Thứ Sáu, 05/02/2016, 15:46 (GMT+7)
.

Tết - cùng với những nỗi lo

Những ngày này, phố xá đông vui, rực rỡ sắc màu, người người đua nhau đi mua sắm tết. Trong không khí rộn ràng đón xuân ấy, đó đây vẫn còn một số mảnh đời cơ cực, với họ “tết đến là thêm nỗi lo toan”.

Bác Nguyễn Văn Hoàng (phải) và người bạn già đạp xích lô đang chờ khách.
Bác Nguyễn Văn Hoàng (phải) và người bạn già đạp xích lô đang chờ khách.

Ngày tết thêm lo

Đi một vòng phố thị, những cửa hiệu buôn bán nhộn nhịp nhập thêm hàng; các loại hoa rực rỡ khoe màu; những shop thời trang thêm nhiều sắc màu và kiểu dáng… những nhà khá giả đã tất bật sắm sửa cho ngày tết. Ở một góc đường, 2 bác đạp xích lô ngồi trầm tư lặng lẽ, bởi từ 5 giờ sáng tới giờ chưa có “tài” nào.

Bác Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1938, khu phố 1, phường 8, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: “Bác chạy xích lô từ năm 1975, hồi trước nghề này đã giúp bác nuôi vợ con. Giờ chỉ kiếm tiền chợ cho hai vợ chồng già có khi không đủ, nhưng ở nhà thì làm gì, ra đây ngồi chờ có ngày may mắn kiếm được vài chục ngàn, một trăm ngàn đồng cũng đỡ”.

Anh Vũ Văn Nam (Khoái Châu, Hưng Yên) đứng góc đường bán hoa.
Anh Vũ Văn Nam (Khoái Châu, Hưng Yên) đứng góc đường bán hoa.

Khi hỏi về ngày tết, ánh mắt bác Hoàng đượm buồn: “Mong gần tết, nhiều người đi mua sắm họ sẽ thuê chở đồ nhiều hơn.

Có tiền, lo cho hủ gạo đầy, mắm muối có đủ là mừng rồi. Tết thì có thêm ký thịt với chục trứng hột vịt kho, ít trái cây chưng bàn thờ, còn hoa thì… (bác cười buồn) bác chạy xe chở hoa cho người ta, chờ buổi chợ cuối năm hoa còn, bán rẻ hoặc người ta cho đem về nhà chưng để có sắc xuân với chòm xóm.

Năm nay, tết không có ngày 30 nên càng cập rập hơn”. 40 năm chạy xích lô, cuộc sống của bác Hoàng với bao nhọc nhằn như vòng quay của bánh xe xích lô chậm chạp, nặng nề trôi qua từng ngày.

Xuân này, bác Hoàng ngấp nghé tuổi 80, vậy mà vẫn phải gò lưng đạp xích lô để kiếm từng đồng mua thịt, cặp dưa hấu để cúng ông bà.

Bên lề đường đầy nắng gió, anh Nguyễn Văn Minh trải tấm nhựa với hơn chục kg mận, vài kg ổi, mong bán hết để kiếm ít tiền lời mua cho con trai đôi giày mới; quần áo thì có đứa cháu họ mặc chật rồi cho, còn mới nên khỏi sắm.

Tết với anh Minh là thêm nỗi lo toan, bởi trong nhà phải có chút ít gì đó khác ngày thường, rồi phải có trà bánh đem về nội, ngoại, dù ba má đôi bên đều hiểu hoàn cảnh của anh, nhưng tết nhứt ai lại về chúc tết tay không.

Ngồi chuyện trò với anh gần một tiếng đồng hồ mà chỉ có 2 người ghé hỏi mua, nhưng một người trả giá rồi bỏ đi. Anh lại thở dài: “Tôi mong ước mình làm ăn thuận lợi, tết đến vợ không phải lo lắng, trăn trở; tội nghiệp vợ, mua món gì cũng bàn tới, tính lui…”.
Tết của những người xa quê

Chủ nhân của chiếc xe chở đầy hoa giả, đậu ở lề đường là thanh niên ngoài ba mươi tuổi, anh ta vui vẻ, mau miệng chào mời. Nghe giọng miền ngoài, hỏi thăm mới biết đó là Vũ Văn Nam, 33 tuổi, quê huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Hơn 10 năm rồi, Nam chưa về nhà bởi lẽ vất vả mưu sinh mà không khấm khá. Nam bảo:

“Tết làm con người ta nhớ nhà nhiều hơn, nhưng có chút ít tiền em đã gởi về cho ba mẹ, còn giữ lại một ít để sống qua ngày. Em cũng qua nhiều nghề, giờ bán hoa nhựa, hoa vải mong thu nhập kha khá để có một chuyến về quê.

Tính ra em vô Nam đã 10 cái tết, nhưng có bao giờ ăn tết cho đúng nghĩa, chỉ có đêm giao thừa mấy anh em nhậu một bữa là xong. Ai cũng vét túi gởi về nhà cho cha mẹ, vợ con… Em thì làm chỉ đủ ăn, có dư đâu mà cưới vợ”.

Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) nơi có thiên tình sử “Chử Đồng Tử và Tiên Dung”, một Chử Đồng Tử nghèo đến không vải che thân phải vùi mình vào cát để trốn Tiên Dung, còn Nam thì làm hoài không khá, phải 10 năm sống xa quê, khát khao một cái tết sum họp gia đình.

Tết đến rồi, Nam phải rong rủi khắp nẻo đường, mong có nhiều khách hàng mua hết số hoa trên xe, để đêm giao thừa cùng anh em vui vẻ một chầu cho đỡ nhớ quê”. Xa xa nhìn lại, Nam và chiếc xe đầy sắc màu hoa như nét chấm phá của mùa xuân đang đến, ai có biết nó ẩn chứa nỗi lòng của người vì miếng cơm, manh áo phải xa quê.

Chị Trần Thị Tình (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) 15 năm vai mang nặng hàng hóa, đi bộ để bán.
Chị Trần Thị Tình (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) 15 năm vai mang nặng hàng hóa, đi bộ để bán.

“Ngày nào cũng vậy, sau 7 giờ sáng mấy chị em tôi ra khỏi nhà trọ, đến chiều tối mới về. Chắt chiu từng đồng để gởi về cho con, ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc; cùng cảnh xa quê nên mấy chị em thuê căn phòng trọ, chen chút với nhau cho đỡ tốn tiền.

Hơn 15 năm rồi tôi không biết tết là gì, cứ sáng ra là mang nguyên cái giá đồ thế này lang thang khắp phố. Hồi trước còn khỏe đi xuống tận Gò Công hay Cái Bè để bán, giờ đau khớp gối, đi không nổi nên quanh quẩn vài chỗ, bán không nhiều…” - chị Trần Thị Tình, 50 tuổi, quê huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vừa chỉ những món hàng mời tôi mua, vừa chia sẻ khi tôi hỏi chuyện.

Cái giá đồ của chị gần như một sạp tạp hóa di động với nhiều loại: Ví nam nữ, móc khóa các loại, một ít đồ chơi trẻ em, kim may tay, kim tây, lưỡi lam, dao cạo, bấm móng tay, sáp đánh giày, quẹt gas, mắt kính, đồ trang sức…

15 năm xa quê mưu sinh, chị Tình chỉ biết ăn để no, mặc để ấm cho có sức khỏe để “cày” mà nuôi 4 đứa con đang gởi ngoại.

Lâu lắm mới về thăm con, chị không về vào dịp tết bởi tàu xe khó khăn, đắt đỏ; mỗi lần về thăm con rồi chị đi, các con khóc và hỏi “Chừng nào mẹ về?”. Câu hỏi giản đơn nhưng với người nghèo như chị sao như giải bài toán khó, bởi muốn về thăm con phải có tiền cho 2 chuyến tàu, rồi nghỉ bán mấy ngày.

Tết nhớ quê, nhớ mẹ già, nhớ các con, nhìn người ta dẫn con xúm xít chơi xuân lòng như ai chà xát. 15 năm, vai oằn nặng, chân mỏi mòn, chỉ sợ một ngày không còn đi nổi, cuộc đời của chị và các con sẽ ra sao? Câu hỏi trăn trở theo chị từng bước chân, từng góc phố.

Còn chị Phạm Thị Yến, 43 tuổi, ở tận Thanh Hóa, chồng mất để lại 3 con nhỏ, chị không trình độ, không nghề nghiệp nên gởi con, một mình vào TP. Hồ Chí Minh tìm kế sinh nhai. Chị phụ bán hàng rồi phụ hồ, giúp việc nhà… gặp toàn chủ hà khắc, làm việc quần quật mà trả lương chẳng bao nhiêu, tiền đâu mà gởi về cho con.

Chị lại theo bạn bè xuống Mỹ Tho, xin việc làm không được, chị lượm đồ phế thải, sau đó mua được chiếc xe đạp cũ, chị nghĩ ra việc mua đồng nát. Chị tâm sự: “Ai bán thì mua, gặp đồ bỏ chị chịu khó nhặt.

Những ngày tết chị tranh thủ đi nhặt ve chai bởi tết đồ phế thải nhiều như vỏ chai, lon bia…, ai bỏ mình nhặt, ai bán mình mua… Giờ chị gom góp tiền để gởi về quê cho mẹ chị mua cho các cháu ít bộ đồ mới và mua ít thịt, cá, bánh kẹo để cúng ông bà. Tết chị nhớ các con và mẹ nhiều lắm, đôi lúc các con gọi vào cố cầm nước mắt, khi tắt điện thoại mới khóc…

Chẳng biết tới bao giờ chị có được ngày tết đúng nghĩa như người ta…”. Nước mắt chị lấp loáng dưới ánh sáng chập choạng của đèn Công viên Lạc Hồng. Gió lạnh hơn. Chị Yến cài lại cổ áo, hình như tấm áo khoác cũ sờn không che đủ cái lạnh. Chị mĩm cười như an phận với hoàn cảnh hiện tại.

Tết đã đến thật gần! Giữa phố đông nhộn nhịp, nắng vẫn hằn lên bóng dáng của người bán hàng rong, bán vé số, những người “tha phương” bước chân nặng trĩu mà đường về quê xa lắc; những người đạp xích lô, những anh chạy xe Honda ôm thu lu với cái lạnh trong đêm ở những góc đường chờ khách với ước mơ có một cái tết đủ đầy hơn.

NGỌC LỆ

.
.
.