Thứ Hai, 15/02/2016, 17:18 (GMT+7)
.

Quơn Long rộn ràng đón tết

Về xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo) trong ngày đầu xuân mới thấy được sự nhộn nhịp, tràn ngập niềm vui và sức sống của vùng đất Anh hùng đang ăn nên làm ra nhờ phát triển cây thanh long. Trên đường, xe cộ tấp nập. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên trên cánh đồng thanh long như tấm thảm xanh ngút ngàn…

Nhà mới mọc lên trên nền xanh của thanh long.
Nhà mới mọc lên trên nền xanh của thanh long.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Quơn Long cho biết, hiện xã đã có gần 90% nhà bán kiên cố và kiên cố, trong đó có nhiều ngôi nhà, biệt thự được xây dựng với kiểu dáng đẹp, hiện đại. Trước tết, nhiều hộ bán thanh long được giá cao (thanh long ruột đỏ trên 60 ngàn đồng/kg, thanh long ruột trắng trên 20 ngàn đồng/kg) nên bà con ăn tết sung túc. Riêng 2,6% hộ nghèo được UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã tổ chức phát quà tết; một số tổ chức, cá nhân ngoài xã cũng đã đến trao quà tết để nhà nhà đều có tết.

Ngoài màu xanh của thanh long thì sắc vàng của mai, cúc, vạn thọ… càng tô điểm thêm cho hương xuân của vùng quê Anh hùng Quơn Long thêm đậm đà. Trẻ con thì xúng xính áo mới đùa vui, tạo không khí ngày tết thêm rộn ràng. Ông Huỳnh Văn Hừng, Bí thư Chi bộ ấp Long Thạnh đưa chúng tôi đi thăm một số gia đình chính sách và hộ nghèo, đến đâu cũng gặp bao nụ cười hạnh phúc.

Vợ chồng anh Nguyễn Thành Trung (hộ nghèo ấp Long Thạnh) vừa được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng ngôi nhà mới, bàn giao trước tết, đón chúng tôi với nụ cười và ánh mắt tràn ngập niềm vui. Anh Trung chia sẻ: “Năm nay vợ chồng, con cái của tụi em ăn tết trong ngôi nhà mới rộng rãi, thoáng mát như em từng mơ ước. Được “an cư”, hy vọng năm mới gia đình làm ăn khá hơn, thoát nghèo bền vững”.

Đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Yến (ấp Quang Khương) trong ngôi nhà tình nghĩa ấm áp, khang trang nằm cạnh Nghĩa trang liệt sĩ của xã (đất nghĩa trang do mẹ Yến hiến). Năm nay mẹ Yến trên trăm tuổi, đang ngồi xếp lại chiếc áo len màu nâu.

Như quen với sự viếng thăm nên mẹ vui vẻ lên tiếng “Ngồi ghế uống nước đi con!”, rồi mẹ cất chiếc áo vào một góc giường, cho biết: “Cái áo ấm của đứa cháu ở tỉnh về cho hồi năm trước, mấy bữa lạnh lấy ra mặc, nay hết lạnh xếp cất”.

Mẹ đứng dậy, đi về phía bàn tròn ngồi với chúng tôi: “Năm nay mẹ đi bệnh viện 3 lần, không khỏe như năm ngoái. Tết con cái, cháu nội, cháu ngoại, cháu cố, cháu sơ về đông đủ, vui lắm!”. Bàn tay gầy của mẹ bưng nước, đưa bánh mứt buộc chúng tôi phải dùng. Sức khỏe tuy suy giảm nhưng ánh mắt mẹ lấp lánh niềm vui bởi con cháu sum vầy và ai cũng ăn nên làm ra.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Yến vui tết với các con, cháu.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Yến vui tết với các con, cháu.

Tạm biệt mẹ Yến, chúng tôi theo đoạn đường nhựa, rẽ sang đường đan mới được nới rộng, uốn lượn trong vườn thanh long nghịch mùa hoa đang trổ, có chỗ lủng lẳng trái xanh, có nơi trái đang đỏ thắm cận ngày thu hoạch. Theo con số thống kê của xã, thu nhập bình quân đầu người của xã trong năm 2015 là 28 triệu đồng/năm, tăng 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2014.

Theo ông Huỳnh Văn Hừng, Bí thư Chi bộ ấp Long Thạnh, tết năm nay, hộ nghèo trong ấp Long Thạnh ăn tết khá hơn mọi năm bởi mỗi hộ được nhận 2 phần quà, mỗi phần không dưới 500 ngàn đồng, gồm 1 phần do xã vận động và 1 phần của Trung tá Lê Minh Thanh (xuất thân từ ấp Long Thạnh, hiện là Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận 8, TP. Hồ Chí Minh) trao tặng.

Tết nhưng trên khắp các khu vườn thanh long vẫn nhộn nhịp, người phun thuốc, người tưới nước, chỗ vuốt que (que trên trái thanh long)… Về đêm, các khu vườn vẫn sáng choang ánh đèn xông thanh long để cho ra hoa mùa nghịch.

Anh nông dân trẻ Trương Công Kết nhấp ly trà và chỉ ra vườn thanh long đang lúc lỉu trái xanh: “Tụi tôi bây giờ chơi thì chơi nhưng vẫn luôn cật lực lao động, ngày thường cũng như ngày tết, xong công việc là anh em tụ tập lại, đứa hùn một món rồi cụng ly, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc thanh long, trồng hoa màu…

Mùng 2 tết, tôi cùng vợ ra vườn vuốt que thanh long, bởi chăm sóc thanh long phải đúng quy trình: Tưới phân, phun thuốc, vuốt que… phải đúng lịch. Ngày thường vẫn làm, vẫn chơi, nhưng tết thì không khí vui hơn, bởi anh chị em, con cháu về đông đủ mừng một năm ăn nên làm ra thật rôm rả…”.

Cũng từ lời tự sự của ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã: “Dân ở đây đa phần ai cũng có việc làm, người có đất trồng thanh long; người có vốn làm chủ vựa thanh long; ít đất, ít vốn thì làm mướn: Cắt trái, chở, phân loại, vô thùng, làm cỏ, vuốt que thanh long…, mỗi ngày thu nhập không dưới 200 ngàn đồng.

Riêng 76 hộ nghèo của xã rơi vào trường hợp đặc biệt như bệnh tật, già neo đơn, mất sức lao động…, chúng tôi đang vạch ra phương hướng giúp họ thoát nghèo bằng cách phân loại, xét hoàn cảnh để có cách hỗ trợ phù hợp, thiết thực nhất.

Hiện tại, giao thông của xã đã đạt chuẩn theo tiêu chí của xã nông thôn mới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi bà con cùng Nhà nước mở rộng thêm để xe 4 bánh vô được tận các vườn thanh long vận chuyển dễ dàng mà không bị ép giá…”.

Đi giữa màu xanh của thanh long, những ngôi nhà mới xây, đâu đó vang vang tiếng hát của những dàn karaoke gia đình, những dàn nhạc “kẹo kéo” xập xình… Cánh đồng lúa năm xưa, nay trở thành vườn thanh long bạt ngàn, lúc nào cũng thấp thoáng bóng bà con nông dân cần mẫn chăm sóc…, càng thêm yêu cảnh vật, con người nơi đây đã vươn lên từ một vùng đất nghèo khó, từng là căn cứ cách mạng. Quơn Long hôm nay đang khoác trên mình tấm áo xinh tươi của ngày xuân.

NGỌC LỆ

.
.
.