Thứ Hai, 07/03/2016, 10:32 (GMT+7)
.

Hiệu quả từ "Tổ liên kết đan đệm bàng" ở xã Tân Hòa Thành

Sau gần 3 năm hoạt động, “Tổ liên kết đan (đươn) đệm bàng” (Tổ liên kết) của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, đã đạt nhiều kết quả rõ nét. Tổ liên kết đã giúp chị em phụ nữ trong xã có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình và còn là nơi gắn kết, tập hợp chị em vào tổ chức Hội.

THU HÚT HỘI VIÊN

Tổ liên kết được thành lập xuất phát từ thực tế nơi đây là một xã thuần nông, xa trung tâm huyện, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp. Mặc dù xã có nghề trồng bàng, đươn đệm, song vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, sản phẩm làm ra qua nhiều khâu trung gian nên giá bán thấp. Vì thế, Hội LHPN xã đã vận động, tập hợp phụ nữ trong ấp tham gia vào Tổ liên kết để có việc làm thường xuyên và đầu ra ổn định.

“Tổ liên kết đan đệm bàng” thu hút đông đảo chị em tham gia.
“Tổ liên kết đan đệm bàng” thu hút đông đảo chị em tham gia.

Hiện tại Tổ liên kết có gần 100 chị em tham gia, chủ yếu tập trung ở ấp Tân Quới. Cô Trần Ngọc Chơi, Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết: “Lúc mới thành lập  tổ chỉ có 30 chị em tham gia. Vào Tổ liên kết, chị em được hướng dẫn đươn đệm, giỏ xách, nón..., người lành nghề sẽ hướng dẫn cho người mới, tạo sự đoàn kết, tương trợ nhau. Tổ liên kết còn đảm bảo nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Thấy được hiệu quả, ngày càng có nhiều chị em tự nguyện xin vào Tổ liên kết”.

Đến thăm nhà cô Trần Ngọc Chơi vào ngày đầu năm, trong nhà có hơn 20 chị em đang ngồi đươn các sản phẩm từ bàng. Tay thoăn thoắt đan từng cọng bàng, các chị em còn trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Cô Chơi cho biết:

“Vì nhà rộng nên thời gian rảnh các chị em thường tập hợp lại đươn, vừa trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, cũng như cách nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ai bận việc nhà thì có thể đươn tại nhà”.

Là người có uy tín lại nhanh nhẹn nên cô Trần Ngọc Chơi sẵn sàng đi học hỏi các mẫu đươn mới để hướng dẫn lại cho chị em. Vì thế sản phẩm của Tổ liên kết làm ra luôn được tiêu thụ hết, đặc biệt là mặt hàng nón bàng luôn được khách hàng ưa chuộng.

Gần cả đời gắn bó với nghề giã bàng, đươn đệm, cô Phạm Thị Năm, thành viên của Tổ liên kết cho biết: “Trước khi tham gia vào Tổ liên kết, cô tự mua bàng về đươn đệm, giỏ xách rồi tự đem ra chợ bán, vì thế không có thời gian đươn và sản phẩm làm ra bán không nhiều. Từ khi tham gia vào Tổ liên kết, cô đươn được nhiều hơn, mỗi ngày từ 4 - 5 giỏ xách, thu nhập gần 100 ngàn đồng/ngày”.

 TẠO VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH

Hơn 60 tuổi, cô Hồ Thị Bạch Tuyết vẫn nhanh tay đươn từng chiếc giỏ đệm. Cô Tuyết chia sẻ: “Thường ngày thì cô làm lúa, còn đươn bàng khi có thời gian rảnh hoặc hết vụ lúa. Nhờ nghề này mà cô đã phụ với người em trai nuôi 3 đứa cháu khôn lớn, cả 3 đều đang học đại học. Đươn bàng tuy cho thu nhập không cao nhưng có việc làm thường xuyên và giá cả ổn định”.

Vừa trông con nhỏ, chị Nguyễn Thị Kiểm tranh thủ đươn từng chiếc giỏ bàng để kịp giao cho Tổ liên kết. Gia đình không có đất sản xuất, lại có con nhỏ, chị Kiểm nhận nguyên liệu về làm tại nhà. Chị Kiểm phấn khởi: “Chồng chị đi làm hồ rất vất vả nhưng tiền công không đủ nuôi gia đình. Từ khi tham gia Tổ liên kết, chị có việc làm và thu nhập để lo cho gia đình”.

Tổ liên kết vừa góp phần duy trì nghề truyền thống, vừa tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành cho biết: “Với tiêu chí không để phụ nữ đói nghèo, mỗi năm Hội LHPN xã phối hợp các ngành tổ chức từ 2 - 3 lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho chị em. Phối hợp với các ngân hàng giải ngân gần 1 tỷ đồng cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2015 có 22 hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững”.

Hiệu quả từ “Tổ liên kết đan đệm bàng” đã chứng tỏ chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, phụ nữ của Hội LHPN xã Tân Hòa Thành, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ nông thôn và mang lại kinh tế cho các hộ gia đình, góp phần giữ vững các tiêu chí xã
nông thôn mới.

P. MAI

.
.
.