Thương những "thân cò" lặn lội sớm khuya
Một gia đình đầm ấm với những đứa con ngoan và người chồng biết yêu thương, chia sẻ là mong ước bình dị của chị em. Có điều, cuộc sống nhiều khi không như ý muốn. Không ít phụ nữ vì một lý do nào đó đành phải chấp nhận cuộc sống đơn thân để nuôi con khôn lớn. Có sinh con, nuôi con mới thấu hiểu được những gì phụ nữ đơn thân phải chống chọi để hoàn thành thiên chức của mình.
Con cái thành đạt, thời son trẻ nhọc nhằn của chị Nguyễn Thị Thanh V. đã được đền bù. |
BỘN BỀ LO TOAN
Số liệu từ Hội LHPN tỉnh, toàn tỉnh hiện có ngoài 20.000 hộ do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Trong nhà thiếu vắng đàn ông, phụ nữ phải nặng mang từ những chuyện giản đơn hàng ngày như chăm sóc, dạy dỗ con cái; hay những chuyện khó khăn hơn như thay cái bóng đèn hư, sửa cái vòi nước hỏng, vá lại mái nhà dột…; cho tới chuyện chạy vạy lo kế sinh nhai cho cả
gia đình.
Chị Võ Thị B. (sinh năm 1972, ngụ ấp Miễu Hội, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành) một mình nuôi con hơn 20 năm qua. Hôn nhân dang dở, chị B. ôm con về nhà mẹ ruột, làm mướn đủ nghề để nuôi cha mẹ già và đứa con thơ dại.
Chị B. chia sẻ: “Có những lúc con bệnh, quấy khóc, tôi phải ẵm bồng trên tay, đi đi lại lại suốt đêm. Ban ngày làm lụng, đêm thì ẵm con, mệt mỏi rã rời, mòn mỏi, có lần tôi ngã té đập đầu vô vách, con khóc ré. Con lớn hơn một chút, con đi học thì khổ chuyện khác.
Có hôm tan trường về nhà mặt con buồn so. Hỏi hồi lâu con mới chịu nói nguyên nhân do bị bạn cười chê, cho rằng con không được cha thương nên không đưa đón. Lúc đó tôi phải tìm cách an ủi, vì con còn quá nhỏ nên đâu thể giải thích cặn kẽ cho con hiểu”.
Để làm tròn thiên chức người mẹ không phải là chuyện dễ vượt qua. Những lúc như vậy, nghĩ đến con, bản năng của người mẹ mới giúp phụ nữ đơn thân nuôi con có đủ nghị lực vượt qua.
CON LÀ ĐỘNG LỰC
Đã ngoài 20 năm trôi qua, chị Nguyễn Thị Thanh V. (ngụ phường 1, TP. Mỹ Tho) phải “nuốt nước mắt vào tim” để nuôi 3 cô con gái trưởng thành. Chính suy nghĩ cổ hủ, nhà chồng đã không ngần ngại hất hủi rồi xua đuổi chị và 3 đứa trẻ ra khỏi nhà chỉ vì “cái tội” không đẻ được con trai nối dõi.
Một nách 3 con biết phải về đâu? Chị V. về nương nhờ nhà mẹ ruột. Mẹ ruột của chị không khá giả, nhưng thương cháu, thương con mà cưu mang. Những tháng ngày tần tảo của người mẹ đơn thân ấy cứ tiếp nối, tiếp nối.
Không có nghề nghiệp, hàng ngày chị V. giữ xe thuê cho học sinh, tối đến phụ việc ở quán ăn. Tất bật quanh năm mà “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Chị V. nhớ lại: “Lúc con tôi học bậc tiểu học và trung học cơ sở là lúc khó khăn nhất. Nhìn mấy đứa nhỏ thiếu ăn, gầy gò mà tôi đau xé lòng. Cũng may, thời gian sau thầy giáo, cô giáo của con biết chuyện đã kêu gọi sự trợ giúp để các cháu tiếp tục đến trường.
Đó là cái ơn rất lớn, mẹ con tôi luôn mang. 3 cô con gái đứa nào cũng ngoan, siêng học và biết thương mẹ là điều may mắn, hạnh phúc lắm rồi, nên tôi gạt nước mắt mà cố gắng lo cho các con. Bây giờ tôi đã có thể mãn nguyện, vì cả 3 đứa con đều được học hành tới nơi tới chốn, 2 đứa lớn đã có việc làm, đứa con gái út đang học năm cuối Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Chị em nó thương nhau và đùm bọc nhau, từ lúc còn là học sinh bậc trung học cơ sở đã tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền phụ mẹ lo cho em. Nhìn con trưởng thành, hơn mình là điều hạnh phúc nhất đối với tôi”.
Bộn bề lo toan cuộc sống, thường khi phải bỏ qua những nhu cầu cần thiết của mình để dành cho con những gì tốt đẹp nhất là điều mà các chị sống đơn thân thường đối mặt. Hạnh phúc lớn nhất của những phụ nữ đơn thân là con cái khôn lớn, nên người. Họ đáng được cảm thông, chia sẻ và tôn vinh.
MAI HÀ