Thứ Hai, 11/07/2016, 10:29 (GMT+7)
.

Lùm xùm chuyện chụp ảnh làm Sổ vàng ghi công ở huyện Châu Thành

Sáng 2-7, hàng trăm đối tượng chính sách của xã Kim Sơn, huyện Châu Thành được mời đến trụ sở UBND xã để chụp ảnh làm Sổ vàng ghi công theo thư mời của Chủ tịch UBND xã. Sau một ngày hối hả vừa chụp ảnh vừa ghi chép thông tin cá nhân của người có công, nhóm người chụp ảnh này đã bị Công an huyện Châu Thành đến buộc ngưng hoạt động và mời về trụ sở Công an xã Kim Sơn làm việc. Sự việc diễn ra trong sự ngỡ ngàng của những người có công đã chầu chực cả ngày để được chụp ảnh và kê khai thành tích.

Mẫu ghi danh tự chế của Công ty Tường Vy.
Mẫu ghi danh tự chế của Công ty Tường Vy.

TRỤC LỢI TỪ CHÍNH SÁCH?

Ngày 28-5, Công ty TNHH sản xuất - gia công may mặc Tường Vy (có trụ sở tại số 33, đường Trần Hưng Đạo, phường Hiệp Phú, quận 9, TP. Hồ Chí Minh, gọi tắt là Công ty Tường Vy) gửi công văn đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành xin phép được thực hiện hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Cụ thể, công ty này xin phép được chụp ảnh và ghi thành tích những người có công trên địa bàn toàn huyện Châu Thành để in Sổ vàng ghi công kèm tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống.

Ngày 31-5, Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành đã gửi công văn đến UBND huyện xin chủ trương và được ông Lý Hoàng Chiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện thống nhất tại Công văn 1368/UBND-VX ngày 20-6-2016.

Đến ngày 27-6, Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành gửi Công văn 272/LĐ-TBXH đến tất cả 23 xã, thị trấn trong toàn huyện, yêu cầu UBND các xã tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp để Công ty Tường Vy làm việc “Đền ơn đáp nghĩa” (công văn này đính kèm lịch làm việc của Công ty Tường Vy tại các xã, thị trấn, bắt đầu từ ngày 2-7 và kết thúc vào ngày 24-7). Có công văn của UBND huyện và Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành làm “lệnh bài”, nhóm người của Công ty Tường Vy bắt tay thực hiện.

Cuối tháng 6-2016, 615 đối tượng chính sách gồm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ, cựu chiến binh, những người được thưởng huân chương, huy chương, nạn nhân chất độc da cam/dioxin... nhận thư mời của UBND xã Kim Sơn đến trụ sở các ấp dự “Hội nghị chụp ảnh, lập Sổ vàng vinh danh (miễn phí 100%) vào ngày 2-7-2016.

Tuy nhiên, khi đến nơi, nhiều người ngỡ ngàng vì được người của Công ty Tường Vy chụp ảnh rồi vận động làm Bảng “Mãi mãi ghi danh người có công với cách mạng”, “Mãi mãi ghi danh gia đình liệt sĩ” với giá từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng và chỉ thu tiền khi giao ảnh. Đặc biệt, ai đồng ý làm bảng vinh danh có quyền khai chức vụ, cấp bậc, thành tích của mình thoải mái mà không cần bất kỳ một sự kiểm chứng nào về tính chính xác cả.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng ấp Mỹ, xã Kim Sơn cho biết: “Tôi ghi thơ gửi đến 200 đối tượng chính sách của ấp theo chỉ đạo của UBND xã. Đến ngày chụp hình có 143 người đi, trong đó hơn 2/3 số người đi dự đã đăng ký làm bảng vàng. Theo tôi, bảng vàng này chỉ có giá trị lưu niệm như một tấm ảnh bình thường thôi, còn giá trị ghi công thì không có, vì đây là mẫu tự chế của công ty, không có cơ quan thẩm quyền nào ký tên, đóng dấu xác nhận cả…”.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Công ty Tường Vy có sử dụng chiêu trò lợi dụng chủ trương, chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước, uy tín và sự chủ quan của cơ quan chức năng huyện Châu Thành tạo điều kiện cho họ thực hiện chiêu trò của mình? - câu hỏi này được nhiều đối tượng chính sách đặt ra.

Thương binh Phạm Thanh Tùng, nguyên Chủ nhiệm Thanh tra Nhà nước huyện Châu Thành bức xúc: “Nếu quy kết nhóm người của Công ty Tường Vy lừa đảo là chưa chính xác, bởi vì nhóm người này vận động bà con làm bảng vàng, ai đồng ý thì họ mới thực hiện và họ cũng chưa hề nhận tiền của ai. Giá cả họ đưa ra cũng không quá đắt. Chuyện họ có làm sổ vàng tặng hay không thì chưa kết luận được vì sự việc đã bị ngăn chặn.

Cái sai của họ là đã ghi cấp bậc, thành tích của người có công theo ý cá nhân của người đăng ký mà không có sự kiểm chứng độ tin cậy của cơ quan chức năng. Chúng tôi nhận được thư mời của UBND xã và đã chấp hành. Còn UBND xã thì chấp hành theo lệnh của UBND huyện. Vì lẽ đó, thiết nghĩ, người cấp phép cho hoạt động này phải chịu trách nhiệm nặng nhất nếu công ty này có hành vi trục lợi”.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, nguyên cán bộ  Quân đội về hưu cho biết: “Nhà tôi nhận cả thảy 3 thơ mời (tôi, vợ và con tôi đều thuộc đối tượng chính sách). Nhận thư mời của UBND xã ra chụp ảnh và kê khai thành tích ghi vào Sổ vàng vinh danh người có công là điều phấn khởi của những người có công. Khi chụp ảnh xong, nhóm người chụp ảnh vận động làm Bảng ghi danh nhưng họ không ép buộc. Giá cả có nhỉn hơn ở tiệm ảnh nhưng không đáng kể, như vậy cũng hợp lý.

Khi nhóm người chụp ảnh bị Công an mời về trụ sở làm việc, tôi đâm ra thắc mắc: Chính quyền có biết họ lừa đảo? Chúng tôi tin tưởng và chấp hành theo thư mời của chính quyền, nếu đây là chuyện lừa đảo thì chính quyền phải chịu trách nhiệm trước dân và cơ quan chức năng có biện pháp xử lý Công ty Tường Vy…”.

Trước phản ánh của nhân dân, ngày 2-7, ông Trần Hữu Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành ký công văn khẩn gửi Phòng LĐ-TB&XH, Công an huyện, UBND các xã, thị trấn trong huyện Châu Thành và Công ty Tường Vy về việc tạm ngưng hoạt động tặng quà và lập Sổ vàng truyền thống trên địa bàn huyện.

MAI HÀ - NGUYỄN VINH

.
.
.