Thứ Hai, 21/03/2016, 12:06 (GMT+7)
.

Công đoàn "vào cuộc" bảo vệ sức khỏe người lao động

Chất lượng bữa ăn đóng vai trò quyết định đến việc bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe lâu dài cho người lao động (NLĐ). Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thực sự quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày cho công nhân, lao động (CNLĐ) khiến nhiều vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra. Trước thực trạng này, tổ chức Công đoàn đã và đang có những biện pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo vệ sức khỏe của NLĐ.

Bữa ăn giữa ca ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của NLĐ (Ảnh chụp bữa cơm giữa ca của công nhân tại một DN ở KCN Mỹ Tho).
Bữa ăn giữa ca ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của NLĐ (Ảnh chụp bữa cơm giữa ca của công nhân tại một DN ở KCN Mỹ Tho).

Ngộ độc thực phẩm gia tăng

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) ở các bếp ăn tập thể tại các DN. Mới đây nhất là vụ NĐTP xảy ra ở Công ty TNHH Deachang Vina (ở ấp Hòa Lợi Tiểu, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) làm cho 86 công nhân bị ngộ độc phải nhập viện.

Trước đó, vào ngày 29-12-2015, tại Công ty TNHH Dệt len Eco Way (ở ấp Phú Hòa, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) đã có 47 công nhân bị NĐTP phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy. Chưa đầy 2 tháng trước đó, vào ngày 7-11-2015, tại Công ty cổ phần may Sông Tiền (Cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho) có 57 công nhân bị NĐTP phải nhập viện điều trị.

Điều đáng nói là chưa đầy một tháng trước khi vụ NĐTP xảy ra ở Công ty cổ phần may Sông Tiền là vụ NĐTP xảy ra ở Công ty TNHH Wondo Vina vào ngày 15-10-2015, với khoảng 100 công nhân bị ngộ độc phải nhập viện điều trị. Đây là công ty đã từng để xảy ra vụ NĐTP vào tháng 10-2013, với gần 1.000 công nhân bị ngộ độc... Thực trạng này cho thấy, chất lượng các bữa ăn của công nhân ở các bếp ăn tập thể của các DN đang ở mức báo động.

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh, trong năm 2015 toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ NĐTP (5 vụ tại bếp ăn tập thể, 1 vụ tại tiệc cưới), với 589 người mắc, không có tử vong. So với năm 2014, số vụ tương đương nhưng số người bị NĐTP tăng 145 người.

Nguyên nhân của các vụ NĐTP liên tiếp xảy ra ở bếp ăn tập thể của các DN là do sự thiếu trách nhiệm của các DN với NLĐ. Nhiều DN đặt cơm cho công nhân từ cơ sở chế biến thực phẩm không đủ điều kiện cung cấp suất ăn công nghiệp, thậm chí từ cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động. Theo đánh giá của Cục An toàn thực phẩm, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ngộ độc tập thể có xu hướng gia tăng, báo động về việc coi thường chất lượng bữa ăn và đe dọa sức khỏe của CNLĐ.

Chất lượng bữa ăn còn thấp

Chất lượng bữa ăn đóng vai trò quyết định đến việc bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe lâu dài cho NLĐ. Thế nhưng, nhiều DN chưa thực sự quan tâm, cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày.

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, hiện tỉnh có 4 KCN, 4 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, có gần 200 DN và gần 100 ngàn công nhân đang làm việc. Khoảng 50% số DN này có bếp ăn tập thể hoặc nhận suất ăn từ nơi khác về. Số DN còn lại trả bằng tiền để công nhân tự lo phần ăn.

Bên cạnh nhiều DN chăm lo tốt bữa ăn cho CNLĐ, thì vẫn có nhiều DN còn thiếu trách nhiệm trong việc này. Trong số các vụ tranh chấp lao động giữa DN và NLĐ tại các DN ở các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có không ít vụ là do xuất phát từ chất lượng bữa ăn của CNLĐ còn thấp, không bảo đảm nhu cầu tái tạo sức lao động cho NLĐ.

Theo tìm hiểu, các suất ăn của CNLĐ hiện nay được DN tự nấu hoặc do các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quán cơm bình dân cung cấp. Một suất cơm công nhân trung bình có mức từ 10.000 - 13.000 đồng. Thậm chí, có DN vẫn đặt phần ăn của công nhân chỉ từ 8.000 - 9.000 đồng/suất. Ðể cung cấp được các phần cơm giá rẻ, các cơ sở chế biến thực phẩm lại giảm thức ăn hoặc sử dụng những thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Một công nhân đang làm việc tại một công ty ở KCN Tân Hương (huyện Châu Thành) cho biết: “Suất cơm thông thường chỉ được vài miếng dưa leo và 3, 4 miếng thịt nhỏ. Khoảng 12 giờ mới ăn cơm, nhưng khoảng 9, 10 giờ cơm đã được mang tới nên khi ăn, thức ăn đã nguội hết, rất khó nuốt!”. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, suất ăn có giá trị và cách ăn như vậy chắc chắn không thể bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là yêu cầu tái tạo sức lao động cho NLĐ.

Cần thiết nâng chất lượng bữa ăn giữa ca

Xác định tầm quan trọng của chất lượng bữa ăn giữa ca đối với sức khỏe NLĐ, vừa qua, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XI đã thông qua Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ”, trong đó khẳng định sức khỏe của NLĐ phải được đặt lên hàng đầu.

Theo tinh thần Nghị quyết, việc quan tâm chăm lo bữa ăn giữa ca của NLĐ trong DN là trách nhiệm của các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở (CĐCS). Cả hệ thống Công đoàn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ.

Trong đó, xác định nội dung bữa ăn giữa ca của NLĐ là nội dung quan trọng cùng với vấn đề tiền lương, tiền thưởng, vấn đề an toàn vệ sinh lao động để thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Các giải pháp nhằm tác động để DN đáp ứng bữa ăn giữa ca bảo đảm chất lượng, đủ năng lượng để tái tạo được sức lao động và đặc biệt là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn.

Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ” xác định mục tiêu từ năm 2016, các CĐCS trong khu vực DN khi tiến hành đối thoại thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ với mức thấp nhất bằng 0,6% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Theo LĐLĐ Việt Nam, mức giá này là tương đối chấp nhận được để các CĐCS thương lượng với chủ sử dụng lao động. Bà Võ Thị Mai Khanh, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Royal Foods (100% vốn Thái Lan, KCN Mỹ Tho) bày tỏ: “Chỉ cần CĐCS thương lượng tốt và chủ DN có tâm với NLĐ, chất lượng bữa ăn sẽ được cải thiện”.

Việc thông qua nghị quyết đã thể hiện rõ sự cương quyết của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ sức khỏe của NLĐ. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, để nghị quyết được thực hiện triệt để, trước mắt Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn để hệ thống CĐCS có thể triển khai sớm trong năm 2016. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sẽ sớm kiến nghị Chính phủ và Quốc hội bổ sung các quy định có liên quan để Công đoàn có khả năng bảo vệ được quyền lợi của NLĐ.

Theo LĐLĐ tỉnh, bữa ăn giữa ca tại DN có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe của NLĐ cũng như năng suất lao động đối với DN. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ” là tối cần thiết.

“Bước vào hội nhập sâu rộng, các cấp Công đoàn của tỉnh Tiền Giang càng phải quan tâm chăm lo tốt hơn đời sống mọi mặt của NLĐ, trong đó có cả nội dung quan trọng là chăm lo bữa ăn giữa ca cho CNLĐ” - ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh.

HỮU NGHỊ

.
.
.