Thứ Sáu, 20/05/2016, 14:24 (GMT+7)
.

Những người mưu sinh về đêm

Khi phố thị lên đèn, từng dòng người và xe cộ vẫn ngược xuôi khắp nẻo, song song với không khí hối hả đó là một số người vẫn “lặng thầm” mưu sinh bên vỉa hè, góc phố tại TP. Mỹ Tho. Hằng ngày, họ vẫn lầm lũi mưu sinh trên những cung đường quen thuộc và kết thúc công việc khi ngày mới bắt đầu.

Mỹ Tho về đêm, bức tranh về những con người đang tất bật mưu sinh dần hiện rõ hơn. Dường như cơn mưa vào lúc chập tối không thể làm khó công việc thường ngày của họ. Sau một lúc trú mưa, họ lại tiếp tục công việc quen thuộc. Người chọn cho mình một góc đường để bày hàng ra, người chở hàng trên chiếc xe đạp “rong ruổi” khắp các góc phố.

Cô Trần Thị Tốt đang bán xôi cho khách.
Cô Trần Thị Tốt đang bán xôi cho khách.

Tại tuyến đường dọc bờ kè sông Tiền, trên chiếc xe đạp mini, anh Liêu Quyết Hiệu (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) chở theo thúng đậu phộng luộc đến những hàng quán có nhiều người để mời khách. Trên khuôn mặt khắc khổ, nước da đen nhẻm, anh Hiệu nở nụ cười chào mời chúng tôi.

Quê ở tận Phú Yên, nhưng do cuộc sống gia đình khó khăn, anh mới phiêu bạt về vùng đất phương Nam này. Suốt những năm mưu sinh nơi xứ người, anh kiếm sống bằng nghề bán đậu phộng luộc khắp các tỉnh, thành từ TP. Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây và trụ lại TP. Mỹ Tho đã được 2 năm.

Khi chúng tôi đề cập sao không buôn bán ở quê mà lặn lội đến tận Mỹ Tho, anh Hiệu bộc bạch: “Ở ngoài quê tôi cuộc sống còn khó khăn lắm, vả lại ở ngoài đó cũng không ai ăn đậu phộng này. Để có cái ăn, cái mặc tôi với mấy anh em cùng quê mới rủ nhau vào đây buôn bán”.

Mỗi đêm, anh Hiệu phải đạp xe lòng vòng khắp các nẻo đường của TP. Mỹ Tho để buôn bán, phải đến khi ngày mới bắt đầu mới quay về nhà trọ để nghỉ ngơi. Mưu sinh nơi đất khách, nên một tháng anh mới về quê một lần để thăm gia đình, phần là để tiết kiệm chi phí.

Anh Hiệu trải lòng: “Mỗi ngày số tiền kiếm được từ việc bán đậu phộng luộc cũng được hơn 100.000 đồng, phải sống tiết kiệm, gói ghém để còn có cái gửi về nhà”. Nói rồi anh Hiệu lên xe di chuyển tới một điểm khác để mời khách, dường như gánh nặng mưu sinh càng làm cho những vòng xe di chuyển nhanh hơn.

Rời khu vực bờ kè, chúng tôi đến đường Lý Thường Kiệt. Đã từ lâu, góc đường Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt là nơi mưu sinh của cô Trần Thị Tốt (60 tuổi, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho). Ở cái tuổi đáng lẽ đã được nghỉ ngơi, vui vầy bên cháu con nhưng hằng ngày cô vẫn phải dọn gánh xôi ra bán để kiếm sống.

Nghề bán xôi đã gắn bó với cô đã hơn 40 năm. Mặc cho dòng thời gian tuôn chảy, ngày nào cô Tốt cũng dọn gánh xôi ra góc đường quen thuộc. Khách hàng của cô đa phần là những mối quen, những công nhân tăng ca đi làm về cũng thường ghé ủng hộ.

Cô Tốt trải lòng: “Nghề mua gánh, bán bưng vất vả lắm, trời nắng đỡ vất vả nhưng ít người mua thành ra bán ế, còn trời mưa cực nhọc nhưng bán được nhiều. Hôm nào bán ế, ngồi tới 2 - 3 giờ sáng mới về. Mấy hôm nay mưa nắng thất thường, buôn bán cũng khó khăn.

Nhiều lúc bán về trễ, gặp mấy thanh niên ngang ngược ăn chịu không trả tiền cũng sợ, nhưng nhờ mấy chú Công an đi tuần tra giải quyết giúp nên an tâm hơn. Nhà có mấy đứa con, ai cũng lo cho gia đình, con cái ăn học còn chưa xong, lấy đâu lo cho mình. Cô cũng có tuổi rồi, còn buôn bán được khi nào hay khi ấy”.

Chị Trương Thị Mỹ Dung đang thu gom rác trên đường.
Chị Trương Thị Mỹ Dung đang thu gom rác trên đường.

Cách cô Tốt không xa là chị Trương Thị Mỹ Dung (phường 6, TP. Mỹ Tho), công nhân Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho đang thu gom rác trên đường. Chị Dung hì hục đẩy chiếc xe chứa rác dọc theo con đường.

Chỗ nào có rác chị dừng lại dùng chổi gom lại và hốt cho vào thùng. Chiếc chổi dừa xào xạc vang lên trong đêm, mồ hôi trên trán chị Dung nhễ nhại tuôn ra. Cơn mưa lúc chập tối làm cho rác bị ướt nên rất khó gom lại, nên chị vất vả hơn. Mỗi ngày, chị Dung bắt đầu công việc từ lúc 18 giờ 30 phút và kết thúc khoảng 2 - 3 giờ sáng.

Chị Dung nói rằng: “Nếu ai cũng ý thức được việc giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi thì tốt quá. Có nhiều người mình vừa dọn rác xong, họ lại đem rác ra để đó, mình phải mất công quay lại một vòng để thu gom”.

Trời càng dần về khuya, đường phố trở nên thưa dần, sự ồn ào, náo nhiệt cũng đã giảm hẳn. Những người mưu sinh về đêm vẫn cứ lặng thầm với công việc. Họ nép mình bên những góc phố, con đường, lặng lẽ đếm nhịp thời gian, tiếp tục mưu sinh để dệt những ước mơ khi màn đêm buông xuống.

MINH THÀNH

.
.
.