Thứ Tư, 10/02/2016, 06:59 (GMT+7)
.

Người "giữ hồn" cho chiếu hoa ngày Tết

Chiếc chiếu hoa là vật không thể thiếu trong gia đình người Việt xưa ngày tết, trải qua bao thăng trầm, khó khăn của thời đổi mới, hội nhập; giá trị tinh thần lẫn tình cảm của chiếc chiếu hoa vẫn còn đó theo thời gian trong tâm hồn người Việt những ngày đầu năm mới.

 

Chiếc chiếu, đôi chiếu từ xa xưa đã gắn liền với đời sống người Việt. Mở mắt chào đời cũng nằm trên chiếu, nhắm mắt xuôi tay cũng có chiếc chiếu bó thân. Nó đã trở thành biểu tượng cho tình cảm của bản thân, gia đình (tình giường chiếu) hay vị thế xã hội (chiếu trên, chiếu dưới). Chiếu từ lâu đã hiện diện trong tình yêu, chuyển tải lời tỏ tình, gửi gắm tình cảm lứa đôi.“…Giúp em đôi chiếu em nằm, Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo…”.

Hay: Dù cho nệm ấm chăn bông, Đâu bằng tấm chiếu tỏ lòng em trao… Con cái lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng, dẫu nghèo đến mấy cũng sắm cho được đôi chiếu mới. Điều hết sức giản dị nhưng không thể thiếu trong đời sống hôn nhân khắp mọi làng quê. Ngày tết, ngày cưới không thể thiếu những chiếc chiếu hoa trang trọng trong giường tân lang, trên những bộ ván gỗ ngày tết.

Chính những giá trị vật chất và tinh thần vô cùng đặc sắc này mà việc duy trì nghề dệt chiếu, tạo những “điểm nhấn” hoa văn cho chiếc chiếu là việc làm rất đáng trân trọng giữa thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Những ngày cận Tết Nguyên đán 2016, tôi về Làng chiếu Long Định (xã Long Định, huyện Châu Thành) tìm ông Vũ Văn Tiến, người thợ in hoa nổi tiếng của làng nghề; ông được xem là người “thổi hồn” cho những chiếc chiếu vô tri trở nên lung linh, sắc sảo.

 

Mở đầu câu chuyện, người đàn ông 62 tuổi này cho biết: “Nghề này cực lắm, nếu không yêu nghề khó mà trụ được”. 5 tuổi đã theo nghề của cha, hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề, ông Tiến cho rằng Làng chiếu Long Định đang gặp khó khăn, nhưng sẽ khó mai một bởi trong tâm thức người Việt chiếc chiếu hoa vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa tâm linh.

Theo ông Tiến, Làng chiếu Long Định bắt nguồn từ những cư dân Kim Sơn - Ninh Bình vào Nam năm 1954; và giai đoạn sau giải phóng từ năm 1980 - 1985 là thời cực thịnh của làng nghề khi chiếu được xuất khẩu sang Liên Xô cũ. Thời đó, nơi đây nhà nhà làm chiếu, người người dệt chiếu, cả khu phố tất bật, nhộn nhịp những ngày giáp tết.

Ngày nay chiếu Long Định chủ yếu tiêu thụ trong nước, nhiều nhất từ Đồng Nai về đến Cà Mau. Theo ông Tiến, chiếu Cà Mau nổi tiếng qua bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” nhưng người Cà Mau vẫn chuộng chiếu Long Định, bởi đây là đặc sản chiếu Bắc: Dệt dày, chặt, dây bố làm khung cho chiếc chiếu lớn, bẻ bìa cói chứ không may đầu bằng vải, lâu ngày sẽ mục chỉ và đặc biệt là có hoa văn sắc sảo, tươi màu. Vì thế, ba tháng giáp tết là làng nghề nhộn nhịp, bởi hiện ở vùng quê tết đến nhà nào cũng phải thay đôi chiếu mới, vì thế đến chiều 30 Tết là trong nhà không còn một chiếc chiếu để bán dù đã trữ hàng từ lâu.

Trước đây, muốn có hoa văn phải đan thành hình rất công phu nên năng suất thấp; nay có kỹ thuật in hoa nên làm ra sản phẩm nhiều hơn, nhưng cũng không kém công phu. Pha phẩm nhuộm cũng có bí quyết, làm sao cho màu sắc tươi mới, lâu phai; sau đó dùng rập quét lên chiếu những hoa văn như: Rồng phụng, trái cây, những dòng chữ như “Gia đình hạnh phúc”, “Cung chúc tân xuân”, “Năm mới phát tài”, “Phú quý vinh hoa”.

Ông cho biết, mẫu rồng phụng và gia đình hạnh phúc luôn được người dùng ưa chuộng đầu năm. Trung bình 2 người thợ cùng in trên 1 chiếc chiếu, mỗi ngày in được gần 100 chiếc. Sau khi in xong, màu vẫn chưa tươi, phải đưa chiếu vô lò hấp cách thủy như nấu bánh ít. Đây cũng là bí quyết của nghề, giữ cho màu không phai và sắc sảo, thời gian hấp bao lâu, lửa thế nào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các hoa văn đã in trên chiếu.

“Chiếu hoa là vật tiến cung trong thời nhà Nguyễn, vì thế giữ được nghề truyền thống của cha ông mang từ Bắc vào Nam là một niềm tự hào” - ông Tiến chia sẻ như thế. Với nghề dệt chiếu, in hoa ông Tiến đã nuôi 6 người con ăn học nên người, trong đó có 4 người con đã tốt nghiệp đại học và 1 cô con gái đang lấy bằng Tiến sĩ tại Đan Mạch bằng học bổng của Nhà nước cấp.

Tuy có lúc băn khoăn khi lớp trẻ hiện nay không thích theo nghề dệt chiếu, in hoa, do hiệu quả kinh tế không cao, lại nhiều cực nhọc, nhưng ông Tiến vẫn tin rằng, dẫu cho xã hội phát triển đến đâu thì chiếu cói vẫn không bao giờ biến mất; bởi nó là một phần linh hồn, là bản sắc văn hóa của làng quê Việt Nam.

DUY SƠN

.
.
.