Thị trấn biển Vàm Láng "thay da đổi thịt"
Với vị trí nằm cạnh biển, thị trấn Vàm Láng được đầu tư, nâng cấp nhiều công trình, kết cấu hạ tầng trọng điểm. Từ đó, bộ mặt đô thị không ngừng phát triển để xứng danh là thị trấn biển của tỉnh.
Trường THCS Vàm Láng khang trang vừa được đưa vào sử dụng. |
Thị trấn Vàm Láng có 600 ha diện tích tự nhiên và 14.000 nhân khẩu, án ngữ ngay vàm Soài Rạp. Vàm Láng là một làng biển lâu đời, với hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến thủy, hải sản.
Ông Nguyễn Văn Tân, 73 tuổi, khu phố Lăng 1, thị trấn Vàm Láng cho biết, cư dân Vàm Láng từ xưa sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt trên biển. Do cửa biển rộng, thuận lợi cho nghề đánh bắt nên một số ngư dân chọn nơi này làm bến cá, rồi lập ấp, lập làng ven biển để hành nghề, dần dần phát triển sung túc như ngày nay…
Cái tên “làng biển” là để con cháu ngày nay luôn nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp của ông cha. Ngày ấy, tiền nhân đi tìm cá bằng những chiếc thuyền buồm mong manh, chỉ đi gần bờ, đánh bắt rồi về trong ngày…
Giờ đây, thị trấn Vàm Láng đã đổi thay rất nhiều. Thấy được tiềm năng, các ngành chức năng tập trung phát triển các nguồn lực, xây dựng phát triển các loại hình kinh tế, nhất là kinh tế biển, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Theo thống kê, toàn thị trấn Vàm Láng hiện có hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác thủy sản biển của các ngư dân trong thị trấn là gần 500 tàu, được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hàng năm mang về đất liền hàng chục ngàn tấn hải sản các loại.
Về thị trấn Vàm Láng trong những ngày 30-4 lịch sử, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một vùng quê nghèo khó ngày nào. Hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đường làng, ngõ xóm đều khang trang, sạch đẹp.
Bà Hà Trần Phương Thùy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng cho hay: “Sau khi Vàm Láng được công nhận là thị trấn của huyện Gò Công Đông, các ngành chức năng đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh nâng cấp và chỉnh trang đô thị.
Cầu Cần Lộc qua khu phố Lăng 3, kinh phí gần 2 tỷ đồng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Trụ sở làm việc của Đảng ủy thị trấn cũng được nâng cấp, sửa chữa gần 1,8 tỷ đồng. Hệ thống đường và bờ kè khu phố Lăng 3, với kinh phí trên 1 tỷ đồng cũng được đầu tư. Thị trấn cũng cho nâng cấp, sửa chữa đường, hệ thống thoát nước, với hơn 50 công trình.
Việc sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng được quan tâm thực hiện, từng bước đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là cơ sở chế biến thủy sản nằm đan xen trong khu dân cư…
Ngoài ra, thị trấn cũng đã điều chỉnh quy hoạch sân vận động và xây dựng Trường THCS Vàm Láng, với kinh phí 15 tỷ đồng. Trạm y tế xuống cấp đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2013, với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Mạng lưới văn hóa thông tin được cải tạo, hệ thống loa phủ sóng đến các khu dân cư tập trung…
Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, thị trấn Vàm Láng dự kiến hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thị, xây dựng mới các tuyến trục phía Bắc tỉnh lộ 871 hướng về phía biển để tạo môi trường và phát triển du lịch sinh thái; hoàn chỉnh vỉa hè, chiếu sáng và trồng cây xanh các trục đường phố đô thị, đồng thời cải tạo bến xe Vàm Láng, các bến đò phục vụ cho giao thông…
Phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, diện mạo thị trấn Vàm Láng đang thay đổi từng ngày, kinh tế biển đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện; công tác giáo dục, y tế, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt hơn; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững…Từ những đổi thay đó, thị trấn Vàm Láng đang cho thấy mình đang “thay da đổi thịt” từng ngày.
SĨ NGUYÊN