Chuyện về Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trường Sa
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là công trình có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân trên thị trấn nói riêng và của huyện đảo nói chung.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thị trấn Trường Sa. |
Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trường Sa do tỉnh Nghệ An đầu tư được xây dựng trên đảo Trường Sa lớn thuộc thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) với tổng diện tích gần 800m2 ở vị trí trung tâm thị trấn đảo. Lễ khánh thành công trình này vào ngày 19-5-2010 do UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công trình gồm 5 hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà bia, nhà chuông, cổng và hàng rào. Chính giữa gian thờ là bức tượng toàn thân của Bác bằng đồng nặng gần 1 tấn, bên trên là khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Xung quanh là các tủ kính trưng bày ảnh, các tư liệu lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng, với lực lượng vũ trang, bộ đội Hải quân và các tầng lớp nhân dân.
Nhà tưởng niệm được xây theo phong cách truyền thống với mái ngói cong có biểu vật trang trí hình con sóng biển cách điệu. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng giữa gian chính thất của nhà tưởng niệm. Trong không gian của nhà tưởng niệm có đặt 8 tủ kính trưng bày 64 bức ảnh và lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu, quê hương, gia đình, quá trình hoạt động cách mạng của Người.
Tại gian trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội Hải quân có lưu lại những hình ảnh quý giá của Người được bộ đội tặng bông hoa san hô, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đội mũ Hải quân, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Nguyễn Lương Bằng…
Từ khi khánh thành và đi vào hoạt động đến nay, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là “địa chỉ đỏ” của quân và dân trên đảo, mà còn thu hút rất nhiều công dân đất liền đến viếng thăm mỗi khi có dịp đặt chân lên thị trấn Trường Sa. Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Đỗ Thế Tuyến trao đổi:
Để nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng, lồng ghép với các nội dung công tác Đảng, công tác chính trị, thời gian qua, Đảng ủy, UBND thị trấn Trường Sa đã tổ chức Lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày lễ lớn của đất nước và ngày Tết Cổ truyền của dân tộc.
Bên cạnh đó, chỉ huy các lực lượng đóng quân trên địa bàn thị trấn còn chú trọng việc hướng dẫn cho chiến sĩ trẻ mới nhận công tác tại đảo đến thăm và tìm hiểu ý nghĩa của những hình ảnh, tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cách mạng của đất nước và sự quan tâm sâu sắc, tình cảm bao la của Người dành cho bộ đội Hải quân.
Chiến sĩ Đỗ Tâm (21 tuổi, quê xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đang công tác tại thị trấn Trường Sa tâm sự: “Khi ra công tác ở thị trấn Trường Sa, được tham quan các công trình văn hóa trên đảo, trong đó có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi càng hiểu rõ hơn sự hy sinh, cống hiến của Người đối với đất nước, với nhân dân.
Là người lính Hải quân, tôi sẽ luôn cố gắng học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để cùng đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Đặc biệt, người dân ở thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây… đều có treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí trang trọng giữa nhà.
Vợ chồng anh Nguyễn Thành Hưng và chị Nguyễn Thị Trúc Hà (thị trấn Trường Sa) chia sẻ, việc treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm ghi nhớ công ơn của Người trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình cho đất nước và cuộc sống yên bình như hôm nay.
Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Nguyễn Viết Thuân khẳng định: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thị trấn Trường Sa không chỉ là điều tự hào cho cán bộ và nhân dân của thị trấn, mà còn là của cả huyện đảo. Đây là nơi để nhân dân và cán bộ thị trấn sinh hoạt, học tập và làm theo tấm gương của Bác, phấn đấu cố gắng giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Từ đó giúp mọi người nhận thức được trách nhiệm để sống, chiến đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xứng đáng với lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Quân chủng Hải quân năm 1961: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
P.LONG