Nghề cắt lúa mướn và những hoài niệm
Những năm trước đây, từng có một thời cắt lúa mướn là công việc kiếm thêm thu nhập của nhiều nông dân vùng Gò Công khi mùa gặt đến. Tuy nhiên, hiện nay, những chiếc máy gặt đập liên hợp đã đẩy “nghề” cắt lúa mướn lùi dần vào hoài niệm.
Minh họa: Lê Duy |
Dọc theo những con đường dân sinh thuộc xã Thành Công (huyện Gò Công Tây), 2 bên là những ruộng lúa xanh tươi đang trổ đòng thoang thoảng mùi thơm, xen lẫn là những mảnh ruộng đang ngả màu vàng mơ, báo hiệu một mùa gặt nữa sắp về. Những ký ức tuổi thơ bỗng chốc ùa về, gợi lên bao hình ảnh về những đoàn người lom khom gặt lúa.
Trước đây, khi mùa gặt đến, không khí rộn ràng lại tràn ngập khắp các nẻo đường quê, những đứa trẻ theo cha mẹ ra đồng vui đùa bên những ruộng lúa vàng bông thơm mùi lúa mới. Sự rộn ràng, tất bật được tạo nên từ những đoàn gặt lúa thuê, đi thành những đám đông khoảng vài chục người. Họ đi đến đâu thì không khí nơi đó náo nhiệt, ồn ào bởi tiếng cười nói, chọc ghẹo lẫn nhau.
Là một nông dân chính gốc, ngoài việc làm ruộng, cô Nguyễn Thị Huệ (ngụ xã Thành Công) còn đi làm thuê để kiếm sống, trong đó có công việc cắt lúa mướn. Gần nửa đời người gắn bó với “nghề” cắt lúa mướn, nên mỗi khi mùa gặt cận kề là trong lòng cô cảm thấy nôn nao.
Cô hồi tưởng: “Hồi đó mỗi lần mùa gặt đến là tôi lấy cái lưỡi hái đem đi rèn cho bén để đi cắt lúa thuê cho người ta. Mỗi mùa đi cắt cả tháng ròng, có hôm đi tới tối mịt mới về tới nhà. Cả ngày trời lom khom dưới ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vậy mà vui ghê”.
Dần theo thời gian, những chiếc máy gặt đập liên hợp đã dần thay thế con người trong việc thu hoạch lúa. Chính vì lẽ đó, hiện nay “nghề” cắt lúa mướn hầu như không còn đất sống. Cô Huệ bùi ngùi tâm sự: “Nhìn những bông lúa đỏ đuôi (sắp chín) ngoài đồng mà nhớ những ngày tháng đi gặt thuê, có đồng vô đồng ra để trang trải cuộc sống gia đình”.
Khi Dự án Ngọt hóa Gò Công chưa đưa vào vận hành, lúa ở vùng Gò Công chỉ làm được 1 vụ, đời sống của nhà nông gặp rất nhiều khó khăn. Để đổi lấy chén cơm, manh áo, nhiều người dân vùng Gò Công phải đến huyện Cai Lậy, Cái Bè để cắt lúa mướn. Khoảng 20 năm trước, sau khi ăn tết xong là cô Võ Thị Thương (ngụ ấp 2, xã Bình Xuân, TX. Gò Công) cùng nhiều người trong xóm khăn gói lên vùng Cai Lậy, Cái Bè, có khi qua tỉnh Long An để cắt lúa thuê.
Mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng, mọi người phải mang xoong nồi và gạo theo để nấu cơm. Chỗ nghỉ ngơi có khi ngủ nhờ nhà người ta, cũng có lúc dựng lều tạm ngoài đồng, ban ngày đi làm, tối về ngủ, đời sống và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, vậy mà ai nấy cũng háo hức khi mùa lúa chín tới. Vì cuộc mưu sinh nên ai cũng cố gắng chịu cực. Cũng nhờ đi cắt lúa mướn mà nhiều đôi trai gái mến thương nhau qua tiếng hát, câu hò…, rồi nên nghĩa vợ chồng.
THÀNH LONG