Thứ Hai, 02/05/2016, 16:28 (GMT+7)
.

Nhọc nhằn nghề "cửu vạn"

Trời dần về khuya, người dân dường như chìm vào giấc ngủ. Song, đâu đó những giọt mồ hôi của những người làm nghề “cửu vạn” vẫn cứ đều đều lăn.

Có mặt tại chợ Mỹ Tho lúc nửa đêm mới thấm thía được nỗi cơ cực của những người phải “lấy đêm làm ngày”. Ánh đèn nê-ông của tiểu thương dần được thắp lên, người và xe từ các vùng lân cận cũng bắt đầu đổ về. Tiếng cười nói, trao đổi của tiểu thương, những câu bông lơn của những người làm nghề bốc vác hay gọi là “cửu vạn” như khuấy động cả màn đêm.

Quang cảnh tấp nập ở Cảng cá Mỹ Tho.
Quang cảnh tấp nập ở Cảng cá Mỹ Tho.

Đặt cần xé cam xuống thùng xe, anh Tèo - một “cửu vạn” cho biết: “Mần riết rồi quen, chứ không chữ nghĩa, không nghề nghiệp biết làm gì ngoài công việc này”. Câu nói như cợt đùa nhưng lại là sự thật, là hoàn cảnh chung của tất cả anh em làm nghề bốc vác ở đây.

Công việc của họ hầu như suốt 24 giờ, nhưng tập trung nhất là từ 0 giờ đến 5 giờ sáng. Bởi đây là lúc xe tải, tiểu thương tập trung vào chợ. Mặt hàng chủ yếu là trái cây, rau quả và thủy hải sản, còn vào buổi sáng và chiều chủ yếu là hàng tạp hóa.

Trung bình nhóm “cửu vạn” ở chợ Mỹ Tho khoảng từ 20 - 30 người. Họ chia ca và chia mặt hàng, thay phiên hỗ trợ nhau khuân vác hàng hóa cho tiểu thương nhằm đỡ cực nhọc và cũng tránh “đụng hàng” dễ gây bất hòa.

Anh Hiển - nhà ở dưới chân cầu Nguyễn Trãi tâm sự: “Tôi làm nghề này tính ra cũng đã hơn 20 năm. Nhọc nhằn thiệt, nhưng làm riết cũng quen, mùa nắng đỡ hơn, mùa mưa mới sợ, không cẩn thận té ngã mang bệnh, lại làm hư hàng của khách. Mấy năm trước, có lần tôi vác cam dưới ghe lên, trời mưa trơn té phải nằm viện mấy ngày”.

Một đêm vất vã của chú Hùng, “cửu vạn” tại chợ Mỹ Tho.
Một đêm vất vã của chú Hùng, “cửu vạn” tại chợ Mỹ Tho.

Trắng đêm, cực nhọc là vậy nhưng tiền công của mỗi “cửu vạn” chỉ ước tầm 100.000 - 150.000 đồng sau mỗi đêm, nếu hàng hóa nhiều được khá hơn nhưng cũng chỉ tầm 200.000 đồng. Anh Hiển chia sẻ thêm:

“Chợ mình dạo rày ế ẩm quá, làm cả đêm cũng chẳng được bao nhiêu. Chú thấy đống cam này không? Anh em tôi phải ngồi phân loại từ chiều tới giờ, rồi bốc lên xe cũng tầm 7 tấn, mà mỗi người chỉ được hơn 100.000 đồng.

Nghề bốc vác không phải ai cũng làm được, ngoài sức khỏe còn đòi hỏi sự dẻo dai và bền bỉ. Nhiều người mới vào nghề, tối về nhức mỏi không chịu nổi, phải tìm nghề khác sinh sống. Cũng có người cố làm nặng quá mức đến “cụp” xương sống mang bệnh mà bỏ nghề”. Quả thật, kiếm đồng tiền từ nghề “cửu vạn” không hề dễ, mà có thể nói là “đổ mồ hôi sôi nước mắt”.

Trời dần sáng, xe tải thưa dần, công việc của anh em bốc vác cũng bắt đầu vơi đi, nhiều anh em ngã lưng dựa vào gốc cây nghỉ, số khác nhâm nhi ly cà phê trò chuyện hỏi thăm nhau… Người dân đi chợ đông dần, cũng là lúc cánh “cửu vạn” giao ca, kết thúc một đêm làm việc mệt nhọc. Cũng không ít anh em chỉ cho phép mình ngủ vài giờ rồi kiếm việc khác để làm thêm, đến đêm lại vào ca mới.

Tại chợ Mỹ Tho có khoảng 20 - 30 người làm nghề “cửu vạn” nhưng so với Cảng cá Mỹ Tho thì còn khá khiêm tốn. Cảng cá Mỹ Tho là nơi tập trung đông nhất cánh “cửu vạn”, ngày thường khoảng trên dưới 500 người, khi vào con nước có thể lên đến 1.000 người, bao gồm: Thương lái, tài xế, ngư phủ, bốc vác và những người tham gia phân loại cá…

Cầm tà áo chấm ngang trán đẫm mồ hôi, chị Phương nói: “Tôi làm nghề này được 2 năm. Công việc của tôi như chú thấy, chỉ khuân sọt cá từ băng trượt chất thành đống để người khác kéo đi cân. Mỗi sọt cá chỉ khoảng 20 - 30 kg nhưng làm xuyên suốt. Ở đây, người ta khoán cho mình làm, mỗi ghe tầm 40 tấn, mình được khoảng 300.000 đồng”.

Được biết, 1 ghe muốn lên hết cá phải mất trên 12 giờ và khi nào có ghe vào “nậu” sẽ gọi, bất kể ngày hay đêm. Chị Phương tâm sự thêm: “Tôi và ông xã đều làm ở đây. Nhà tui có 2 cháu, đứa lớn học lớp 9, đứa nhỏ lớp 2. Nhiều khi đi làm về khuya nhìn 2 đứa con tự ăn uống, tự chăm sóc cho nhau mà rớt nước mắt. Có khi, đang ngủ chủ vựa gọi có ghe vào, cũng ráng nhấc mình mà đi”.

Thành phần “cửu vạn” chủ yếu là dân Mỹ Tho, nhưng cũng có số ít đến từ các tỉnh khác như: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp… Thấy một nhóm người đang ăn “qua loa” ổ bánh mì, tôi đến làm quen và hỏi thăm. Tuấn đến từ tỉnh Bến Tre cho biết: “Em theo cha qua đây làm cũng hơn 1 năm, mới đầu cũng không quen nên oải lắm, giờ đỡ hơn nhiều”.

Tôi hỏi về mong ước, Tuấn cười: “Mấy đứa em đi học xong chắc nhà cũng khá hơn, em nghĩ mình có thể mở một quán ăn, chứ làm ở đây cực quá, không lẽ làm cả đời sao anh?”. Câu nói bỏ lửng của Tuấn khiến tôi mủi lòng, nếu có điều kiện tốt hơn mấy ai lại cong lưng, thức đêm thức hôm để kiếm từng đồng.

Trời về chiều, ráng nắng ngoài phía sông ửng vàng, những chiếc tàu cá đến rồi đi, riêng những phận người ở Cảng cá Mỹ Tho lại cứ loay hoay, ngày qua đêm với hàng tấn hàng trên vai để xoay xở cho cuộc sống. Họ mong mỏi cái ngã lưng giữa giờ cho đỡ nhọc, hay một ngày nào đó sẽ khá hơn, sẽ không còn vất vả nặng nhọc, chạy ăn bằng nghề “cửu vạn”...

TRẦN THƯƠNG NHIỀU

.
.
.