Thứ Tư, 13/04/2016, 19:24 (GMT+7)
.

Tân Phú Đông: Vấn đề nước ngọt, nước sạch sinh hoạt và sức khỏe

Mấy tháng nay, hạn, mặn hoành hành khiến cuộc sống của người dân các huyện phía Đông bị xáo trộn do thiếu nước ngọt, nước sạch sinh hoạt. Mặc dù tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân nhưng tình trạng thiếu nước ngọt, nước sạch sinh hoạt vẫn còn xảy ra, là một trong những nguy cơ dẫn đến bệnh tật trên con người.

Chị em phụ nữ ở ấp 4 (xã Tân Phước) phải đi hơn 3 cây số tới ấp 7 để lấy nước từ vòi  công cộng đem về sử dụng.
Chị em phụ nữ ở ấp 4 (xã Tân Phước) phải đi hơn 3 cây số tới ấp 7 để lấy nước từ vòi công cộng đem về sử dụng.

BỮA TẮM, BỮA NGHỈ…

Tân Phú Đông là huyện cù lao nằm giữa sông Cửa Tiểu và sông Cửa Đại với dân cư gần 42.000 người. Đang là mùa nắng hạn, nhưng 2 bên con đường nhựa độc đạo chạy dọc theo chiều dài của huyện nước mặn đã ngập lé đé.

Vượt qua một chuyến phà nữa để tới xã Tân Thạnh, một cù lao dài 17 km nằm giữa sông Cửa Đại. Bà Võ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đây là một trong những xã nghèo nhất của huyện Tân Phú Đông. Toàn xã có 1.200 hộ với hơn 5.000 dân, nhưng có tới 510 hộ nghèo.

“Trước đây xã có 1 ao chứa nước ngọt ở ấp Tân Hòa, nhưng giờ đã cạn kiệt, không còn sử dụng được. Hiện nguồn nước sinh hoạt cho dân cư được bơm vượt sông từ xã Tân Thới sang rồi tải về các ấp, do khoảng cách xa nên dân cư ở các ấp cuối nguồn Tân Bình, Tân Đông có chừng vài chục hộ không có nước sử dụng.

Trong khi đó, đường ống nước lúc chảy lúc không, khi nước chảy thì những hộ ở đầu nguồn tranh thủ hứng nên cuối nguồn không còn nước. Tỉnh có chỉ đạo lập danh sách những hộ nghèo, xa nguồn nước để hỗ trợ tiền đổi nước” - bà Hà nói.

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Rết, Trưởng trạm cấp nước Tân Thạnh, xã có trạm cấp nước với công suất 20m3/giờ nhưng đã ngưng hoạt động vì công nghệ lạc hậu, xử lý nước không sạch nên phải sử dụng nguồn nước từ xã Tân Thới bơm sang. Toàn xã hiện còn khoảng 400 hộ chưa có nước sử dụng vì không tiền lắp đặt đường ống, chứ không phải chỉ vài chục hộ.

Bà Bùi Thị Út ở ấp Tân Đông (xã Tân Thạnh) cho biết, nhà bà đường ống nước chưa kéo tới nên lâu nay phải xài “ké” hàng xóm, nhưng từ sau tết tới giờ vòi nước không chảy. “Nhà tui có 6 người, không có nước sao chịu được, nên phải cắn răng “đổi” với giá 250.000 đồng/2m3. Đây là nước sông, chỉ dùng để tắm giặt, phải “xài nhín” chừng mười mấy ngày”.

Cách xài nhín nước của bà Út là “bữa tắm, bữa nghỉ” dù mỗi lần chỉ dùng 1 phích nước có 2 lít. “Phải kỳ cọ xong rồi mới xối nước lên. Nước vo gạo thì để dành rửa rau, rửa chén và cho gà uống. Con bò uống nước mặn còn bị tiêu chảy…” - bà Út cho biết.

Theo ông Trần Công Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, toàn xã có 985 hộ với 4.521 dân, trong đó 477 hộ không có nước sinh hoạt. Nước sinh hoạt chỉ có theo đường ống lắp đặt ở trục lộ chính của xã, nhưng gần 1 tháng nay các vòi nước đã không có nước. Để có nước sử dụng, người dân sống ở những khu vực gần sông thì mua nước do ghe chở tới bán với giá 70.000 - 100.000đồng/m3 tùy xa hay gần.

Còn dân sống gần trục lộ chính thì mua nước do xe ba gác máy chở tới bán với giá 120.000 đồng/m3; thậm chí có người phải mua với giá 350.000 đồng/2m3 và tất cả đều là nước sông. Vì ở cuối nguồn nên mùa hạn năm nào cũng khổ, nhưng năm nay càng khổ hơn.

Trước đây còn phân biệt 6 tháng mưa, 6 tháng nắng, nhưng mấy năm gần đây lượng mưa ít, dứt mưa sớm, người dân chủ quan không kịp dự trữ nước để sử dụng. Nhiều người đổi nước về chỉ để phục vụ sinh hoạt, còn tắm giặt thì sử dụng nước mặn” - ông Danh nói.

NGUY CƠ BỆNH TẬT

Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, việc thiếu nước sạch sinh hoạt, ăn uống sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bà con. Cụ thể, nguồn nước ăn uống không bảo đảm vệ sinh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh lý về đường tiêu hóa. Nếu tắm giặt bằng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ dẫn đến các bệnh ngoài da. Đặc biệt, đối với người mắc bệnh chàm thì tình trạng bệnh sẽ trầm trọng hơn…

Việc tắm rửa bằng nguồn nước mặn sẽ gây nên sạm da, khô da… Với phụ nữ, nếu tắm giặt bằng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguy cơ gây nên các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản.

Việc thiếu nước ngọt, nước sạch phục vụ ăn uống, sinh hoạt về lâu dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe con người. Để bảo vệ sức khỏe trong điều kiện hạn, mặn hiện nay, ngành Y tế khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe bằng cách:

Thực hiện vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa và môi trường sống, tiêu trừ hết mầm bệnh xung quanh, hạn chế sử dụng cầu tiêu ao cá, nếu không có nhà vệ sinh tự hoại thì phải xử lý chất thải bằng vôi, hóa chất trước khi đưa ra môi trường.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng việc tắm rửa hàng ngày; ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn uống bên ngoài, nếu phải ăn uống bên ngoài thì nên chọn cơ sở bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đã có vắc xin phòng ngừa bệnh tiêu chảy do Prota virut, bậc cha mẹ nên đưa con trẻ đến cơ sở y tế để tiêm ngừa nhằm phòng tránh 60% trường hợp bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Khi có bệnh cần đến cơ sở y tế để điều trị, tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

    THỦY HÀ

.
.
.