2 nông dân làm giàu nhờ trồng thanh long
Đó là chú Nguyễn Văn Bửu và chú Nguyễn Văn Ân ở xã Quơn Long, không những làm giàu nhờ trồng thanh long, còn được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
CHÚ NGUYỄN VĂN ÂN, ẤP LONG HÒA: Gần 20 năm gắn bó với cây thanh long
Ngôi nhà khang trang nằm giữa vườn thanh long bạt ngàn là của chú Nguyễn Văn Ân, ấp Long Hòa. Bước sang tuổi 60, nhưng chú Ân vẫn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để ứng dụng vào chăm sóc vườn thanh long của gia đình. Vì thế, gần 20 năm trồng thanh long, vườn thanh long của chú Ân lúc nào cũng xanh tốt, năng suất, chất lượng trái luôn đạt cao, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Trước năm 1997, với 4 công đất chú Ân trồng dừa, làm ruộng, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Thấy bạn bè ở các xã Lương Hòa Lạc, Hòa Tịnh trồng thanh long cho kinh tế cao, chú Ân bắt đầu tìm hiểu, mạnh dạn chuyển 4 công đất lúa, dừa sang đổ cột trồng thanh long ruột trắng.
Chú Ân cho biết: “Bước vào lĩnh vực trồng thanh long, ban đầu do ít vốn, lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên mỗi năm thanh long chỉ cho trái vào vụ mùa. Năm 2000, khi chưa có mạng lưới điện phục vụ sản xuất, chú quyết định mua máy dầu chạy điện để xông đèn cho thanh long, vì thế thanh long cho trái quanh năm, kinh tế gia đình dần ổn định”.
Với đức tính cần cù, chịu khó lao động, năm 2004 chú Ân mua thêm 5 công đất để trồng thanh long ruột trắng. Vừa chia sẻ kinh nghiệm, chú Ân vừa khoe với chúng tôi:
“Năm 2015 chú vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 3 năm trước, chú bán thanh long ruột trắng giá 26.000 đồng/kg, lãi hàng trăm triệu đồng. Cũng nhờ thanh long mà chú sửa lại căn nhà khang trang hơn, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại, chú đã hạ thế được 4 bình điện, trong đó 1 bình để xông thanh long vườn nhà, 3 bình còn lại chú cho các hộ xung quanh thuê”.
CHÚ NGUYỄN VĂN BỬU, ẤP LONG THẠNH: Trồng thanh long phải đảm bảo chất lượng, an toàn
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, chú Nguyễn Văn Bửu vui vẻ: “Gia đình chú có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay là nhờ vào những năm qua trồng thanh long trúng mùa, trúng giá”. So với nông dân trồng thanh long trong xã, diện tích trồng thanh long của chú Bửu không nhiều (4 công), nhưng năng suất và hiệu quả rất cao.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long trồng gần 10 năm, những bụi thanh long to cao, trái xum xuê, chú Bửu cho biết: “Những bụi này có thể cho trên 100 trái, nhưng chú tuyển bớt, chỉ để mỗi bụi từ 50 - 70 trái để trái to và không bị suy cây. Chú trồng thanh long luôn đặt chất lượng, an toàn lên hàng đầu; không chạy theo số lượng, giá cả.
Chú trồng 2 công thanh long ruột trắng và 2 công ruột đỏ, cả 2 loại đang chín, chú chuẩn bị thu hoạch. Với giá thanh long ruột trắng hiện nay từ 16 - 18 ngàn đồng/kg, thanh long ruột đỏ 30 - 40 ngàn đồng/kg, dự kiến chú lãi cả trăm triệu đồng”.
Được biết, vườn thanh long của chú Bửu thường xuyên là nơi để mọi người tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nơi tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong vùng. Những Bằng khen, Giấy khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được chú treo trang trọng trong nhà.
“Chú vừa tham dự lớp tập huấn sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức và sẽ áp dụng vào sản xuất vườn thanh long của mình trong thời gian tới. Chú đang chuẩn bị tham gia Hội thi trái ngon, an toàn Nam bộ lần thứ 8, được tổ chức ở Suối Tiên, TP. Hồ Chí Minh. Năm rồi, chú đem trái thanh long ruột đỏ của mình tham dự hội thi này và đoạt giải Khuyến khích” - Chú Bửu cho biết.
P. MAI