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Mô hình đan bàn ghế nhựa của phụ nữ huyện Tân Phú Đông.
Mô hình đan bàn ghế nhựa của phụ nữ huyện Tân Phú Đông.

NHIỀU MÔ HÌNH GIÚP PHỤ NỮ THOÁT NGHÈO

Năm 2013, Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 18 máy may; Hội LHPN tỉnh phối hợp các ngành dạy nghề may công nghiệp cho 31 chị em và hỗ trợ cho 11 phụ nữ vay 103 triệu đồng mua máy may cho thành viên trong Tổ hợp tác (THT) may Vạn Thành, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông.

Chị Lê Thị Mộng Thường, tổ trưởng THT cho biết: “Qua hơn 2 năm hoạt động tổ đã giúp cho 3 chị thoát nghèo như chị Vân, chị Cẩm và chị Mười; 5 chị từ khó khăn vươn lên hộ khá. Đến nay, tổ đã ký hợp đồng với các công ty, xí nghiệp gia công các mặt hàng như may giỏ xách, áo mưa, áo gối, vớ… cho các tổ viên may, đảm bảo giá cả phù hợp với thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ viên trong tổ”.

Hiện tổ có 36 thành viên, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng/chị. Từ khi có THT, thu nhập của chị em tăng gấp 2 lần so với trước. Tổ còn thu hút và tạo việc làm thêm cho trên 10 chị em ở các xã lân cận như: Tân Điền, Bình Ân… Chị em trong tổ luôn đoàn kết, tự nguyện đóng góp quỹ trên 12 triệu đồng để kịp thời giúp đỡ những chị em gặp khó khăn, bệnh tật.

Từ 20 người, lên 50 người, đến nay là trên 600 người, đa phần là chị em phụ nữ tham gia mô hình đan lục bình của Hội LHPN xã Tân Hưng, huyện Cái Bè. Tân Hưng là xã nông nghiệp, sau mùa vụ lực lượng lao động khá dồi dào lại không có việc làm, trong đó lao động nữ chiếm trên 50%.

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2002 Hội LHPN xã đưa chị Lê Thị Trinh đi học nghề đan lục bình, rồi về hướng dẫn lại cho chị em trong xã; hỗ trợ cho 125 hội viên vay vốn phát triển mô hình đan lục bình.

Đến năm 2014, được sự thống nhất của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ gần 100 triệu đồng mua nguyên liệu, hướng dẫn thành lập THT “Đan lục bình xuất khẩu”.

Chị Lê Thị Trinh, Tổ trưởng THT cho biết: “Tổ hiện có 36 tổ viên hoạt động rất tốt, đã giúp 15 hộ thoát nghèo. Hiện nay, THT sản xuất đa dạng các mặt hàng xuất khẩu từ lục bình. Cơ sở hoạt động phát triển rộng hơn, nâng tổng nguồn vốn trên 1,5 tỷ đồng, thu hút chị em ngày càng tham gia đông hơn; đồng thời mở rộng hợp tác với các xã: An Thái Trung, An Hữu, Hòa Hưng, Mỹ Hiệp, Mỹ Lợi…”.

Theo hầu hết chị em phụ nữ, nhất là chị em phụ nữ vùng nông thôn, các mô hình liên kết sản xuất tại chỗ trong thời gian qua như: Đan lát, đan lục bình, kết cườm, may gia công quần áo, giỏ xách…, đã giúp cho chị em có thêm nghề mới và việc làm với mức thu nhập ổn định, giúp chị em cải thiện phần nào cuộc sống gia đình, có thêm điều kiện chăm sóc con cái học hành đến nơi đến chốn. Phụ nữ lớn tuổi có thể tham gia công việc ở các khâu phù hợp với sức lực của mình, vì thế chị em yêu thích và gắn bó với nghề.

DẠY NGHỀ GẮN VỚI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Bà Nguyễn Thúy Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: “Ðối với chị em phụ nữ lao động ở nông thôn, khi áp dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp, thời gian nông nhàn sẽ nhiều hơn.

Ðể chị em không phải xa gia đình mà vẫn có việc làm thêm, nâng cao thu nhập, thì đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em đã đem lại hiệu quả cao. Đối với phụ nữ ở nông thôn thì tổ chức dạy nghề đan lát, lục bình, đươn đệm bàng, đan ghế nhựa, xe nhang, chăn nuôi…; còn đối với phụ nữ ở thành thị thì mở lớp dạy may công nghiệp, trang điểm, làm tóc, làm bánh, đan len, kết cườm… Tùy theo từng địa phương và tùy theo đối tượng lao động, độ tuổi mà tổ chức dạy nghề cho phù hợp.”

Qua 5 năm thực hiện đề án, bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn và duy trì hoạt động các tổ, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn tích cực triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn, trong đó chú trọng đến việc xây dựng các mô hình sau đào tạo nhằm giúp chị em áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Cụ thể, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách về dạy nghề và việc làm cho trên 340.965 hội viên, phụ nữ, đạt tỷ lệ 76% so đề án là 70%; tư vấn học nghề và việc làm cho hơn 61.000 lượt lao động nữ. Chủ động phối hợp với các ban, ngành mở 609 lớp dạy nghề cho gần 20.000 lao động nữ; 15.360 hội viên, phụ nữ sau học nghề được Hội giới thiệu việc làm ổn định, đạt trên 82%.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ sau học nghề có việc làm, các cấp Hội còn xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh để tạo công việc tại chỗ cho chị em. Đến nay, cấp Hội đã xây dựng được 507 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, với trên 11.465 thành viên, có thu nhập bình quân từ 600 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/tháng; xây dựng 12 mô hình THT do hội viên, phụ nữ đứng ra thành lập….

Với kết quả trên, Hội đã góp phần thực hiện mục tiêu hàng năm giảm 20% số lao động nữ thất nghiệp và lao động nữ việc làm không ổn định ở nông thôn và thành thị.

Có thể thấy, việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên, phụ nữ cùng việc xây dựng các mô hình sau đào tạo giúp chị em áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế một cách hiệu quả và trở thành hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ.

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục chủ động mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn; đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như:

Mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần ổn định kinh tế để chị em có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

P. MAI

.
.
.