Thứ Hai, 18/04/2016, 14:36 (GMT+7)
.

Kết nối "Vòng tay nhân ái" đến với người khuyết tật

Trong những năm qua, với vai trò là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi tỉnh (sau đây gọi là Hội Bảo trợ) đã có nhiều hoạt động góp phần tích cực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhóm đối tượng này, tạo điều kiện tốt nhất để họ được hòa nhập cộng đồng.

Em Nguyễn Hải Bằng.
Em Nguyễn Hải Bằng.

VƯỢT LÊN NGHỊCH CẢNH

Dẫu bị khiếm khuyết cơ thể, nhưng không ít NKT vẫn không ngừng nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, khẳng định bản thân để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Qua gặp gỡ những tấm gương khuyết tật vượt khó, chúng tôi đều nhận thấy ở họ một nghị lực phi thường. Mặc dù phải chịu những thiệt thòi, bất hạnh, thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, thế nhưng đã có nhiều tấm gương với nghị lực và niềm tin phi thường, đối với họ cuộc đời vẫn rất đáng sống và có nhiều ý nghĩa.

Với hình hài như đứa trẻ lên 5 tuổi, nhưng em Nguyễn Hải Bằng, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông (THPT) Huỳnh Văn Sâm (huyện Cái Bè), vẫn cố gắng học thật tốt. Suốt 10 năm liền Hải Bằng đều là học sinh giỏi.

Hải Bằng tâm sự: “Sinh ra đã không may mắn như các bạn cùng trang lứa, nhà lại nghèo, em rất mặc cảm với bạn bè. Với đôi chân yếu ớt, những năm học tiểu học mẹ phải cõng em đi học, lên THCS, THPT vì trường xa nhà đôi khi em phải đi nhờ xe của bạn hoặc đi xe buýt rất bất tiện.

Nhưng em luôn được sự yêu thương, quan tâm từ gia đình, thầy cô, bạn bè, mọi người xung quanh. Vì thế, em luôn tự nhủ phải học tập thật giỏi để đậu vào trường đại học phù hợp khả năng, sau này có thể tìm được việc làm, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Cũng giống như hoàn cảnh của Hải Bằng, em Nguyễn Thị Ngọc Hân, học sinh lớp 11 Trường THPT Chợ Gạo, có dáng người nhỏ bé, chân tay yếu ớt. Được biết, Ngọc Hân bị hội chứng kém phát triển do rối loạn di truyền. Ngọc Hân từng tâm sự rằng: Một năm có 365 ngày thì em phải sống chung với thuốc 300 ngày.

Ngọc Hân không thể nào quên được những đau đớn khi trời trở lạnh, mỗi bước chân đến trường của em đã in dấu biết bao mồ hôi và nước mắt của ba mẹ. Ngọc Hân chia sẻ: “Em từng có ý định bỏ học, vì sợ bạn bè nhìn em với ánh mắt ái ngại, không chơi với em. Nhưng nỗi lo sợ của em là thừa, bên cạnh em có rất nhiều bạn, mọi người rất yêu mến và quan tâm em.

Nếu không có sự an ủi, động viên của mọi người không biết em có tồn tại trên cõi đời này không. Em từng trách số phận, nhưng cũng chính vì cơ thể không lành lặn, nên em tâm niệm phải cố gắng thật nhiều. Em nỗ lực hết mình không chỉ để ba mẹ vui lòng, mà còn chứng tỏ với mọi người rằng em tàn nhưng không phế. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để thi đậu vào ngành Công nghệ sinh học, một ngành mà em yêu thích”.

Chưa đầy 1 tuổi, cơn sốt bại liệt đã làm cơ thể chị Nguyễn Thị Mộng Thu bị khiếm khuyết. Bước đi trên đôi chân khập khiễng, chị không nhớ nổi mình đã vấp ngã bao nhiêu lần. Bằng ý chí và nghị lực chị Mộng Thu đã vượt qua bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

Mọi người biết đến chị Mộng Thu là tác giả của nhiều kịch bản phim truyền hình nổi tiếng. Chị Mộng Thu sáng tác từ khi còn học phổ thông. Tính đến nay chị có khoảng 50 truyện ngắn, thơ được đăng tải trên các báo, tạp chí. Hiện tại chị là cán bộ thư viện tại Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công.

Chị Mộng Thu tâm sự: “Động lực thúc đẩy tôi làm việc không biết mệt mỏi là vì con. Hạnh phúc đổ vỡ sau 6 năm lập gia đình, một mình nuôi con vất vả trăm bề. Ban ngày làm việc ở trường, tối về tôi nhận đánh máy thuê và viết truyện, làm thơ gửi các báo. Giờ đây tôi hạnh phúc khi đứa con trai ngoan ngoãn, học giỏi, hiện học năm thứ 3 Khoa Xây dựng Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh”.

Nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Tiền Giang không còn xa lạ với người thầy hàng ngày chống nạn đến trường. Đó là thầy Lê Thanh Bình, hiện là Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Tiền Giang. Dù đi lại khó khăn nhưng thầy Bình rất nhiệt tình trong các phong trào của Đoàn trường, thầy từng làm Phó Bí thư Đoàn trường nhiều năm liền.

Thầy Bình chia sẻ: “Đối với tôi được làm việc đã là hạnh phúc, huống chi công việc hiện tại đã giúp đỡ và hỗ trợ được rất nhiều cho các em sinh viên. Tôi mong rằng những gì mình đã làm sẽ giúp các bạn sinh viên trong công việc và cả trong cuộc sống sau này. Các bạn sinh viên hãy cố gắng thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, nhất định sẽ thành công”. Không ngừng phấn đấu, thầy Lê Thanh Bình đã bảo vệ xuất sắc luận văn Cao học chuyên ngành Quản lý giáo dục.

Tiền Giang hiện có hơn 43.000 NKT, trong đó có 33.692 NKT nặng và đặc biệt nặng, 9.119 NKT nhẹ đang sống tại cộng đồng. NKT được chia theo các dạng dị tật như:

Khuyết tật vận động: 21.376 người, khuyết tật về nghe nói: 1.729 người, khuyết tật về nhìn: 2.592 người, khuyết tật về thần kinh: 11.217 người, khuyết tật về trí tuệ: 2.950 người và các dạng khuyết tật khác: 3.217 người.

Tỉnh đã giải quyết chính sách cho 36.327 NKT, gồm: 8.219 thương bệnh binh; 1.407 nạn nhân chất độc da cam; 1.024 khuyết tật do tai nạn lao động; 1.401 trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng; 23.994 NKT hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 282 NKT đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

KẾT NỐI VÒNG TAY NHÂN ÁI

Có thể nói, với những hoạt động của mình trong suốt 13 năm qua, Hội Bảo trợ đã và đang đóng góp vai trò tích cực, chủ động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT.

Với nghĩa cử “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ, chia sẻ  khó khăn trong cuộc sống của NKT thông qua những món quà ý nghĩa về vật chất lẫn tinh thần.

Từ những tấm lòng rộng mở của mỗi cá nhân và toàn xã hội, NKT trong tỉnh đã tìm được những điểm tựa vững chắc để vượt lên số phận.

Bằng những việc làm hết sức ý nghĩa cho NKT, người nghèo, Chi hội Bảo trợ Phật giáo tỉnh còn nhận đỡ đầu cho nhiều NKT.

Ni sư Thích nữ Tịnh Nghiêm, trụ trì chùa Tịnh Nghiêm chia sẻ: “Ngoài sự đóng góp của các nhà hảo tâm, hội viên còn tự nguyện đóng góp mỗi tháng. Đây là nguồn quỹ chung, sử dụng cho công tác bảo trợ bệnh nhân nghèo, NKT và trẻ mồ côi.

Đến nay, hội viên của chi hội đã tăng lên trên 120 người và chi hội trở thành nhịp cầu nhân ái của nhiều nhà hảo tâm, tích cực khơi dậy tâm từ bi và trách nhiệm của xã hội trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đóng góp vào việc xã hội hóa hoạt động chăm sóc bệnh nhân nghèo”.

Trực tiếp đi và trao tận tay những phần quà cho NKT, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền xúc động: “Đáng thương thay những mảnh đời bất hạnh, những NKT nặng sinh ra đã không biết gì, phải sống phụ thuộc vào gia đình và xã hội.

Và cũng cảm phục thay những NKT thể chất, nhưng có nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống. Mỗi người sinh ra có một số phận khác nhau, vì vậy, chúng ta phải biết yêu thương, giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn, có như vậy cuộc sống mới ý nghĩa”.

Ông Phan Văn Hà, Chủ tịch Hội Bảo trợ cho biết: “Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã không ngần ngại đóng góp hàng trăm triệu đồng cho hoạt động giúp đỡ bệnh nhân nghèo, NKT, trẻ mồ côi như: Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Tiền Giang, Công ty Xăng dầu Tiền Giang, Công ty TNHH TM Kỹ thuật Thanh Lâm…

Hội sẽ làm hết chức năng, trách nhiệm của mình, vận động chăm lo cho NKT. Các phần quà, sự giúp đỡ tuy không lớn về giá trị vật chất, nhưng thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc, với mong muốn mang lại sự sẻ chia, gắn kết yêu thương. Qua đó, khích lệ NKT tự tin tiếp tục vươn lên có một tương lai tươi sáng và trở thành người hữu ích cho xã hội”.

NKT không bao giờ muốn mình là gánh nặng của xã hội, càng không bao giờ muốn là đối tượng của hoạt động từ thiện. Với những hỗ trợ kịp thời và sự động viên của cả xã hội, họ sẽ vươn lên bằng tất cả nghị lực của mình.

P. MAI

.
.
.