Nhiều trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng
Toàn tỉnh hiện có 36.307 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), chiếm tỷ lệ 2,13% dân số và chiếm 8,3% dân số trong độ tuổi trẻ em (trong đó, trẻ em có HCĐB theo Luật là 6.245 em, chiếm 0,36%). Trước thực tế này, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trợ giúp trẻ em có HCĐB dựa vào cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Trẻ em cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Quốc Việt |
Tiền Giang đã xây dựng được 25 mô hình theo dự án và đã nhân rộng thêm 11 mô hình từ nguồn kinh phí địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 36 mô hình trợ giúp trẻ em có HCĐB dựa vào cộng đồng. Mục tiêu mà dự án thực hiện là giảm tỷ lệ trẻ em có HCĐB xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em; có ít nhất 80% trẻ em có HCĐB được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển;
70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào HCĐB được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào HCĐB; xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; đồng thời thực hiện có hiệu quả mô hình trợ giúp trẻ em có HCĐB dựa vào cộng đồng ở 36 xã điểm.
Qua 5 năm triển khai tại 25 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành, thị, kết quả đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra: Hiện có trên 90% trẻ em có HCĐB được nhận sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; trên 80% trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB được phát hiện, can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào HCĐB.
Đối với tỷ lệ trẻ em có HCĐB chung không giảm (gồm nhóm trẻ em có HCĐB theo Luật và nhóm trẻ em có HCĐB khác là 36.307/435.028 trẻ, chiếm tỷ lệ 8,3% tổng số trẻ em; riêng tỷ lệ trẻ em có HCĐB theo Luật thì giảm đáng kể, với 6.245/435.028 trẻ, chiếm tỷ lệ 1,43% tổng số trẻ em).
Có 100% xã, phường, thị trấn đã lồng ghép với ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện việc cung cấp dịch vụ ở cấp độ 1 “Truyền thông tư vấn cho các đối tượng là trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB về kỹ năng sống cho trẻ em để phòng ngừa”.
Riêng cấp độ 2 là “Can thiệp giảm thiểu các nguy cơ” và cấp độ 3 là “Hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em bị tổn thương và HCĐB” đã được thực hiện thông qua Phòng Công tác xã hội trẻ em (Trung tâm Công tác xã hội) khi phát hiện được đối tượng.
Trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình trong thời gian qua, tỉnh đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Trình độ của cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã ở một số đơn vị cơ sở còn hạn chế; sự biến động liên tục của cán bộ làm công tác trẻ em từ tỉnh đến cơ sở làm ảnh hưởng lớn đến tính liên tục của phong trào; lực lượng cộng tác viên cơ sở thường xuyên thay đổi, ít kinh nghiệm nên còn gặp nhiều khó khăn trong cập nhật, quản lý các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như tiếp cận tư vấn, hỗ trợ tâm lý dành cho nhóm trẻ em có HCĐB.
Mặt khác, sự phối hợp giữa các ngành thành viên đôi lúc thiếu thường xuyên; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức về bố trí kinh phí hoạt động và phân công cán bộ hoạt động cho công tác này; một số hộ gia đình chưa quan tâm chăm sóc cho trẻ em do gia đình nghèo phải đi làm thuê, không có nghề ổn định; một số hộ gia đình lúc đầu đồng ý cho con em tham gia học nghề, sau đó lại từ chối, dẫn đến việc phân bổ dự án gặp nhiều khó khăn...
HẢO TRINH