BHXH tự nguyện - cơ hội để người nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững
Trong các chính sách an sinh xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được coi là chính sách an sinh chủ động, đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được Quỹ BHXH chi trả lương hưu, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.
Điều 87 của Luật BHXH (năm 2014) quy định: Người lao động tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn hiện nay là 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29-1-2015 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện” về mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 1, Điều 10 Nghị định này, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo.
b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo.
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Đồng thời, Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.
Với mức hỗ trợ 25 - 30% mức đóng BHXH theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hy vọng sẽ tạo cho người nghèo, cận nghèo có cơ hội tham gia và hưởng chế độ BHXH theo quy định. Bởi lẽ, tham gia BHXH tự nguyện khi hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) người lao động được hưởng chế độ hưu trí, được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT và khi chết thân nhân được hưởng chế độ tử tuất.
Để chính sách BHXH tự nguyện sẽ thực sự đến được với người nghèo, cận nghèo, thiết nghĩ cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và cần tập trung một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ...
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết được tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện để chủ động tham gia. Cần nâng cao ý thức tự an sinh khi còn khả năng lao động để đảm bảo cuộc sống khi về già, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng người nghèo, cận nghèo. Cần tuyên truyền sâu rộng đến tận cơ sở để chính sách đến được với người dân.
Hai là, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo chủ động thông qua việc hỗ trợ tín dụng, vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, gắn giảm nghèo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo cải thiện thu nhập cho người nghèo, cận nghèo; trong đó có các chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo, hộ cận nghèo và có cơ chế khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Ba là, tiếp tục đơn giản các thủ tục hành chính trong ngành BHXH, phát huy việc giao dịch “một cửa” tại cơ quan BHXH, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người lao động nói chung và người nghèo, cận nghèo nói riêng.
Theo thống kê năm 2016, tỉnh Tiền Giang có trên 90.000 người nghèo và gần 100.000 người cận nghèo, nếu các đối tượng này nhận thức đúng tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện và tích cực tham gia BHXH tự nguyện sẽ là cơ hội tự bảo đảm an sinh xã hội, tăng thêm cơ hội thoát nghèo.
NGUYỄN VĂN TÂM