Thứ Hai, 25/04/2016, 15:21 (GMT+7)
.

Nước ngọt về vùng đất "khát"

Hưởng ứng phong trào tình nguyện cứu “khát” do Tỉnh đoàn phát động, những ngày qua Huyện đoàn Tân Phú Đông đã triển khai nhiều đợt vận chuyển nước ngọt hỗ trợ cho người dân trên địa bàn huyện. Chiến dịch tình nguyện đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân giảm bớt “cơn khát” trong cơn hạn, mặn lịch sử năm nay.

Dù đã lấy nước cho mình xong nhưng anh Tân vẫn ở lại phụ giúp bà con bơm nước vào thùng.
Dù đã lấy nước cho mình xong nhưng anh Tân vẫn ở lại phụ giúp bà con bơm nước vào thùng.

ẤM ÁP NGHĨA TÌNH

Chúng tôi về huyện cù lao Tân Phú Đông vào những ngày cuối tháng 4, chỉ mới gần 9 giờ sáng mà cái nắng đã như “thiêu đốt” hắt vào mặt người đi đường. Đến Trạm cấp nước xã Phú Thạnh, chúng tôi theo xe chở nước ngọt của Đội tình nguyện xuống địa bàn để cấp, phát cho người dân. Dọc theo đường đi, chúng tôi nhìn thấy những chiếc hố rộng khoảng vài mét vuông, được đào sâu xuống trên những thửa ruộng, hỏi qua mới biết đó là những cái hố được người dân đào để lấy nước sinh hoạt.
Hôm nay, Đội tình nguyện chở nước ngọt đến ấp Pháo Đài, xã Phú Tân. Nhận được thông báo có xe chở nước ngọt xuống, người dân nơi đây đã chuẩn bị thùng, can nhựa ngồi đợi từ sớm. Chiếc xe tải chở nước chỉ lấp ló xuất hiện, người dân ngồi ở điểm đợi đã đứng cả dậy, vui mừng rạng rỡ. Xe vừa dừng lại, mọi người đã nhanh chóng gom lại phía sau xe, can nhựa, thùng cứ thế được đặt chật kín dưới đường để chờ lấy nước. Có người đến trễ, vì sợ hết nước nên đã cố gắng chạy thật nhanh đến chỗ xe chở nước, vừa thở vừa nói: “Hôm trước nhận được có 2 can nước nên không đủ xài, hôm nay mong là được nhiều hơn”.

Chị Trần Thị Nhung (ấp Pháo Đài, xã Phú Tân), tay cầm ống dẫn nước từ bồn chứa vào can nhựa, nở nụ cười mãn nguyện nói với chúng tôi: “Đây là lần thứ 2 tôi được nhận nước, hôm nay lấy được 4 can. Ở đây nước bị nhiễm mặn hết nên không thể dùng được, còn mua nước tới 100.000 đồng/m3. Từ đầu mùa khô tới giờ, gia đình tôi tốn hơn cả triệu đồng để mua nước ngọt về xài, phải xài nhín nhút dữ lắm. Được hỗ trợ nước ngọt thiệt là quý, đỡ tốn chi phí cho việc mua nước”.

Dưới cái nắng oi bức của những ngày cuối tháng 4, nhiều người không ngần ngại đội nắng đứng chờ để tới lượt lấy nước. Trên những khuôn mặt rám nắng, đầm đìa mồ hôi nhưng đôi mắt họ vẫn rạng ngời trước những dòng nước ngọt, mát lành đang tuôn chảy. Đối với người dân nơi đây, nước ngọt còn quý hơn vàng. Vợ chồng bà Quý (ấp Pháo Đài, xã Phú Tân) mặc dù tuổi đã cao nhưng khi nghe tin xe chở nước ngọt tới cũng vội mang thùng ra để lấy nước. Bà Quý trải lòng: “Con cháu đi làm xa hết chỉ có vợ chồng tui ở nhà. Nhà đã hết nước ngọt để xài, nước dưới ao, kinh đều bị nhiễm mặn chỉ dùng để rửa chén bát. Vợ chồng tui mừng lắm khi nhận được mấy thùng nước ngọt, dù không nhiều nhưng cũng đỡ lắm”.

VIỆC LÀM THIẾT THỰC

Chúng tôi theo chân ông Phan Văn Hà (62 tuổi, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân) gánh 2 thùng nhựa nước về nhà. Bên trong căn nhà nhỏ của ông chứa khoảng vài chục thùng nước, thùng chứa nước uống, thùng chứa nước sinh hoạt được ông sắp xếp thành một dãy. Ông Hà cho biết, hôm nay ông nhận được 3 thùng nước loại 30 lít, trung bình 2 ngày nhà ông xài hết 1 thùng. Mấy tháng nay nắng hạn, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, cuộc sống của gia đình ông cũng bị ảnh hưởng không ít. Ông Hà bày tỏ: “Không có nước ngọt phải tắm bằng nước mặn ngứa không chịu nổi, chỉ dám tắm lại bằng một ca nước ngọt chứ không dám xài nhiều, còn quần áo để 2 ngày mới giặt một lần. Bà con ở đây ai cũng thiếu nước sinh hoạt, nước ngọt ở đây còn quý hơn cả gạo. Gia đình tui rất mừng là phía chính quyền có những biện pháp để hỗ trợ nước ngọt cho bà con, giúp cuộc sống giảm bớt khó khăn”.

Chúng tôi đến nhà chị Lý Thị Vân (ấp Pháo Đài, xã Phú Tân), gia đình chị là một trong những hộ vừa mới được hỗ trợ nước ngọt mang về. Hằng ngày, chị Vân phải đến các giếng trong ấp để xin nước về xài. Nước ở các giếng cũng bị ảnh hưởng của nước mặn, nên muốn sử dụng được gia đình chị phải pha thêm nước ngọt vào. Chị Vân nói: “Đây là lần thứ 3 nhà tui nhận được nước ngọt, ở đây là khu vực cuối nguồn nên nước ngọt không thể nào về tới. Nhận được số nước này tui rất vui mừng, đỡ tốn tiền mua nước, vừa lại an tâm hơn khi sử dụng nguồn nước sạch”.

Anh Nguyễn Hải Đăng, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang vận động được 1 xe tải cùng tham gia chiến dịch tình nguyện đưa nước ngọt cứu “khát” cho dân cho biết, nhìn thấy cuộc sống chật vật của người dân huyện Tân Phú Đông sống trong cảnh thiếu nước ngọt, xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái, nên quyết định tham gia hoạt động tình nguyện này. Trong thời gian tới, anh sẽ cố gắng vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm để thuê xe chở nước ngọt xuống cho bà con mỗi tuần một lần.

MINH THÀNH – TUẤN LÂM

Hơn 450 m3 nước ngọt đến với người dân

Chiến dịch tình nguyện đưa nước ngọt cứu “khát” cho người dân được Huyện đoàn Tân Phú Đông thực hiện từ ngày 9-3. Sau hơn 1 tháng triển khai, đến ngày 21-4 chiến dịch tình nguyện đã cung cấp được 452 m3 nước ngọt cho 1.386 hộ dân. Nước ngọt được vận chuyển bằng sà lan từ nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm và một số nơi khác về trạm cấp nước Phú Thạnh. Tại đây, sau khi xử lý xong nước sẽ được chuyển tải cho người dân sử dụng. Đối với những nơi nước ngọt không thể tới được, Đội tình nguyện sẽ dùng xe tải để chở nước đến và cấp, phát cho người dân, nhiều lúc Đội tình nguyện còn hỗ trợ tận nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Hoàng Nhựt, Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Phú Đông cho biết, nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân trên địa bàn huyện khi thiếu nước ngọt, anh em trong Huyện đoàn mới thành lập Đội tình nguyện chở nước đến cho người dân. Trung bình mỗi tuần, Đội tình nguyện vận chuyển nước ngọt xuống cho người dân từ 2 - 3 lần (mỗi lần 2 - 3 xe tải), tập trung ở các xã khó khăn về nước ngọt như: Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân. Để đảm bảo không hộ dân nào phải chịu cảnh thiếu nước, cán bộ Huyện và Xã đoàn đã xuống địa bàn khảo sát địa điểm để cấp, phát nước; đồng thời kịp thời nắm bắt những hộ khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn để vận chuyển nước ngọt đến tận nhà, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

.
.
.