Giải quyết chế độ cho lực lượng DCHT phải chính xác, đúng đối tượng
Ngày 14-10-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 49/2015/QĐ-TTg quy định về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (gọi tắt là Quyết định 49). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2015. Các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này được thực hiện từ ngày 1-1-2016.
Xung quanh về vấn đề thực hiện Quyết định 49 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Đại tá Cao Văn Mĩa, Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 24 tỉnh Tiền Giang cho biết:
Dân công hỏa tuyến (DCHT) là những người được tuyển chọn căn cứ vào sức khỏe, phẩm chất chính trị, tinh thần để trực tiếp phục vụ cho đơn vị lực lượng vũ trang đang hoạt động tác chiến; thường sử dụng để vận chuyển vũ khí, trang bị, đạn dược, lương thực, thực phẩm, chuyển thương binh, bệnh binh… Khi cần DCHT có thể được tuyển chọn để bổ sung cho các lực lượng tác chiến.
Lực lượng DCHT được huy động tập trung từng đợt theo lệnh của UBND cấp xã để triển khai chủ trương của UBND cấp huyện, cấp tỉnh; mỗi đợt có thể 1 tháng, hoặc từ 3 - 6 tháng, có đợt kéo dài từ 18 tháng đến 3 năm (có người được huy động 1 lần, có người tham gia nhiều lần); được biên chế thành các tổ chức từ cấp tổ đội đến cấp trung đoàn hoặc đoàn, do UBND huyện hoặc Bộ CHQS tỉnh quản lý.
Sau từng đợt, người chỉ huy thông báo hết nhiệm vụ, DCHT trở về địa phương tiếp tục lao động, sản xuất, không có quyết định hoặc giấy tờ gì của cấp có thẩm quyền giao cho từng cá nhân. Do vậy, hầu hết các đối tượng không có hồ sơ, giấy tờ.
Theo số liệu khảo sát sơ bộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 đối tượng, phần lớn các bác, các cô, chú già yếu, lớn tuổi; bình quân tuổi đời trong chống Pháp khoảng 90 tuổi, trong chống Mỹ là 60 tuổi, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế là 55 tuổi; có khoảng 25% đối tượng có thời gian tham gia DCHT từ 1 năm đến dưới 2 năm và 75% có thời gian đủ 2 năm trở lên, trong đó tập trung chủ yếu là DCHT tham gia trong kháng chiến chống Mỹ.
* Phóng viên (PV): Đại tá có thể cho biết đối tượng, điều kiện áp dụng theo Quyết định 49?
* Đại tá Cao Văn Mĩa: Đối tượng áp dụng theo Quyết định 49 là DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Điều kiện áp dụng là người được Ủy ban hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị quân đội trên chiến trường.
Cụ thể thời gian và địa bàn như sau: DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9-1945 đến ngày 20-7-1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ sau ngày 20-7-1954 đến ngày 30-4-1975; địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia. DCHT tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5-1975 đến ngày 7-1-1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 đến tháng 12-1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5-1975 đến ngày 31-12-1988, ở Campuchia từ tháng 1-1979 đến ngày 31-8-1988.
Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu. Đối với một số địa bàn đặc biệt, thời gian tham gia của DCHT có thể được tính sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian nêu trên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
* PV: Chế độ được hưởng theo Quyết định 49?
* Đại tá Cao Văn Mĩa: Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ đối tượng có đủ điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Mức trợ cấp 1 lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia DCHT (trường hợp có thời gian tham gia DCHT ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn), cụ thể: Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2 triệu đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp là 2,7 triệu đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3,5 triệu đồng.
Đối với người đã từ trần, thì một trong những thân nhân sau đây của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần theo mức nêu trên: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi, hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
DCHT chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Các đối tượng là DCHT thì được cấp “Giấy chứng nhận” tham gia DCHT.
* PV: Đối tượng được hưởng chế độ, chính sách theo các Quyết định 290, 142, 62… có được hưởng chế độ theo Quyết định 49?
* Đại tá Cao Văn Mĩa: Những đối tượng đã được hưởng chế độ, chính sách theo các Quyết định 290, 142, 62... nhưng thời gian tham gia DCHT chưa được hưởng chế độ thì cũng được hưởng trợ cấp 1 lần theo Quyết định 49.
Sau khi có thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định này, Ban chỉ đạo các cấp và Hội đồng chính sách cấp xã cần tổ chức xét duyệt chặt chẽ, đúng quy trình, mở rộng thành phần xét duyệt, nhất là Hội đồng chính sách cấp xã theo Thông tư liên tịch 138/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, phát huy dân chủ, tăng cường giám sát của nhân dân, tránh để xảy ra sai sót, tiêu cực.
* PV: Việc thực hiện Quyết định 49 trên địa bàn tỉnh như thế nào?
* Đại tá Cao Văn Mĩa: Bộ CHQS tỉnh với trách nhiệm là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 24 tỉnh, đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định 49 trực tiếp đến Ban Chỉ đạo 24 các huyện, thành, thị, Hội đồng chính sách các xã, phường, thị trấn, trưởng ấp, khu phố thống nhất quy trình, thủ tục, các mẫu biểu kê khai hồ sơ, thời gian tiến hành để đảm bảo chặt chẽ, chu đáo. Xác định đây vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia.
Ban Chỉ đạo 24 tỉnh yêu cầu các địa phương, các cơ quan có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nhận thức đúng ý nghĩa, giá trị nhân văn của chế độ, chính sách, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, nhất là các cơ quan được phân công, nghiên cứu kỹ một số quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện áp dụng, chế độ, chính sách cho người được hưởng; việc kê khai hồ sơ và trình tự giải quyết chế độ phải công khai, chính xác, nhanh, gọn, đúng quy trình, tiến độ thời gian; kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đối với DCHT phải đảm bảo công bằng, tạo được niềm tin trong nhân dân, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, triệt để không để lọt đối tượng được hưởng trợ cấp.
Việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với DCHT trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhằm ghi nhận, tôn vinh và động viên những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; đồng thời góp phần tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
* PV: Xin cảm ơn Đại tá!
THANH - LÂM
(thực hiện)