Vì cuộc sống an toàn cho trẻ em
Đây là chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2016. Việc lựa chọn chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích (PCTNTT) trẻ em; đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.
Đồng thời, đây cũng là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 234/QĐ-TTg ngày 5-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PCTNTT trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.
Tiền Giang là một trong những tỉnh thuộc vùng sông nước, có nhiều ao, đìa, sông, rạch; ở huyện Gò Công Đông có biển Tân Thành. Do vậy, tình trạng trẻ em bị đuối nước trên địa bàn tỉnh hầu như năm nào cũng xảy ra.
Tính từ năm 2011 đến nay, năm nào tỉnh cũng có khoảng 500 - 1.000 trường hợp tai nạn thương tích và đuối nước đối với trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó tử vong từ 15 - 40 em hàng năm (từ năm 2011 - 2015 đã có 100 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước). Riêng quý I-2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 trường hợp tử vong do đuối nước (2 ở TP. Mỹ Tho và 1 ở TX. Cai Lậy).
Thực tế cho thấy, nguy cơ gây tai nạn thương tích vẫn đang rình rập hàng ngày, hàng giờ, có thể cướp đi biết bao sinh mạng trẻ em, làm nhiều trẻ em bị tàn tật, làm bao gia đình phải đau khổ và trở nên nghèo khó. Ngoài ra còn hàng loạt vấn đề khác cần được quan tâm trong việc PCTNTT cho trẻ em như: Bị ngộ độc, bị côn trùng đốt hoặc bị các con vật cắn hoặc do bất cẩn...
Chỉ riêng tình hình đuối nước trẻ em có nhiều nguyên nhân như: Môi trường sống của trẻ gần với sông nước nhưng không có hàng rào bảo vệ, trẻ em đi học qua các vùng sông nước không có phao cứu sinh; giếng nước, bể chứa nước sinh hoạt tại các gia đình thấp không có nắp đậy.
Mặt khác, phần lớn các em nhỏ chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi, ứng cứu người gặp nạn trong khi khu vực nông thôn có nhiều ao, hồ, sông... Trong khi đó, hầu hết những nơi này không được lắp đặt biển báo, rào chắn cảnh báo nguy hiểm lại ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi các em gặp nạn không có sự trợ giúp kịp thời.
Cùng với đó là sự thiếu quản lý, giám sát của gia đình trong khi các em đang ở độ tuổi ham vui, thích tìm tòi, khám phá nhưng lại chưa nhận thức được đầy đủ về mối nguy hiểm xung quanh nên dễ dẫn đến tai nạn thương tích.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương chưa coi trọng việc PCTNTT cho trẻ em dẫn đến những cái chết không đáng có. Trong khi, ý thức chấp hành pháp luật về PCTNTT trẻ em, đặc biệt là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
Thực hiện Quyết định 2158/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình PCTNTT trẻ em giai đoạn 2013 - 2015, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông sâu rộng trong toàn tỉnh bằng nhiều hình thức như: Cấp phát tờ rơi, tờ bướm; nói chuyện chuyên đề tại các điểm trường học, các xã, phường trọng điểm.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức diễn đàn, hội thi, hội thảo chuyên đề, tập huấn lồng ghép nội dung thu hút hàng chục ngàn lượt trẻ em và người lớn tham dự. Các huyện, thành, thị trọng điểm về tai nạn thương tích trẻ em cũng đã triển khai các hoạt động xây dựng và giám sát các quy định về Ngôi nhà an toàn cho trẻ em PCTNTT và phòng, chống đuối nước; từng bước, thiết lập và đi vào hoạt động hệ thống thu thập thông tin về PCTNTT trẻ em.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các hoạt động truyền thông về PCTNTT trẻ em trên Báo Ấp Bắc, Đài PT-TH tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thành, thị và các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đồng thời còn hỗ trợ mở lớp tập bơi cho trẻ em, cấp phát hàng chục ngàn áo phao, cặp phao cho trẻ em học bơi...
Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi về kiến thức PCTNTT trẻ em, trong đó có phòng chống đuối nước cho các bậc phụ huynh có con nhỏ dưới 16 tuổi tại cộng đồng. Kết quả đã thực hiện được 116/173 xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh, có 5.800 lượt người tham dự; xây dựng 20 panô tuyên truyền ở các nơi công cộng, khu vực đông dân cư; in gần 10.000 tờ bướm, tờ rơi cấp phát cho đối tượng tham dự tuyên truyền với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.
Ngoài ra, các ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo còn lồng ghép tổ chức tuyên truyền được 502 cuộc, với gần 24.000 lượt người tham dự. Các huyện, thành, thị cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình huyện, thị, thành đưa nhiều tin, bài về công tác PCTNTT nói chung và phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo PCTNTT trẻ em tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định 234/QĐ-TTg ngày 5-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình PCTNTT trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Chương trình PCTNTT trẻ em trên địa bản tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;
Qua đó tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, các ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ và nhân dân về những nguyên nhân, tác hại của các loại tai nạn thương tích đối với trẻ em cũng như cách phòng chống;
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông tư vấn nhóm trực tiếp nhằm nâng cao kiến thức, vai trò, trách nhiệm và thay đổi hành vi của gia đình, cộng đồng xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới.
HOÀNG CHÂU