Thứ Sáu, 15/07/2016, 10:35 (GMT+7)
.

Những "mái ấm" của trẻ mồ côi, không nơi nương tựa

Nhiều trẻ em vừa sinh ra đã phải gánh chịu thiệt thòi vì không được hưởng hơi ấm tình thương từ đấng sinh thành. Lớn lên từ tình thương yêu của những người xung quanh, nhiều trẻ mồ côi đã nên người hữu ích. Đó là niềm vui của những người giàu lòng từ tâm chốn cửa thiền, là hạnh phúc của các cán bộ, nhân viên công tác tại các cơ sở bảo trợ xã hội và của những trái tim yêu trẻ trong cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc các trẻ bị bỏ rơi.
Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc các trẻ bị bỏ rơi.

Hiện Tiền Giang có 3 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có quy mô lớn là: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (gọi tắt là Trung tâm), Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Kim Phước và chùa Tịnh Nghiêm. Ngoài ra, còn có gần 400 gia đình, tổ chức, cơ sở tôn giáo cảm thương hoàn cảnh của những đứa trẻ côi cút đã nhận các em về nuôi dưỡng, chăm sóc và nhiều em đã hòa nhập với cộng đồng.

Trung tâm Công tác xã hội là đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa, trẻ em bị xâm hại... Ông Lê Văn Chính, Giám đốc Trung tâm cho biết:

“Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho hơn chục trẻ em bị bỏ rơi và mồ côi. Trẻ em đến tuổi đi học đều được đưa đến học tại các trường trên địa bàn. Trung tâm còn trợ cấp, nuôi dưỡng và tạo điều kiện để các trẻ mồ côi, cơ nhỡ được tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, được hỗ trợ giới thiệu việc làm, để khi hòa nhập cộng đồng các em có cuộc sống ổn định.

Những năm gần đây, thực hiện quy định của Nhà nước, đối tượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được giải quyết cho gia đình nuôi thay thế. Những gia đình mà Trung tâm chọn gửi gắm các em đều được Trung tâm tìm hiểu kỹ về nhân thân cha mẹ nuôi cũng như điều kiện kinh tế đảm bảo đủ khả năng nuôi dưỡng bé.

Sau khi chuyển bé cho gia đình nuôi thay thế, Trung tâm có sự giám sát kỹ. Qua giám sát, các em được cha mẹ nuôi chăm sóc, yêu thương và không phát hiện trường hợp nào bị ngược đãi hay xâm hại....”.

Cùng với chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, cánh cửa chùa cũng rộng mở đón các em nhỏ bơ vơ. Chùa Tịnh Nghiêm (tọa lạc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) là một trong những nơi như vậy. Từ lúc lập chùa năm 1982 đến nay, có trên 20 trẻ em bị bỏ rơi được chùa nuôi nấng, trưởng thành bằng tình thương và sự từ tâm của các sư cô.

Tất cả trẻ mồ côi, bị bỏ rơi do chùa nuôi dưỡng đều được đến lớp như bao trẻ em cùng trang lứa. Theo quy định của chùa, khi đủ 18 tuổi, các em được phép rời chùa trở về cộng đồng nếu không muốn xuất gia. Từ sự chăm sóc, dạy bảo của các sư cô, nhiều em đã lớn khôn, trưởng thành và thành đạt trong xã hội.

Mái ấm Kim Phước là cơ sở bảo trợ xã hội được chùa Kim Phước (tọa lạc ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy) lập cách nay gần 10 năm. Việc thành lập mái ấm này xuất phát từ cái tâm của Đại đức Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa. Cảm thương các cụ neo đơn không nơi nương tựa, sư thầy đón các cụ về chăm sóc, phụng dưỡng.

Tiếng lành đồn xa, đối tượng đến xin nương nhờ cửa chùa ngày càng nhiều. Thế rồi, cách nay 4 năm, chùa lại đón nhận thêm những trẻ em bị bỏ rơi. Tháng 7-2012, mái ấm này được UBND huyện Cai Lậy cấp phép hoạt động, với tên “Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Kim Phước”. Hiện tại, mái ấm này đang nuôi dưỡng hàng chục người già và trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi.

Các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh luôn cố gắng bù đắp cho những trẻ em thiếu  tình thương của gia đình, giúp các em vượt qua mặc cảm mồ côi, bị bỏ rơi mà nỗ lực vươn lên với đời. Đã có rất nhiều em trưởng thành và tìm thấy hạnh phúc từ sự yêu thương của cộng đồng và nghị lực của chính bản thân.

THỦY HÀ

.
.
.