Thứ Bảy, 09/07/2016, 17:14 (GMT+7)
.

Bạo lực trên cơ sở giới không còn đáng ngại

Tiền Giang là một trong những tỉnh, thành trong cả nước đạt thành tích tốt về công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới không còn là vấn đề đáng ngại trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN phường 1, TP. Mỹ Tho (bìa trái)  cùng cán bộ khu phố đến thăm hỏi 1 “Gia đình hạnh phúc”  sau khi gia đình này được can thiệp đã không còn xảy ra bạo lực.
Chị Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN phường 1, TP. Mỹ Tho (bìa trái) cùng cán bộ khu phố đến thăm hỏi 1 “Gia đình hạnh phúc” sau khi gia đình này được can thiệp đã không còn xảy ra bạo lực.

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được chính quyền địa phương quan tâm. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp và nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ; tổ chức hội thảo về bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, qua đó đề xuất với ngành chức năng giải pháp ngăn chặn, xử lý BLGĐ nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình; các đoàn thể thường xuyên đưa công tác   phòng, chống bạo hành gia đình vào nội dung sinh hoạt thường xuyên…

Từ những hoạt động trên đã khơi dậy trong cộng đồng ý thức chống phân biệt đối xử với phụ nữ, nâng cao ý thức về giới trong xây dựng và bảo vệ gia đình. Đặc biệt, tại các địa phương trong tỉnh đã tổ chức CLB Phòng, chống BLGĐ, góp phần hỗ trợ, tư vấn tâm lý, pháp lý kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực.

Mặt khác, việc thực hiện các mô hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình “Xây dựng nông thôn mới” và các mô hình của nhiều đoàn thể cũng đã tác động tích cực đến việc ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian qua.

Mô hình CLB “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” của phường 1, TP. Mỹ Tho đã phát huy hiệu quả tích cực. Hiện toàn phường có 6 CLB, với 36 thành viên. Ban Chỉ đạo mô hình thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định pháp luật về BĐG trong các tầng lớp nhân dân.

Cách tuyên truyền kiến thức pháp luật về BĐG tại phường 1 thường lồng ghép vào những buổi sinh hoạt khu phố, họp tổ của các đoàn thể; nội dung thông tin được chuyển tải đến người dân dưới hình thức hội thi, hái hoa dân chủ, diễn tiểu phẩm…, thu hút sự quan tâm của người nghe nhiều hơn và thấm sâu hơn trong suy nghĩ, hành động của từng người.

Thế nên, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình CLB “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” đã đạt được một số kết quả khả quan, đặc biệt là người dân đã nâng cao nhận thức, có tinh thần trách nhiệm trong việc phòng, chống BLGĐ, nhờ vậy tình trạng BLGĐ không còn xảy ra.

Bên cạnh hoạt động của CLB “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, trên địa bàn phường 1, TP. Mỹ Tho, “Địa chỉ tin cậy phòng, chống bạo lực gia đình” của Hội LHPN cũng hoạt động rất hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết:

“Theo chỉ đạo thì mỗi phường thành lập 1 “Địa chỉ tin cậy” nhưng do đặc thù là phường trung tâm của TP. Mỹ Tho nên phường 1 duy trì hoạt động của 2 “Địa chỉ tin cậy” và cả 2 đều hoạt động rất tốt. Địa chỉ thứ nhất là nhà của chị Thu Vân, Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố 2 tại Chợ Mỹ Tho.

Nhiều chị em trong phường và các phường lân cận bị bạo hành gia đình, nhưng vì e ngại tiếng thị phi nên nhân lúc đi chợ đã ghé nhờ chị Thu Vân tư vấn, hướng dẫn cách để giữ được gia đình êm ấm, không còn bị bạo hành. Địa chỉ thứ 2 là nhà cô Huỳnh Kim Hoa ở đường Lê Đại Hành, khu phố 5, không chỉ giúp chị em phụ nữ trong khu phố về tinh thần, cô Kim Hoa còn gầy dựng nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ về vật chất rất có ý nghĩa”.

Mô hình “Xây dựng và sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc BĐG” được triển khai hiệu quả tại nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tại những nơi này, các hương ước, quy ước của cộng đồng được xây dựng, sửa đổi trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc BĐG, trong đó lưu ý nội dung thay đổi quan điểm thích sinh con trai hơn con gái và phân biệt đối xử với con gái trong việc chia tài sản thừa kế…

Theo số liệu từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, khoảng 70% vụ việc BLGĐ được các cấp chính quyền địa phương, cơ sở phát hiện, trong đó 100% nạn nhân  bạo hành được hỗ trợ, tư vấn. Giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có 21 vụ BLGĐ bị đem ra xử lý về mức độ nghiêm trọng, trong đó đã khởi tố 4 vụ, xử lý hành chính 13 vụ, cảnh cáo và giáo dục 4 vụ.

Nhìn chung, trong thời gian qua, thông qua công tác phòng, chống BLGĐ, đã từng bước xóa bỏ BLGĐ trên cơ sở giới. Tuy nhiên, rải rác ở một số địa bàn trong tỉnh vẫn còn hiện tượng ngược đãi phụ nữ trong gia đình và xâm hại trẻ em gái, làm tổn hại tinh thần, thể chất, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái. Vì lẽ đó, vấn đề phòng, chống BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới cần được tiếp tục quan tâm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và những kết quả của tỉnh Tiền Giang trong công tác BĐG. Ông cũng nhấn mạnh:

Tiền Giang cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giới, BĐG, vì sự tiến bộ phụ nữ bằng nhiều hình thức để nâng cao hiểu biết của người dân trong công tác BĐG; cần kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện BĐG của từng địa phương, cơ sở trong tỉnh, qua đó có thể nhân rộng hoặc có hướng điều chỉnh cho phù hợp, để công tác BĐG được thực hiện ngày càng tốt hơn.

MAI HÀ

.
.
.