Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Trị: Lớn mạnh từ những phong trào
Khơi dậy ý chí tự lực tự cường, vượt khó vươn lên, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng là một trong những nội dung quan trọng trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu” của cán bộ, hội viên (HV) CCB xã Thạnh Trị (huyện Gò Công Tây) đạt được trong thời gian qua.
CCB tham gia hội thảo lúa giống. |
Hội CCB xã Thạnh Trị tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp, phù hợp từng giai đoạn, thời điểm, huy động được mọi nguồn lực để làm kinh tế phục vụ mục tiêu giảm nghèo. Hội đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; thành lập và củng cố các tổ giúp nhau giảm nghèo và xây dựng quy chế hoạt động như: Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản và THT sản xuất lúa giống ấp Thạnh Phú, THT trồng rau sạch ấp Thạnh Hưng, THT chăn nuôi đệm lót sinh học ấp Thạnh Hiệp.
Với phong trào “hội viên (HV) giúp HV” làm kinh tế, Hội phân công từng Ủy viên Ban chấp hành bám cơ sở vận động những HV làm kinh tế giỏi hướng dẫn cho HV nghèo tăng gia sản xuất. Đối với những hộ không có đất sản xuất thì đưa đi đào tạo nghề, giới thiệu với các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thu nhận hoặc nhận hàng về nhà gia công; những hộ thiếu vốn thì hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục để bảo lãnh vay vốn từ các ngân hàng để tăng gia sản xuất.
Hội còn tổ chức cho HV tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT) do tỉnh, huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức.
Cụ thể: Tập huấn xóa đói giảm nghèo; tập huấn nâng cao kiến thức vay vốn; tập huấn kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tập huấn nâng cao kiến thức làm kinh tế; tập huấn môi trường; tập huấn công tác xây dựng nông thôn mới với tổng số 32 lớp có 580 hội viên tham dự. Nhờ ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KH-KT, công nghệ mới vào trong sản xuất, nên cho thu nhập khá cao, góp phần giảm tỷ lệ HV nghèo theo từng năm.
Nếu như năm 2011, có 5 hộ HV nghèo (chiếm tỷ lệ 4,13%) thì đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 1 hộ (chiếm tỷ lệ 0,62%). Hộ khá, giàu tăng 22,56% (từ 45 hộ của năm 2011 tăng lên 95 hộ của năm 2015). Từ 4/8 chi hội có HV nghèo của năm 2011 đến cuối năm 2015 chỉ còn 1 chi hội với 1 hộ nghèo.
Trong 5 năm, Hội đã xóa được 12 nhà tạm bợ, dột nát cho gia đình HV CCB trích từ nguồn quỹ “Mái ấm đồng đội”, của doanh nghiệp hỗ trợ và gia đình góp vào với số tiền 540 triệu đồng, hiện xã không còn hội viên CCB có nhà tạm bợ.
Xác định nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là nguồn lực quan trọng để phát triển sản xuất, tạo việc làm nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cho CCB nghèo, vì vậy Hội đã tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay.
Tuy nhiên, do tiềm năng và lợi thế của xã còn hạn chế nên Ban Chấp hành Hội lựa chọn phương thức đầu tư cho hộ nghèo những dự án nhỏ nhưng hiệu quả cao, vốn quay vòng nhanh, ưu tiên nguồn vốn cho hộ nghèo, chỉ tính riêng dư nợ 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm đến cuối năm 2015 là 2,47 tỷ đồng, tăng 1,64 tỷ đồng so với năm 2011.
Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ ủy thác qua CCB năm 2011 là 560 triệu đồng, lên 2,2 tỷ đồng năm 2015, tăng 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra Hội cũng tranh thủ nguồn vốn từ các dự án giải quyết việc làm đã cho 51 hội viên vay vốn với số tiền 510 triệu đồng. Nhìn chung, nguồn vốn vay đều được CCB sử dụng đúng mục đích, không có nợ quá hạn.
Được tạo điều kiện về vốn, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đã có nhiều HV thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu. Cụ thể như CCB Nguyễn Văn Thùy (ấp Thạnh Hòa Tây) sau khi xuất ngũ trở về địa phương, gia đình ra riêng chỉ có 1 công ruộng, nhờ chăm chỉ lao động sản xuất, đến nay anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá trên 300 triệu đồng, mua thêm 5 công đất ruộng, duy trì đàn heo nái sinh sản trong chuồng từ 15 - 20 con và 2.000 con vịt đẻ.
Hay CCB Nguyễn Văn Tư (ấp Thạnh Hưng), từ 1 công đất lúa khi ra riêng, nay anh đã tạo được cơ nghiệp ổn định với căn nhà mới xây dựng trị giá 400 triệu đồng, mua thêm 4 công đất lúa, nuôi 3 bò nái sinh sản, lo cho 3 con ăn học thành tài và có việc làm ổn định.
Hay như CCB Nguyễn Phi Hồng (ấp Thạnh Yên), sau khi xuất ngũ trở về địa phương, không có nghề nghiệp trong tay nên anh rời quê hương đi làm thuê trên huyện Cái Bè. Nhờ sự hướng dẫn của một nông dân nuôi cá lồng bè về kỹ thuật ươm cá giống, anh trở về địa phương mượn vốn bắt tay vào việc ươm cá giống.
Từ một cơ sở nhỏ (chỉ hơn 1 công đất, sản xuất chỉ đáp ứng cho một ít hộ nuôi cá ở địa phương), thì nay cơ sở của anh đã mở rộng trên 1,5 ha, sản xuất cá giống các loại. Anh cũng vừa xây xong nhà nuôi chim yến với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, có CCB Nguyễn Văn Lực (ấp Thạnh An) với nghề đan vợt kẽm, giải quyết cho 56 lao động ở địa phương với thu nhập mỗi tháng từ 3-3,5 triệu đồng. Tính đến nay, xã có 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do CCB làm chủ, tạo việc làm cho hội viên như: THT chăn nuôi bò sinh sản; THT trổng rau sạch; THT sản xuất lúa giống…
Ngoài việc làm kinh tế giỏi, các hội viên còn tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì ngưòi nghèo, Quỹ Khuyến học… trên 35 triệu đồng. Đặc biệt tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, hội viên CCB đã hiến 3.212m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, tham gia 218 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng.
Qua 5 năm thực hiện phong trào “nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” có 23 hội viên CCB đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, 3 hội viên đạt danh hiệu cấp tỉnh, 1 hội viên đạt danh hiệu cấp Trung ương.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN