Thứ Hai, 04/07/2016, 15:56 (GMT+7)
.

Cái Bè: Thực hiện có hiệu quả công tác XĐGN và thoát nghèo bền vững

Để thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND huyện đề ra các giải pháp thích hợp thực tế địa phương và các nhóm hộ nghèo để đạt mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Ương cây giống ở xã Mỹ Lương cho thu nhập khá cao, giúp nông dân thoát nghèo.
Ương cây giống ở xã Mỹ Lương cho thu nhập khá cao, giúp nông dân thoát nghèo.

Theo Ban Chỉ đạo XĐGN huyện, điều kiện đầu tiên để công tác XĐGN đạt hiệu quả là nhờ vào chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo. Điều này đã và đang tạo động lực để hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, nâng dần mức sống gia đình, từng bước thoát nghèo.

Hàng năm, Ban chỉ đạo XĐGN huyện kịp thời tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện; đồng thời giao chỉ tiêu thoát nghèo cho các xã, thị trấn.

Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo huyện tập trung phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện chương trình giảm nghèo (CTGN), kế hoạch thoát nghèo của xã, thị trấn.

Trên cơ sở chỉ tiêu và nhiệm vụ công tác giảm nghèo được huyện giao, Ban chỉ đạo CTGN các xã, thị trấn lập kế hoạch và xây dựng phương án thoát nghèo cho từng hộ nghèo; có phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể, giúp đỡ các hộ nghèo như trợ giúp về vốn vay phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT), đào tạo nghề, việc làm…

Qua kết quả các đợt giám sát năm qua về thực hiện CTGN của các xã, thị trấn, việc triển khai thực hiện và lập phương án thoát nghèo cho hộ nghèo được các địa phương thực hiện tốt, đa số các hộ dự kiến thoát nghèo đều có thu nhập ổn định và có khả năng thoát nghèo bền vững.

Theo số liệu tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2010, toàn huyện có 9.392 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,14%. Đến nay giảm còn 6,01%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ năm 2011 đến nay là 7,13%, bình quân mỗi năm giảm gần 2%.

Được biết, Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể đã kết hợp ngành chức năng của huyện chuyển giao KHKT sản xuất nông nghiệp, giới thiệu các mô hình kinh tế có hiệu quả, tổ chức các lớp dạy nghề để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ở nông thôn...

Bên cạnh đó, những hộ nghèo được trợ vốn đã sử dụng đúng mục đích, định hướng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình, phát huy có hiệu quả nguồn vốn, nhờ đó góp phần thoát nghèo có hiệu quả. Kết quả đến cuối năm 2015, huyện Cái Bè có 1.330 hộ thoát nghèo, thực hiện chỉ tiêu đạt 106,4%.

Tại xã An Thái Đông, Ban chỉ đạo CTGN xã đã triển khai các biện pháp giúp các hộ thoát nghèo bằng cách cho vay vốn ưu đãi, chuyển giao KHKT để trồng cây ăn trái… Cụ thể, hộ ông Trần Văn Minh (sinh năm 1957, ngụ ấp An Lạc) trước đây nhà nghèo, con đông.

Nhờ chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi của xã và sự nỗ lực của gia đình, đến nay ông Minh đã thoát nghèo, con cái sau khi đi học, có việc làm ổn định. Hay hộ anh Nguyễn Văn  Lý (sinh năm 1969, ở ấp Thái Hòa) đã thoát nghèo nhờ áp dụng mô hình trồng mận An Phước từ chương trình khuyến nông của địa phương; hoặc hộ anh Trần Văn Tùng (sinh năm 1976, ở ấp Thái Hòa), trước không có đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn, giờ gia đình anh thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ chương trình hỗ trợ vốn xoay vòng để buôn bán tạp hóa.

Ở xã Hậu Mỹ Trinh, công tác XĐGN và thoát nghèo được cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ với phương châm “Đảng viên đi trước trong việc trồng lúa thơm là tiền đề cho XĐGN ở đây”. Đảng ủy xã triển khai kế hoạch XĐGN cho các hộ nghèo còn lại dựa vào việc vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, chuyển từ lúa thường sang trồng lúa thơm, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn.

Đảng ủy xã phân công đảng viên hỗ trợ cụ thể từng hộ nghèo và có báo cáo thường xuyên với Ban chỉ đạo XĐGN của xã. Kinh nghiệm của xã Hậu Mỹ Trinh là:

Trước tiên phải xác định rõ mục đích XĐGN cho các hộ nghèo nhằm giúp họ xóa mặc cảm và động viên, kêu gọi sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Sau đó, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi hộ mà các đảng viên phụ trách sẽ đề xuất giải pháp giúp đỡ hợp lý, như: Hỗ trợ vốn sản xuất, cây giống hoặc con giống, kỹ thuật canh tác lúa thơm.

Hộ anh Nguyễn Văn Thạnh, bộ đội phục viên, không ruộng đất, làm ăn thua lỗ. Nhờ sự hỗ trợ vốn của xã, sự quan tâm giúp đỡ của các đảng viên trong ấp, cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định, thoát nghèo…

Đặc biệt, Ban chỉ đạo XĐGN huyện kết hợp Trung tâm dạy nghề huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức khai giảng các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn thuộc các ngành nghề: Kỹ thuật điện dân dụng; kỹ thuật chăn nuôi heo, bò; kỹ thuật may công nghiệp, sửa chữa máy nổ, kỹ thuật trồng cây lương thực, cây ăn quả…

Theo thống kê của UBND huyện, từ năm 2010 đến nay đã mở 170 lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với 4.905 học viên, trong đó có 1.018 học viên thuộc diện hộ nghèo. Qua khảo sát, đánh giá thực tế có 90% học viên sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp cho hộ nghèo chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo thống kê, năm 2014, theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tổng dư nợ các chương trình vay vốn hơn 237 tỷ đồng với 27.706 lượt hộ vay, trong đó có chương trình vay vốn ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo… 

Theo nhận định của Ủy ban MTTQ tỉnh trong hội thảo “Thoát nghèo bền vững”, mô hình thoát nghèo bền vững của huyện Cái Bè đạt hiệu quả là nhờ vào sự cộng đồng trách nhiệm của hệ thống chính trị, phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội, thực hiện chế độ ưu đãi đối với hộ nghèo đồng bộ với việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Phương án thoát nghèo của địa phương phù hợp nhu cầu từng nhóm hộ và thực tế địa phương nên tránh lãng phí vốn XĐGN; đồng thời phát huy được nỗ lực thoát nghèo của hộ nghèo. Ông Lê Văn Ý, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo XĐGN huyện cho biết:

Điều quan trọng trong công tác XĐGN là địa phương cần phân công cán bộ, đoàn thể cho thật phù hợp để làm kế hoạch và giám sát thực hiện kế hoạch thoát nghèo cho hộ và hội viên đoàn thể mình có hiệu quả. Đặc biệt là phải vận động người thân của hộ nghèo tham gia giúp đỡ hộ nghèo vượt lên, có như thế thì công tác XĐGN mới đạt hiệu quả.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo XĐGN huyện tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện chính sách giảm nghèo cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo; thực hiện có hiệu quả các hoạt động của chương trình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo và thoát nghèo bền vững.

Tập trung các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo ở cơ sở, có kế hoạch thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện phương án thoát nghèo cho hộ nghèo, chú ý các biện pháp hỗ trợ hộ nghèo phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ nghèo; phân công cụ thể các ban, ngành, thành viên Ban chỉ đạo XĐGN để hỗ trợ, giám sát việc thực hiện phương án thoát nghèo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện.

NGUYỄN HỮU

.
.
.