Thứ Hai, 07/03/2016, 10:34 (GMT+7)
.

Vận động nhân dân hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới

Cách đây 33 năm, Liên Hiệp Quốc đã chính thức tuyên bố ngày 15-3-1983 là “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới”. Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới bắt nguồn từ bài phát biểu của Tổng thống Mỹ John Kennedy tại Thượng viện Mỹ vào ngày 15-3-1962, cổ vũ cho 4 quyền của người tiêu dùng là quyền được bảo vệ, quyền được lựa chọn, quyền được thông báo và quyền được lắng nghe.

Tổ chức quốc tế Người tiêu dùng là liên hiệp của các tổ chức người tiêu dùng trên thế giới, nhằm bảo vệ và cổ vũ cho các quyền của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Phản đối những bất công trong xã hội và lạm dụng trên thị trường làm hại đến người tiêu dùng. Hiện nay tổ chức quốc tế người tiêu dùng đã có 267 thành viên tại 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khách hàng mua hàng tại siêu thị Co.op Mark Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh
Khách hàng mua hàng tại siêu thị Co.op Mark Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh

Đến nay quyền của người tiêu dùng đã được Liên Hiệp Quốc và nhiều nước công nhận, là cơ sở cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của quốc tế và các tổ chức người tiêu dùng toàn thế giới. Liên Hiệp Quốc quy định 8 quyền của người tiêu dùng gồm:

Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được lắng nghe, quyền được khiếu nại và bồi thường, quyền được giáo dục và đào tạo về tiêu dùng, quyền có môi trường sống lành mạnh và bền vững; đồng thời quy định người tiêu dùng có 5 trách nhiệm gồm: Biết phê bình, biết hành động, quan tâm xã hội, hiểu biết về người tiêu dùng và có ý thức cộng đồng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nước ta quy định người tiêu dùng có 8 quyền như:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Trong bài phát biểu năm 2012 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.

“Một thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải hướng về người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm chủ thể. Phải không ngừng hoàn thiện các thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát triển các trung tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa; bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đưa pháp luật vào cuộc sống; tập trung các cơ sở pháp lý để khuyến khích phát triển các tổ chức phi Chính phủ về bảo vệ người tiêu dùng”.

Kỷ niệm Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm nay, thiết nghĩ các cấp Hội, cán bộ, hội viên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp trong tỉnh cần phát huy vai trò nòng cốt phối hợp với các ngành, các đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới.

Đi sâu phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống xã hội. Vận động mọi người hưởng ứng mạnh mẽ Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới, thiết thực tự bảo vệ quyền lợi cho mình và cho mọi người khi giao dịch mua sắm hàng hóa và dịch vụ.

TRẦN BÌNH

.
.
.