Thứ Hai, 13/06/2016, 14:17 (GMT+7)
.

Người "giữ lửa" làng nghề

Kinh tế thị trường mở rộng, nghề truyền thống nón bàng buông đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng họ vẫn cố bám nghề, góp phần cải thiện kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều người lúc nông nhàn và quan trọng là “giữ lửa” cho làng nghề truyền thống.
    
1. Đó là chị Tống Thị Tuyết Trâm, ngụ ấp Tân Phú 2, xã Tân Lý Đông, nhờ bám với nghề truyền thống nón bàng buông mà cuộc sống kinh tế gia đình đã khá lên, còn giúp cho nhiều hộ dân lúc nông nhàn có công ăn việc làm, nâng dần cuộc sống.

Chị Tống Thị Tuyết Trâm trong giờ lao động.
Chị Tống Thị Tuyết Trâm trong giờ lao động.

Là cư dân của một xã có truyền thống nghề bàng buông, lại ít đất sản xuất nên chị đã theo nghề đan nón bàng từ hơn 10 năm nay. Hiện chị đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 150 phụ nữ trong và ngoài xã. Chị Tuyết Trâm cho biết, cơ sở của chị không lớn, vốn ít nên chị dành dụm mua nguyên liệu về giao cho chị em đan nón, sau đó thu sản phẩm thô giao cho cơ sở chế biến khác.

Cũng theo chị, mỗi ngày chị thu về khoảng 1.000 nón bàng. Lúc này mỗi cái nón giá 6.200 đồng, trừ tiền nguyên liệu người đươn dư dược 4.000 đồng/cái. Người đươn dở mỗi ngày cũng được hơn 10 nón, còn người đươn giỏi thì hơn 20 nón. Như vậy, người đươn dở mỗi ngày cũng được 50 - 60 ngàn đồng, còn đươn giỏi mỗi ngày thu nhập 100.000 đồng.

Chị Lê Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lý Đông nhận xét:  Chị Tuyết Trâm tham gia sinh hoạt Hội đều đặn, biết giúp đỡ nhiều chị em nghèo gặp khó khăn; trong nhiều năm qua chị Trâm đã góp phần duy trì nghề bàng buông, đã tạo công ăn việc làm cho hơn 150 chị em thông qua nghề đan nón, góp phần giúp chị em nghèo tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên khá.

2. Người thứ hai là chị Lại Thị Hên, ngụ ấp Tân Lược, xã Tân Lý Đông đã gắn bó với nghề đến nay khoảng 20 năm. Chị là đầu mối sản xuất các mặt hàng như: Giỏ xách, đệm manh, nón và nhiều mẫu mã khác từ bàng và lá buông. Tham gia nghề đươn có trên 100 chị em, đa số là hội viên phụ nữ; người đươn giỏi thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.

Chị cho các chị em tạm ứng vốn, mỗi chị nhận 10 đôi bàng, trị giá từ 300.000 - 500.000 đồng. Khi thu hồi sản phẩm trừ vốn không tính lãi. Công việc sản xuất các mặt hàng ngày càng tăng, có lúc không đủ hàng giao cho các cơ sở. Hiện chị có hợp đồng  giao hàng với các  công ty lớn ở TP. Hồ Chí Minh như: Công ty Thảo Anh, Công ty BAROTEX.

Ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Tân Lý Đông cho biết, xã đang vận động chị Hên thành lập tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ nón bàng buông, để góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống của xã; đồng thời giúp xã hoàn tất tiêu chí số 13  để đi lên xã nông thôn mới vào năm 2018.

ANH TUẤN

.
.
.