Thứ Sáu, 01/04/2016, 17:25 (GMT+7)
.

Theo chân những người đi bắt ốc hương

Nghề bắt ốc hương đã gắn bó với nhiều người dân xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) khoảng vài chục năm nay, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay nghề này không còn “dễ ăn” như trước do ốc hương ngày càng khan hiếm.

 Nhóm người bắt ốc hương trên đường về.
Nhóm người bắt ốc hương trên đường về.

NHỮNG ĐÔI CHÂN “RONG RUỔI”

Chúng tôi đến bãi biển Tân Thành khi trời đã chập tối, thủy triều cũng đã rút dần về phía đằng xa, những con sóng biển bỗng trở nên hiền hòa hơn trước. Lúc này những bãi cát đen đã lộ rõ mặt, những người bắt ốc hương hối hả chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho “hành trình” mưu sinh của họ.

19 giờ, những người bắt ốc hương bắt đầu xuất phát, họ đi thành từng nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 người. Sau khi ra tới nơi, họ chia ra mỗi người một góc, ai nấy đều tranh thủ đi thật nhanh để bắt được nhiều ốc.

Nghề bắt ốc hương phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều. Mỗi tháng có 2 con nước là giữa tháng và cuối tháng (âm lịch). Thông thường mỗi con nước, công việc bắt ốc hương có thể kéo dài khoảng 7 ngày. 25-3 là ngày đầu tiên trong năm nay những người bắt ốc hương đi vào ban đêm nên trong tay ai cũng có 1 chiếc đèn pin. Dưới màn đêm tối om, ánh sáng loe lói của những chiếc đèn pin lúc ẩn, lúc hiện cứ thế xa dần.

Công việc bắt ốc hương tưởng chừng rất đơn giản, chỉ việc đi rồi nhặt ốc bỏ vào thùng, nhưng để làm được công việc này đòi hỏi người làm phải có sự dẻo dai. Mỗi chuyến đi bắt ốc mất từ 3 - 4 giờ, đôi chân phải di chuyển liên tục trên mặt cát, có khi mỗi người phải đi bộ đến 10 cây số.

Chị Nguyễn Thị Truyền (ấp Tân Phú, xã Tân Thành) cho biết: “Nhiều khi đi bắt ốc về đến nhà chân tay mỏi nhừ, lưng đau thắt do khom lên khom xuống. Mình là dân vùng biển mà không làm nghề biển thì biết làm gì. Riết rồi thành quen, những lúc không đi bắt ốc chị cảm thấy buồn”.

Những con ốc hương đã được bắt lên.
Những con ốc hương đã được bắt lên.

Đa phần những người làm nghề bắt ốc hương là phụ nữ, do thu nhập từ công việc này không cao. Đàn ông ở vùng biển này chủ yếu đi làm những nghề khác như: Giữ nghêu, ra khơi đánh bắt thủy sản…

Chúng tôi tiếp tục theo chân chị Truyền - một người có nhiều năm trong nghề rảo quanh khắp các bãi nghêu để tìm ốc hương. Đôi chân thoăn thắt của chị cứ thế “lầm lũi” từ đầu này sang đầu khác, chị thủ thỉ với chúng tôi: “Chỗ nào có nhiều nghêu con, chỗ đó sẽ có nhiều ốc hương”.

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, chị Truyền cho biết: “Tại vì mấy chỗ có nhiều nghêu con, ốc hương sẽ bò đến ăn nghêu. Do đi bắt nhiều năm nên chị biết chỗ nào có nhiều ốc hương. Việc bắt ốc hương không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, bởi bãi biển Tân Thành đều là những sân nghêu có chủ. Những người làm nghề này muốn bắt được ốc hương phải vào trong sân nghêu, gặp chủ nào dễ còn đỡ, chứ nếu gặp chủ khó sẽ không cho bắt ốc”.

NGÀY MỘT KHÓ KHĂN

Hiện tại có khoảng 40 người đi bắt ốc hương, chủ yếu là những gia đình có nhà ở ven biển. Từ tháng 4 - 5, khi gió chướng giảm dần cũng là mùa của ốc hương, lúc này sẽ có nhiều người đi bắt. Những năm trước đây, trung bình mỗi chuyến đi bắt ốc hương, mỗi người có thể kiếm được hơn 100.000 đồng, có bữa trúng thì từ 200.000 - 300.000 đồng.

Năm nay, do ốc hương ngày càng cạn kiệt nên thu nhập từ nghề này ngày một ít đi. Chị Nguyễn Thị Huệ (ấp Tân Phú, xã Tân Thành) cho biết: “So với trước đây thì năm nay đi bắt ốc thất nhất và ốc cũng không được lớn nên thương lái mua với giá rất rẻ”. 

Ốc hương được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg đối với loại nhỏ và khoảng 60.000 đồng/kg đối với loại lớn hơn. Cầm trên tay xô ốc hương vừa bắt được, chị Lê Thị Hòa (ấp Tân Phú, xã Tân Thành) nói với chúng tôi: “Bao nhiêu đây chừng hơn 1kg, bán được khoảng 60.000 đồng. Từ đầu mùa đến giờ, mỗi ngày chị bắt ốc chỉ bán được vài chục ngàn đồng, bữa nào hên lắm thì bán được 100 ngàn đồng”.

Cũng theo chị Hòa, do ốc hương ngày càng ít nên có nhiều người bỏ nghề bắt ốc đi làm việc khác có thu nhập khá hơn. “Muốn bắt có ốc hương phải ra tận ngoài cồn, nhưng chị đi không nổi, lại còn sợ không biết đường trở vô. Thôi thì cứ quanh quẩn ở đây bắt ốc bán kiếm tiền chợ cũng được” - chị Hòa than vãn.

Thủy triều bắt đầu mấp mé, tiếng sóng biển ngày một to hơn, cũng là lúc những người bắt ốc hương trở về sau hàng giờ mưu sinh vất vả. Tiếng gọi nhau “í ới”, những lời hỏi thăm rôm rả “bà bắt trúng không”, “hôm nay thế nào”, vang lên trong đêm vắng.

Trên đường về, mọi người không quên hẹn nhau ngày mai sẽ đi tiếp, những đôi mắt vẫn rạng ngời kỳ vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn, những đôi chân sẽ vẫn tiếp tục hành trình mưu sinh nơi xứ cát đen biển bùn này.

MINH THÀNH

.
.
.