Thứ Hai, 14/03/2016, 07:52 (GMT+7)
.

Công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam

Bộ Công Thương vừa tổ chức Lễ công bố “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15-3” theo Quyết định số 1035/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi hành động vì quyền của người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi hành động vì quyền của người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo và được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Trong những năm qua, việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng được triển khai rộng rãi. Công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng nhận thức của xã hội về vai trò của công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng còn hạn chế. Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này còn bất cập. Hoạt động của các cơ quan tổ chức, bảo vệ quyền của người tiêu dùng chưa cao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh với việc ký các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, quyền của người tiêu dùng Việt Nam càng phải được bảo vệ.

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh toàn cầu ngày càng quyết liệt, để xây dựng môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng cần có bước đột phá và phải được các cơ quan Chính phủ cũng như toàn xã hội chung tay hành động mạnh mẽ hơn.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, cấp uỷ chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, tập trung vào một số định hướng chính.

Đó là công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được coi là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không chỉ tập trung vào một số bộ, ngành, cơ quan. Các bộ, ban, ngành  theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của mình cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Cần nghiên cứu thống nhất về mô hình tổ chức, quản lý bảo vệ quyền của người tiêu dùng áp dụng trên phạm vi cả nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần cụ thể hoá các chính sách, đổi mới cơ chế để có thể hỗ trợ tích cực hoạt động của các tổ chức xã hội liên quan.

Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu, xây dựng các mô hình, chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp điều kiện của Việt Nam.

Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình; phải coi người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong mọi thành bại của doanh nghiệp. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành đổi mới công tác truyền thông. Các cơ quan thông tấn, báo chí cung cấp kịp thời, chính xác thông tin liên quan bảo vệ quyền của người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin trưởng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là sự kiện thường niên với sự tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong và ngoài nước và nhân dân.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.