Mùa soi nhái
LẶNG LẼ MƯU SINH
Những ngày qua, tiết trời bắt đầu dịu mát, cái nắng như thiêu đốt đã giảm dần, những cơn mưa cũng xuất hiện thường xuyên hơn. Trên những cánh đồng vừa trải qua cơn hạn, mặn lịch sử, đất đai nứt nẻ bỗng trở nên có sức sống hơn. Mùa mưa bắt đầu cũng đồng nghĩa là mùa soi nhái đã đến.
Những người đi soi nhái trong đêm. |
Mùa soi nhái chỉ có một lần trong năm. Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc nhái sinh sản. Đến mùa soi nhái, nhiều gia đình ở khắp các vùng quê ai nấy cũng sắm sửa cho mình chiếc đèn pin. Những đứa trẻ trong lòng cũng rạo rực chờ đêm đến để đi soi nhái.
Cơn mưa lắc rắc lúc chiều làm cho mặt đất ướt đẫm, báo hiệu cho một đêm soi nhái bắt đầu. Đúng 19 giờ, chúng tôi theo những người soi nhái tại xã Bình Xuân (TX. Gò Công) rảo quanh những cánh đồng trong không khí lành lạnh, trên những đám ruộng loang lổ vết cày ải, mùi rơm rạ bốc lên nồng cả khoang mũi.
Trong màn đêm tối om, tiếng nhái kêu râm ran phá vỡ không khí tĩnh lặng. Hàng chục người mang đèn pin rong ruổi khắp cánh đồng, thoát ẩn thoát hiện, tìm bắt những con nhái ẩn nấp dưới mặt ruộng.
Vừa đặt chân xuống đám ruộng, anh Nguyễn Chí Tâm (ấp 2, xã Bình Xuân, TX. Gò Công) nhanh chóng pha đèn về phía trước. Chẳng mấy chốc anh đã phát hiện được chỗ con nhái đang ẩn nấp. Nhìn từ xa, con nhái ngồi đưa ức trắng nõn, 2 con mắt sáng ánh khi bị ánh đèn pin chiếu vào. Anh Tâm khẩn trương di chuyển đến, dùng tay tóm gọn con nhái bỏ vào túi.
Ở Gò Công, người đi soi chỉ bắt nhái bằng tay, không bắt bằng vợt như ở vùng An Giang. Do bắt bằng tay, người đi soi phải khom lên khom xuống nên rất vất vả. Sau khi băng qua mấy đám ruộng, anh Tâm quay lại nói với chúng tôi:
“Nhái mình bắt ở đây là loại nhái cơm. Hôm nay, mình sẽ đi qua cánh đồng bên xã Bình Phú soi, ở đó có nhiều nhái to hơn. Hôm qua, anh đi soi ở bên đó về cũng được khá lắm”! Vừa dứt lời, anh Tâm nhanh chân đi trước dẫn đường và cũng không quên bắt những con nhái mà anh nhìn thấy.
Thành quả sau hàng giờ lao động vất vả. |
Cùng đi với chúng tôi còn có em Hữu (ấp 2, xã Bình Xuân, TX. Gò Công). Hữu mới học lớp 5 mà đã sành sỏi việc soi nhái như dân chuyên nghiệp.
Với thân hình gầy còm, làn da ngăm đen, Hữu như một con vạc tìm mồi trong đêm, nhanh nhẹn tóm gọn những con nhái. Vừa phát hiện ra chỗ con nhái đang ẩn nấp, Hữu lao đến như một mũi tên.
Cầm con nhái trên tay, Hữu thủ thỉ: “Mới đầu mùa nên nhái còn nhỏ, khi mưa nổi nước nhái mới to. Đầu mùa mưa nhiều khi nhái chui xuống lỗ nẻ nên đành bó tay. Đi soi sớm không có nhiều, càng về khuya càng có nhiều nhái”.
Tận mắt chứng kiến cảnh những người đi soi nhái mới thấy được họ tinh mắt thế nào. Chỉ cần động tác pha đèn, họ có thể phát hiện ra con nhái đang nấp dưới góc rạ hay bụi cỏ.
Anh Tâm cho biết, lúc trước do mới vào nghề, chưa hiểu rõ đặc tính của nhái nên soi không được nhiều. Kể từ những lần đó, anh mới rút ra một điều là muốn soi được nhiều nhái, phải sử dụng loại đèn bình có ánh sáng đỏ thay vì ánh sáng trắng.
Anh Tâm phân bua: “Ban đêm, mình dùng đèn ánh sáng đỏ, mắt nhái màu trắng sẽ tương phản với ánh đèn nên rất dễ nhận ra, còn mắt ếch có màu đỏ giống như tàn thuốc”.
NGHỀ VẤT VẢ
Nghề soi nhái đã có từ nhiều năm nay và cũng là nghề cha truyền con nối, những đứa trẻ ban đầu đi theo cha vì tò mò rồi từ đó “bén duyên” với nghề. 3 anh em Hữu từ nhỏ đã theo cha “rong ruổi” khắp ruộng đồng, trải qua nhiều chuyến đi, kinh nghiệm được tích lũy dần theo thời gian rồi rành ghề lúc nào không hay. Hiện tại, mỗi chuyến đi soi, Hữu có thể bắt được khoảng 1 kg nhái.
Theo kinh nghiệm của những người soi nhái kỳ cựu, vào thời điểm sáng trăng, không nên đi soi. Ánh sáng sẽ lan tỏa khắp mọi nơi, nhái thấy người sẽ nhảy đi trốn, rất khó bắt. Anh Lo (xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây) cho biết, trước đây khi chưa có công trình Ngọt hóa Gò Công, nhái ở đây to hơn cả con ếch. Tôi thường đi soi lúc 2 - 3 giờ sáng, lúc đó mới có nhiều nhái.
Trong hành trình đi soi nhái, chúng tôi mới hiểu rõ được tính chất của nghề. Đa phần những người làm nghề này đều là đàn ông, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp một vài phụ nữ. Mỗi khi đến mùa, có cả hàng trăm người quẩn quanh khắp các cánh đồng để tìm bắt nhái. Tất cả họ đều có chung mục đích là cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, mỗi kg nhái có giá khoảng 50.000 đồng, nên người đi soi cũng có thể kiếm thêm một khoản thu nhập.
Soi nhái là một nghề vất vả. Người làm nghề đòi hỏi phải có sự dẻo dai. Mỗi chuyến đi, người soi phải băng qua nhiều cánh đồng, di chuyển liên tục trong nhiều giờ liền. Chưa kể, trong lúc đi soi, họ phải thường xuyên đối mặt với những cơn mưa bất chợt, tiếng sấm, tia chớp vang trời. Anh Tâm bày tỏ: “Đi soi nhái phải di chuyển nhiều nên rất mỏi chân, nhiều lúc gặp sấm chớp rất sợ”.
Trời chuyển dần về khuya, những đám mây đen làm cho bầu trời toàn một màu xám xịt. Những người soi nhái trở về sau hàng giờ băng đồng lội ruộng. Trên những cánh đồng tràn ngập hơi sương, tiếng ếch, nhái vẫn kêu râm ran càng làm cho chúng tôi thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người làm nghề soi nhái. Đằng xa, những ánh đèn soi nhái vẫn le lói thoát ẩn, thoát hiện trong đêm vắng và những con người đêm đêm vẫn cần mẫn với nghề.
MINH THÀNH