Thứ Bảy, 14/05/2016, 06:22 (GMT+7)
.

Đi săn mật ong ruồi

Không dụng cụ bảo hộ, chỉ với 1 cái lưỡi liềm và khói thuốc lá, những người lấy mật ong ruồi trèo lên ngọn cây cao chót vót để lấy mật. Ngoài việc phải “rày đây mai đó”, công việc này còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Bọc lá chuối để mật ong không chảy ra ngoài.
Bọc lá chuối để mật ong không chảy ra ngoài.

RONG RUỔI KHẮP NƠI

Khoảng 6 giờ sáng ngày đầu tháng 5, chúng tôi theo anh Huỳnh Văn Kiểng (ấp Điền Lợi, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) đi lấy mật ong ruồi. Trên chiếc xe máy, mất hơn 30 phút, anh Kiểng chở chúng tôi đến những vườn dừa (xã Long Định, huyện Châu Thành) để lấy mật.

Sau khi gửi xe ở nhà người quen, anh Kiểng nhanh chân dẫn chúng tôi luồn lách vào những vườn dừa để tìm tổ ong ruồi. Anh Kiểng vừa đi, mắt liên tục nhìn lên những ngọn dừa cao chót vót, nói với chúng tôi: “Cây nào ong ruồi cũng có thể đóng để làm tổ, nhưng phần lớn chúng làm tổ ở ngọn dừa”. Nói xong, anh Kiểng nhanh chóng nhảy qua con mương tiếp tục rảo quanh khu vườn để tìm tổ ong.

Đi được một lát, bỗng mắt anh Kiểng đăm đăm nhìn và chỉ tay về phía cây dừa trước mặt, nói to: “Chú mày nhìn kìa, tổ ong ruồi nằm trên tàu dừa trước mặt đó, phải quan sát kỹ mới thấy”. Sau khi xem xét kỹ mọi thứ, anh Kiểng nhanh chóng mồi điếu thuốc và mang cái vòng làm bằng dây chuối để cố định 2 chân, rồi trèo lên cây.

Tổ ong ruồi nằm cách mặt đất khoảng vài mét, trong nhấp nháy anh Kiểng đã ở trên ngọn dừa và bắt đầu công việc lấy mật. Điều quan trọng nhất trong việc lấy tổ ong ruồi là làm sao để không bị ong chích. Để làm được điều này, những thợ săn phải dùng khói thuốc lá thổi vào tổ làm cho những con ong bị say mới lấy tổ của chúng.

Như thường lệ, sau khi tiếp cận được tổ ong, anh Kiểng thổi khói thuốc, những con ong bị trúng khói thuốc lập tức bay khỏi tổ, số khác còn bám lại. Lúc này, anh Kiểng dùng lưỡi liềm cắt tàu dừa để mang tổ ong xuống đất. Tổ ong được mang xuống đất an toàn, anh Kiểng đuổi những con ong còn lại bay đi, rồi cắt bỏ bớt phần tàu dừa cho tổ ong gọn hơn. Tổ ong ruồi đầu tiên đã nằm gọn trên tay, anh Kiểng tiếp tục công việc “rong ruổi” khắp các vườn cây để tìm tổ ong.

Anh Kiểng tiếp tục dẫn chúng tôi băng qua các con mương, những lùm cây rậm rạp khó đi. Dưới cái nắng chói chang của ngày hè, dường như những đôi chân bước nhanh hơn. Phải mất thời gian khá lâu, chúng tôi mới tìm được tổ ong mới. Lần này không phải là 1 tổ như trước mà là 2 tổ nằm gần nhau.

Anh Kiểng mừng ra mặt, nói: “Nghề lấy mật ong ruồi đòi hỏi phải tinh mắt, không phải ngày nào đi lấy cũng có mật, gặp may 1 ngày có thể tìm được 10 tổ, còn ít thì 1 - 2 tổ cũng không chừng”. Lần này, việc lấy mật không còn dễ dàng như trước vì tổ ong nằm trên ngọn dừa cao hơn chục mét, phải mất nhiều thời gian và công sức. Trên ngọn dừa cao chót vót, anh Kiểng cố bám vào những tàu dừa để lấy tổ ong xuống. Tổ ong lần này to và nhiều mật hơn so với tổ đầu tiên.

Trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, anh Kiểng vừa thở vừa nói: “Leo mấy cây cao mệt lắm. Leo chừng 3 cây là mình thấy xuống sức rồi. Thời điểm cơn mưa đầu mùa xuất hiện, khi đi lấy mật bị ong chích dữ lắm”. Nói rồi anh Kiểng nhanh chóng di chuyển sang cây xoài kế bên để lấy tổ ong còn lại. Những tổ ong sau khi lấy xuống được anh bọc lại bằng lá chuối để bảo vệ mật, rồi nhanh chóng tiếp tục công việc tìm tổ ong.

NHỮNG NỖI NIỀM

Nghề lấy mật ong ruồi đã có từ lâu. Nổi tiếng nhất phải kể đến “xóm ong ruồi” (ấp Điền Thạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo). “Xóm ong ruồi” có khoảng 60 - 70 người làm nghề lấy mật ong, đa phần là cha truyền con nối. Mùa chính lấy mật ong ruồi là vào khoảng tháng 5 - 6 âm lịch.

Cứ đến mùa lấy mật, những người trong “xóm ong ruồi” lại “rong ruổi” khắp các nẻo đường từ Gò Công cho đến TP. Cần Thơ để tìm mật. Có nhiều người, vì muốn tiết kiệm chi phí, nên khi đi lấy mật ở những nơi xa như TP. Cần Thơ, họ mướn nhà trọ ở lại vài ngày mới về.

Anh Tý (ấp Điền Thạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) một trong những “cao thủ” lấy mật ong ruồi cho biết: “Từ lúc đi lấy mật ong ruồi cho tới giờ, hầu như mọi ngã đường từ Gò Công cho đến TP. Cần Thơ tôi đều đi qua”.

Muốn lấy mật ong ruồi phải leo trên những ngọn cây cao chót vót.
Muốn lấy mật ong ruồi phải leo trên những ngọn cây cao chót vót.

Lấy mật ong ruồi đòi hỏi người làm nghề phải chịu khó và không ngại nguy hiểm. Bởi lẽ việc phải “rày đây mai đó”, len lỏi vào khắp các vườn cây không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. Anh Lê Văn Phúc (ấp Điền Thạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) bày tỏ:

Đi lấy mật ong ruồi không hề dễ dàng gì, gặp chủ vườn nào dễ, thấy mình cực khổ thì cho lấy, gặp chủ khó họ không cho. Khi leo lên cây để lấy mật, chuyện trầy xước hay chảy máu cứ xảy ra thường xuyên, ong chích thì ngày nào cũng bị. Ngoài ra, khi mình leo cây việc gặp phải rắn, rít cũng rất nguy hiểm, sợ nhất là loài rắn lục”.

Phần lớn tổ ong ruồi đều nằm trên những ngọn dừa cao chót vót, người thợ săn phải trèo lên tận ngọn chỉ bằng tay không, không dụng cụ gì hỗ trợ, nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Anh Nguyễn Quốc Việt (ấp Điền Thạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) có 18 năm mưu sinh bằng nghề lấy mật ong ruồi. 6 năm trước, trong một lần leo cây để lấy mật, không may anh bị rơi từ cây dừa xuống đất. Hậu quả, anh bị gãy xương đùi nên không thể tiếp tục theo nghề.

Ngoài ra, một điều luôn khiến cho những người đi lấy mật ong ruồi phải luôn trăn trở là tính bấp bênh của nghề. Anh Phúc trải lòng: “Nghề này chỉ kiếm sống được khoảng 7 tháng, lúc chính mùa thu nhập cũng được, còn lại cũng “bữa có bữa không”.

Mật ong bán được khoảng 800.000 đồng/lít, nếu bán theo tổ thì khoảng vài chục ngàn/tổ tùy theo lượng mật. Những lúc không đi lấy mật, ai có ruộng thì làm ruộng hoặc đi làm mướn. Mật ong ruồi bây giờ ít chứ không còn nhiều như xưa nữa”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng những người làm nghề lấy mật ong ruồi vẫn tiếp tục bám nghề và xa hơn nữa là cho con cái họ nối nghề mà ông bà để lại.

MINH THÀNH

.
.
.