Thứ Sáu, 11/03/2016, 13:36 (GMT+7)
.

2 nông dân sản xuất giỏi điển hình ở xã Mỹ Long

Trong những năm gần đây, phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) đã có nhiều hộ mạnh dạn phá vườn tạp, đầu tư chuyên canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế mang lại hiệu quả cao. Trong số này phải kể đến các ông Lê Văn Cư và Trần Văn Út.

Ông Trần Văn Út (bên trái) và Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Phương Quang  bên gốc sầu riêng RI6.
Ông Trần Văn Út (bên trái) và Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Phương Quang bên gốc sầu riêng RI6.

Trên đường dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh (SX-KD) giỏi của ông Lê Văn Cư (sinh năm 1965, ngụ ấp Mỹ Lợi), ông Bùi Văn Tăng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: “Là một nông dân bình thường nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, đầu tư đúng hướng, ông Cư đã trở thành một nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh, một tỷ phú miệt vườn”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi giữa vườn cây trái xum xuê, ông Cư kể: “Trước đây 10 công đất của tôi trồng nhiều loại cây ăn trái nhưng giá trị kinh tế thấp nên thu nhập không cao. Từ khi Đảng bộ và chính quyền xã khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phá vườn tạp để chuyên canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, tôi đã mạnh dạn vay vốn trồng 2 loại sầu riêng RI6 và Monthong.

Được dự các lớp tập huấn, hội thảo và tham quan các mô hình điểm, từ đó tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào trong sản xuất và đã đạt được một số kết quả. Hiện tại, 1 ha sầu riêng của tôi đạt năng suất trung bình 20 tấn/năm, mấy năm trước đây giá bán trung bình khoảng 40 - 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi từ 600 - 700 triệu đồng. Năm nay, sầu riêng RI6 và Monthong được giá (gần 100 ngàn đồng/kg), tôi dự kiến
thu về khoảng 1 tỷ đồng”.

Không chỉ chuyên canh sầu riêng RI6 và Monthong, ông Cư còn trồng và kinh doanh cây kiểng. Trước sân, chung quanh nhà có những cây kiểng từng đoạt giải trong các cuộc thi và có những gốc kiểng có giá từ 40 - 50 triệu đồng nhưng ông vẫn chưa bán.

Ông Cư bộc bạch: “Coi vậy chớ mỗi năm vườn kiểng của tôi thu về từ 100 - 200 triệu đồng”. Làm ăn hiệu quả, ông Cư đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động có thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ông còn nhiệt tình đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, giao thông nông thôn, tham gia công tác xã hội tại xã.

Từ năm 2009 đến nay ông là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản. Với những đóng góp của mình, năm 2014 và 2015 ông được  bình chọn là nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh.

Ông Lê Văn Cư bên 2 gốc kiểng trị giá hàng chục triệu đồng.
Ông Lê Văn Cư bên 2 gốc kiểng trị giá hàng chục triệu đồng.

Rời nhà ông Cư, chúng tôi tiếp tục đến tham quan mô hình sản xuất của ông Trần Văn Út (sinh năm 1962, ngụ cùng ấp Mỹ Lợi). Dọc đường, ông Tăng kể: “Ông Út trước đây công tác trong ngành Công an, trở về cuộc sống đời thường ông chuyên tâm lao động, sản xuất. Mô hình của ông Út mới nổi lên khoảng mấy năm nay, tuy chỉ có 5 công đất nhưng hiệu quả kinh tế đáng phải nể phục, trung bình mỗi năm thu về không dưới nửa tỷ đồng”.

Trong lúc dẫn chúng tôi tham quan khu vườn, ông Út cho biết: “Trong 5 công đất nhà có 4 công chuyên canh giống sầu riêng RI6 đang cho thu hoạch, còn 1 công trồng sau mới ra trái chiến. Mấy năm trước, trung bình mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 9 tấn sầu riêng, với giá bán từ 40 - 50 ngàn đồng /kg, tôi thu về từ 300 - 400 triệu đồng.

Năm nay sầu riêng được mùa, sản lượng ước đạt 10 tấn, thương lái đặt mua từ 80 - 90 ngàn đồng/kg, chắc tôi thu về khoảng gần 1 tỷ đồng”.

Điều đáng chú ý là ngoài việc chuyên canh giống sầu riêng RI6, ông Út còn trồng xen cây tắc ở 2 bên mé mương và cho thu nhập khá. “Mỗi năm chỉ riêng cây tắc, tôi thu về không dưới 20 triệu đồng” - ông Út cho biết.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về kinh nghiệm và bí quyết thành công, ông Út chia sẻ: “Muốn thành công phải học, trước hết là tham gia các lớp chuyển giao KH-KT về trồng trọt; tham quan, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Quá trình làm phải thực hiện đúng quy trình từ khâu chọn giống, đào đất lên liếp đến khâu chăm sóc và áp dụng triệt để các tiến bộ về KH-KT trong suốt quá trình từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch”.

Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin trích dẫn lời của Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Tăng: “Qua việc đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân SX-KD giỏi, trên địa bàn xã Mỹ Long đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, các tiêu chí, chỉ tiêu của Đảng bộ xã đề ra đều đạt và vượt.

Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 14 triệu đồng/năm, thì đến cuối năm 2015 tăng lên 29 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm theo từng năm, cuối năm 2015 chỉ còn 3,7%. Hiện nay, xã đã cơ bản đạt 14/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và sẽ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2020”.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.