Thứ Bảy, 13/02/2016, 08:40 (GMT+7)
.

Sinh viên tất bật làm thêm dịp Tết

Cận tết cũng là thời điểm sinh viên hoàn thành xong học kỳ I. Thời gian này, một số sinh viên lo đi làm thêm để kiếm thu nhập và học hỏi kinh doanh cũng như trải nghiệm kỹ năng sống.


* Vất vả nhưng vui

Bạn Trần Ngọc Hằng và Lê Hồng Thắm (Lớp ĐH Quản trị kinh doanh 12) đã vay của gia đình 2 triệu đồng để mua sỉ giỏ xách về bán. Đi tận chợ Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) lấy hàng, mỗi chiếc Hằng và Thắm bán lời từ 20 - 30 ngàn đồng.

Hằng cho biết: "Trên thành phố có nhiều mẫu mã lắm, nhưng tụi em biết thị hiếu của các bạn trẻ nên chọn được nhiều loại đẹp, bán khá chạy hàng. Tụi em kinh doanh mặt hàng này đã 1 năm rồi. Bán một mùa tết, mỗi đứa lãi được khoảng gần triệu đồng. Nếu còn hàng thì sau tết bán rẻ cho các bạn trong lớp".

Có kinh nghiệm kinh doanh từ những năm trước, bạn Trần Quang Đại (Lớp ĐH Giáo dục tiểu học 14) đã tự mở một gian hàng trên Facebook và Zalo buôn bán quần áo. Hiện trang của bạn đã có hàng nghìn lượt truy cập và số lượng khách hàng đặt mua cũng tăng đáng kể.

Quang Đại chia sẻ: "Càng sát Tết, mọi người đổ xô đi mua quần áo càng nhiều. Nắm bắt thị hiếu đó, mình mới nảy ý tưởng kinh doanh quần áo. May mắn được mọi người tin tưởng nên thu nhập cũng khá".

Không có "năng khiếu" bán hàng nên một số sinh viên đi làm công cho những cửa tiệm bán tạp hóa, siêu thị, quán ăn uống, chợ đêm,... Song, phụ bán hàng ăn, quán cà phê là công việc dễ tìm và được nhiều sinh viên lựa chọn, vì mức thuê thường theo giờ, từ  20 - 30 ngàn đồng/giờ.

Nhà ở Cái Bè, dù kinh tế gia đình không khó khăn, nhưng Nguyễn Minh Khánh (Lớp ĐH Kế toán 13), cùng nhóm bạn trong lớp làm phục vụ cho quán nướng Ngói trên đường Lý Thường Kiệt. Khánh cho biết, làm từ 15 - 23 giờ được trả 20 ngàn đồng/giờ.

Thứ bảy và chủ nhật đông khách hơn thì được 30 ngàn đồng/giờ. Vì biết sinh viên đi làm thêm nên khách thường cho luôn tiền thối lại, khoản này không ổn định, nhưng cũng được vài chục ngàn đồng mỗi tối.

Bên cạnh các công việc làm thêm thời vụ, nhiều sinh viên tự kinh doanh mứt Tết. Nguyễn Thành Hưng (Lớp ĐH Quản trị kinh doanh 13) cùng một vài người bạn thân tạo thành một nhóm cùng nhau làm mứt. Chỉ với nguyên liệu đơn giản như khóm, đường, đậu phộng, mè... đã tạo thành một món mứt khóm nhâm nhi cho ngày Tết.

Hưng cho hay: "Tự kinh doanh như vậy mình vừa có thu nhập vừa tạo được mối quan hệ, tích lũy kinh nghiệm cho ngành nghề của mình sau này. Quan trọng hơn hết là mình có thêm thu nhập mà không phải nhận hỗ trợ từ cha mẹ".

* Cơ hội rèn kỹ năng

Đi làm thêm dịp tết, theo các sinh viên không chỉ để kiếm tiền mà đây còn là cơ hội để rèn luyện bản lĩnh, nghệ thuật giao tiếp, khả năng đàm phán, thuyết phục ngay trên... vỉa hè. Ngoài ra, mỗi người còn học được cách lựa chọn mặt hàng kinh doanh, đối tượng khách hàng... là những điều mà ở trường không hề dạy, cho nên khi bước chân vào lĩnh vực này sẽ rất có ích cho cuộc sống mai sau.

Bạn Cao Minh Nghĩa (Lớp CĐ Kế toán 14) cho biết: "Về nhà sớm cũng không giúp được cho bố mẹ nhiều nên mình tranh thủ làm thêm để có tiền tiêu Tết. Hiện mình đang làm bưng bê cho một nhà hàng ở đường Trần Hưng Đạo. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại lương khá ổn. Nghĩ đến việc Tết về nhà không phải xin tiền bố mẹ tiêu mình thấy rất vui".

Cùng suy nghĩ với Nghĩa, bạn Trần Đại Nhân (Lớp CĐ Tiếng Anh 14), chia sẻ: "Hiện em đang làm chạy bàn cho nhà hàng Làng Việt. Vào những ngày Tết cận kề, nhà hàng trở nên đông khách hơn và lương cũng cao hơn, nên mình quyết định ở lại làm thêm trong những ngày Tết mong kiếm thêm thu nhập và trải nghiệm kỹ năng sống".

Nắm bắt được nhu cầu tìm việc của sinh viên, Trường Đại học Tiền Giang đã giúp kết nối với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm thời vụ.

ThS. Đinh Quốc Cường -  Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường, cho biết: "Trước tết khoảng 1 - 2 tháng, khi một số doanh nghiệp gửi thông tin về nhu cầu cần người phụ việc, chúng tôi đưa thông tin lên Website và phát thanh của trường để mọi người tự chọn.

Sinh viên bây giờ rất năng động, thường lập một nhóm cùng nhau thử sức kinh doanh nhỏ hoặc phục vụ trong các quán ăn để rèn luyện kỹ năng sống. Nhiều cơ sở kinh doanh thích thuê mướn sinh viên, vì có ý thức kỷ luật và nắm bắt công việc nhanh, đi làm đúng giờ giấc và nhất là thật thà".

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang)

.
.
.