QĐ mới về chế độ ốm đau, thai sản đối với NLĐ tham gia BHXH
Ngày 29-12-2015, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (gọi tắt là Thông tư 59) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến các quy định về chế độ ốm đau, thai sản so với quy định cũ.
1. VỀ CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU
Bên cạnh những quy định cũ về điều kiện để người lao động được hưởng chế độ ốm đau như: Người lao động bị ốm đau, tai nạn rủi ro, con dưới 7 tuổi bị ốm đau…; Thông tư 59 còn quy định rõ ràng và chi tiết hơn về điều kiện của tai nạn: “Người lao động bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc”.
Thông tư 59 còn bổ sung các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau như: Nghỉ điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ốm đau, tai nạn trong thời gian đang nghỉ phép hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, nghỉ thai sản. Trong thời gian nghỉ thai sản, nếu đi làm trước mà con ốm thì không được thanh toán chế độ nuôi con ốm, nếu cha có tham gia BHXH mà cha nghỉ trông con ốm thì cha được nghỉ chế độ nuôi con ốm…
Cách xác định mức hưởng chế độ ốm đau cũng có nhiều thay đổi so với quy định cũ. Cụ thể: Giảm số ngày trong tháng để tính mức hưởng ốm đau xuống còn 24 ngày (quy định cũ là 26 ngày). Tăng tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc từ ngày 181 trở đi do mắc bệnh cần điều trị dài ngày mà đóng BHXH dưới 15 năm lên 50% (quy định cũ là 45%).
Về cách xác định mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh điều trị dài ngày theo Thông tư 59: Xác định theo số tháng nghỉ việc, trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì xác định mức hưởng riêng cho những ngày này. Theo quy định cũ thì việc xác định mức hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày.
2. VỀ CHẾ ĐỘ THAI SẢN
Thông tư 59 hướng dẫn chi tiết về các trường hợp và tiền lương để tính mức hưởng chế độ thai sản của cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng trong trường hợp mẹ chết sau khi sinh. Cụ thể, khoản 2, Điều 10 Thông tư 59 quy định như sau:
- Chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh thì cha được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản tính theo lương của người mẹ.
- Cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh thì cha được hưởng thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản tính theo lương của người cha.
- Chỉ có mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản tính theo lương của người mẹ.
- Cả cha và mẹ đều tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng thai sản mà mẹ chết sau khi sinh thì cha được hưởng thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản tính theo lương của người cha.
Về thời gian hưởng thai sản, trong trường hợp người mẹ có tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng thai sản và chết sau khi sinh, Thông tư 59 đã kéo dài thời gian hưởng thai sản của cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi (quy định cũ là 4 tháng tuổi).
T.V.L