Thứ Hai, 07/03/2016, 17:44 (GMT+7)
.

Tháng ba của những phụ nữ vùng sâu, vùng xa

Ý nghĩa lịch sử ngày 8-3 đối với cán bộ, viên chức, người lao động ở các cơ quan, xí nghiệp… ai cũng biết. Thế nhưng, ở những vùng sâu, vùng xa, những người lao động chân tay, ngày đêm quần quật kiếm sống thì ngày 8-3 như chuyện cổ tích.

Phụ nữ xã Vàm Láng quanh năm làm lụng vất vả để kiếm sống,  hầu như không có ngày 8-3.
Phụ nữ xã Vàm Láng quanh năm làm lụng vất vả để kiếm sống, hầu như không có ngày 8-3.

Tháng 3 dương lịch, nhưng cái nắng cuối tháng Giêng âm lịch vẫn còn. Những ngày này, chúng tôi về miệt biển, miệt vườn để tìm hiểu các chị có một ngày 8-3 như thế nào. Về huyện Gò Công Đông, ghé qua xã Vàm Láng, nắng xế qua đầu, làm dậy lên mùi hăng hắc của cá, khô, tôm... lớp mới, lớp cũ hòa lại.

Những người phụ nữ ở Cảng cá Vàm Láng vẫn chăm chỉ, tay làm, miệng nói cười trong bầu không khí ngột ngạt. Biển vừa chuyển sang đầu mùa Nam (mùa của tháng 1, 2, 3 âm lịch) - mùa thuận của những người làm nghề biển, mùa của cảng cá nhộn nhịp thâu đêm suốt sáng, những người phụ nữ làm nghề phân loại hải sản làm việc gấp đôi ngày thường, bù lại mùa chướng (vào khoảng tháng 9, 10 và 11 âm  lịch) sóng gió, mưa bão, nỗi lo thiếu việc làm trong đất liền và nguy hiểm đối với người ra khơi.

Chị Đặng Thị Hoa (40 tuổi) và những chị em lao động nơi này đã chia sẻ với chúng tôi điều đó. Cho nên, với họ, chuyện được tặng hoa hay quà hoặc đi ăn một bữa với “người đàn ông” của họ trong ngày 8-3 giống như chuyện cổ tích của tình yêu. Với họ, có  việc làm hay mỗi chuyến tàu về mà những bạn tàu (nếu có người thân của mình) bình yên thì đó là hạnh phúc.

Cũng như chị em ở Cảng cá Vàm Láng, chị Nguyễn Thị Trong (sinh năm 1964, ngụ xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) cùng chung tâm trạng: “Xóm này đàn ông đi biển gần hết, cứ mỗi chuyến đi cả 2 tháng mới về, có về thì lo chăm sóc bờ rau, sửa lại mái nhà…

Còn cánh đàn bà tụi chị, ở nhà thắc thỏm lo lắng, chồng con về bình an thì mừng lắm rồi. Năm nào đến ngày 8-3 chị thấy trên truyền hình những người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà họp mặt, được tặng hoa; đàn ông thi nấu ăn… Còn ở vùng nước mặn quê mùa này kiếm đâu ra hoa hồng mà tặng. Vả lại, lúc này hầu như đàn ông cả xóm đang ở ngoài khơi”. Chị cười - nụ cười của người phụ nữ vùng ven biển chân chất, thật thà.

Đất cù lao miệt biển cây cối không mượt mà, chỉ có những vuông tôm lao xao mặt nước hứng lấy cái nắng miệt biển hanh khô và ôm lấy cái gió mang hơi nước của biển rin rít làn da.

“Con trai vùng này 15 tuổi đã theo cha, anh ra khơi tập câu mực, học kinh nghiệm nghề đánh bắt, gắn bó, yêu biển… Mỗi chuyến đi thuận lợi, mang các thứ của biển về, nhìn vợ con ra đón mừng xem như là quà tặng. Ngoài ra, chỉ quan tâm thời tiết, chứ còn ngày 8-3…” - anh Huỳnh Công Khánh (sinh năm 1988, ngụ Phú Tân) nói đến đó thì phì cười. Tình yêu và hạnh phúc của người đàn ông làm nghề biển là vậy đó!

Quay về xứ vườn, vú sữa cuối mùa còn “đeo” rải rác trên cành. Chị Huỳnh Yến Châu (ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành) tiếp chúng tôi dưới bóng râm của vườn sữa:

“Tôi có tham gia công tác phụ nữ ấp, cũng tổ chức họp mặt chị em để sinh hoạt, ôn lại lịch sử ngày 8-3 và hái hoa đố vui có thưởng. Còn chuyện tặng hoa cho vợ hay nói một câu gì đó “nịnh” vợ trong ngày này thì cánh đàn ông ở đây hiếm làm lắm.

Ngay cả chồng chị, biết ý nghĩa của ngày 8-3, nhưng vốn tính nông dân hiền lành, anh thương vợ con, làm lụng cực nhọc không nề hà, còn chuyện tặng hoa chúc mừng vợ nhân ngày này thì ngại ngùng, không làm được”.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Ngởi ở miệt vườn ấp Mỹ Long, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè. Ngôi nhà nhỏ ven con kinh đào là tổ ấm của anh chị. Anh Ngởi không may mất 1 cánh tay từ nhỏ nhưng chăm chỉ, giỏi việc ruộng vườn. Họ không có con nhưng rất hạnh phúc.

Hỏi anh có bao giờ anh tặng gì, hay chúc mừng chị vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 không? Anh cười, thổ lộ: “Chưa bao giờ làm chuyện này, nhưng nghe mấy anh bạn lúc uống trà có đùa “Hôm nay ngày 8-3, tôi giặt giùm bà cái áo của tôi…”.

Với anh, giặt đồ là chuyện hàng ngày, bởi gần 15 năm nay vợ anh bị tai biến, mọi việc trong ngoài anh lo, chỉ mong vợ mình khỏe mạnh để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Giặt đồ, làm bếp, đi chợ… thay vợ nên với anh ngày nào cũng sống trong ngày 8-3”. Chị Ngởi thì nói: “Tôi bệnh tật, may mà được chồng thương, lo lắng, chăm sóc, nếu không tôi làm sao sống nổi!…”.

Một người chạy “xe ôm” trong xóm ghé thăm, uống tách trà, góp chuyện: “Năm ngoái, thằng con học ở thành phố gọi điện nói ngày 8-3 ba mua gì tặng mẹ hay đi chợ nấu cho mẹ món gì và chúc mừng cho mẹ con vui. Tôi nghe lời thằng con, sáng hôm đó nói: “Nay mẹ nó nghỉ, để tôi làm công chuyện cho. Bả quét nhà, tôi giành làm, rồi đi chợ mua giò heo nấu giả cầy.

Bả cứ tròn mắt theo dõi. Khi tôi dọn lên mời bả ăn, chưa kịp chúc mừng, bả ngó tôi với ánh mắt đùa cợt: Muốn gì đây? Tôi trừng mắt cho đỡ quê và nói hôm nay là ngày 8-3 bà ơi!”. Vậy năm nay anh định làm gì? - tôi hỏi. Anh tủm tỉm cười: “Bà xã tôi cũng hỏi rồi. Tôi đang suy nghĩ làm việc gì đó cho vợ vui. Tặng hoa thì để cho mấy anh cán bộ, viên chức Nhà nước hay những người thành phố; còn mình dân quê thực tế tốt hơn…”.

Tháng 3 đã về, nhưng ở ngay thị trấn Chợ Gạo, một phụ nữ (xin giấu tên) đã nói với chúng tôi: “Tôi biết 8-3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày kêu gọi bình đẳng giới…, nhưng với hoàn cảnh của tôi, chỉ mong ông ấy bớt say xỉn, đừng la con, mắng vợ… là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

8-3 - ngày để nhắc nhở cánh đàn ông tôn trọng phụ nữ, kêu gọi xã hội thay đổi cách nhìn, thay đổi định kiến trọng nam khinh nữ, có sự bình đẳng với chị em. Không buộc các anh phải có trách nhiệm làm việc thay vợ, tặng hoa, tặng quà cho có phong trào.

Theo chúng tôi, bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ không chỉ trong ngày 8-3, mà ngày này như một dịp để nhắc nhở, động viên phái mạnh phải biết thương yêu, quý trọng người phụ nữ của mình; một hành động đẹp, một lời chúc, một món quà cho tình cảm lứa đôi thêm thi vị, cho tình cảm vợ chồng có phút lãng mạn, thăng hoa; cho tình cảm mẹ và con trai gần nhau hơn, để người phụ nữ vơi bớt nhọc nhằn. Không ít cô con gái tặng hoa, tặng quà cho những người mẹ đơn thân để mẹ không cô đơn và thêm nghị lực, thêm yêu cuộc sống…

Nói như anh Nguyễn Văn Ngởi: “Vợ tôi ngày nào cũng sống trong ngày 8-3!”. Đó là điều ước muốn của tất cả chị em.

NGỌC LỆ

.
.
.