Điều dưỡng Trần Thị Nên xem người bệnh là người thân
Với lòng yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, điều dưỡng Trần Thị Niên đang công tác tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh đã vượt qua mọi áp lực công việc, gia đình để gắn bó với nghề Y hơn 30 năm qua.
Ra trường từ năm 1982, chị được phân công về Phòng Cấp cứu Nhi của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh. Những ngày đầu mới vào nghề ngay lúc cao điểm của dịch bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết khiến bệnh nhân quá tải, chị và đồng nghiệp phải thức thâu đêm suốt sáng, không có đủ thời gian ra trực, nhưng bù lại nhìn thấy các cháu khỏe mạnh làm chị quên đi mọi nhọc nhằn.
Cách nay 5 năm, vào một sáng sớm, khi đang ngồi giao ban như thường lệ, bỗng tôi được thông báo có 1 ca cấp cứu ở Khoa Cấp cứu của bệnh viện, tôi và chị Niên vội chạy sang, thấy bé gái mới 3 tuổi đang nằm trên giường, bàn chân của cháu có 2 vết thương sâu đang chảy máu, xung quanh sưng nề, bầm tím và dọc theo bắp vế có nhiều vết cắt chảy máu đầm đìa; tay, chân thì lạnh, mạch không bắt được…
Biết cháu đang trong tình trạng bị trụy mạch vì mất nhiều máu nên tôi kêu chị Niên nhanh chóng truyền dịch, truyền máu và huyết thanh kháng nọc rắn. Chị Niên nói: “Thầy ơi, phải đưa bé về Khoa Nhi mới đủ phương tiện, vì ở đây dụng cụ cấp cứu người lớn không hà”.
Tôi đồng ý với đề xuất của chị. Tôi nhanh chóng đi phía trước bóp bóng tiếp hơi cho cháu, còn chị Niên đẩy băng ca chạy lúp xúp theo sau. Đến Khoa Nhi, chúng tôi huy động các thầy thuốc giỏi và có kinh nghiệm tập trung cứu cháu. 30 phút, rồi 1 giờ, 2 giờ trôi qua, mạch của cháu bắt đầu xuất hiện lăn tăn, rõ dần; môi hồng lại; nhịp thở đều… Lúc này bà ngoại cháu mới hỏi tôi: “Cháu đỡ chưa bác sĩ?”.
Tôi nói: “Tốt rồi, cháu sẽ sống!”. “Trời ơi, thiệt hả bác sĩ!” - bà nói dứt câu, vội chạy ra ngoài cửa phòng cấp cứu, nơi có nhiều người thân và cả những người hiếu kỳ đang đứng vây quanh mừng quýnh nói to: “Cháu tôi sống rồi, cháu tôi sống rồi!”. Người ta thấy 2 hàng nước mắt bà rơi lả tả trên đôi gò má nhăn nheo - những giọt nước mắt sung sướng như chưa có niềm vui nào hơn thế. Tôi nhìn thấy chị Niên cũng khóc theo.
Tại Phòng C của Khoa Nhi, chị Niên vừa được phân công làm Trưởng phòng để điều hành chung công việc các anh chị điều dưỡng, vừa phụ trách khâu tiếp nhận bệnh nhân mới. Khi tiếp nhận bệnh nhân mới, chị luôn hỏi cặn kẽ thân nhân người bệnh về hoàn cảnh gia đình, địa chỉ liên lạc, giấy tờ bảo hiểm y tế… nhằm giúp người bệnh hưởng được đầy đủ các chính sách của Nhà nước dành cho trẻ em.
Nhiều bà mẹ ở quê không biết rõ các giấy tờ để hưởng bảo hiểm y tế đã được chị Niên hướng dẫn tỉ mỉ, đầy đủ để gia đình bổ sung kịp thời. Trong trường hợp gia đình các cháu nghèo thật sự, chị Niên báo cáo lãnh đạo để xin ý kiến giải quyết miễn phí theo quy định của Nhà nước.
Có trường hợp người bệnh đóng tiền tạm ứng, nhưng khi ra viện làm mất chứng từ, chị trực tiếp đi lên phòng thu viện phí xin bản sao rồi tiến hành các bước nhận lại tiền cho gia đình người bệnh…
Tôi hỏi: Vì sao chị làm việc cực nhọc mà thường khi thấy chị nở nụ cười tươi tắn trên môi? Chị cười đáp: “Mình làm tốt được công việc là nhờ luôn xem bệnh nhân như người thân, thật lòng quan tâm đến họ, xuất phát từ lòng yêu thương chân thật từ trái tim của mình dành cho bệnh nhân, thấy bệnh nhân vui là mình vui!…”.
Ngoài việc chăm sóc người bệnh theo chuyên môn, chị Niên còn chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân. Chị luôn chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân khi nằm viện và đều tìm cách giúp đỡ. Chị Niên không chỉ là người điều dưỡng giỏi tay nghề, mà còn có trái tim yêu thương người bệnh vô điều kiện.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC