Thứ Sáu, 08/07/2016, 12:03 (GMT+7)
.

Nỗi lo sạt lở

Mất đường, sụp nhà, vườn cây ăn trái thu hẹp dần đang diễn ra ở nhiều khu vực ven kinh, rạch phía Tây của tỉnh. Dù hàng năm, tỉnh và các địa phương nỗ lực xử lý nhưng tình trạng sạt lở ở các khu vực này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Sạt lở làm mất đường đan và cổng, hàng rào của trụ sở UBND xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè).
Sạt lở làm mất đường đan và cổng, hàng rào của trụ sở UBND xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè).

ĐƯỜNG, NHÀ BIẾN MẤT TRONG 1 ĐÊM

Đã hơn 1 tháng qua, người dân xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) không thể vào UBND xã qua cổng chính. Nguyên nhân là do nơi đây đã bị sạt lở rất nghiêm trọng làm mất đường đan cùng với cổng, hàng rào của UBND xã.

Chị Nguyễn Thanh Lan, người dân sống nơi đây cho biết, trước đó mặt đường đang bình thường không có dấu hiệu bị nứt hay lún, phía ngoài đường đan còn có bờ kè, vậy mà tự dưng chỉ trong 1 đêm đoạn đường và bờ kè bị sạt mất. Giờ đây, người dân bên đây đường muốn qua phía bên kia phải đi vòng ra lộ lớn. Nếu không xử lý sớm, nơi đây sẽ còn có thể tiếp tục sạt lở nữa.

Chúng tôi đến UBND xã Đông Hòa Hiệp và được ông Dương Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, điểm sạt lở trước cửa UBND xã xảy ra vào tối 26-5. Lúc đầu, sạt lở chỉ làm mất đường, sau đó sạt tiếp vào phía trong làm mất cổng và hàng rào UBND xã với chiều dài khoảng 70 m, chiều sâu từ 5 - 15 m.

Cũng theo ông Phương, không chỉ có điểm sạt lở trước cửa UBND xã, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 5 điểm sạt lở (ấp An Lợi 2 điểm, An Thạnh 3 điểm). Trong đó, điểm sạt lở xảy ra gần nhất vào đêm 24-6 tại ấp An Thạnh dài 15 m, sâu 8 m, làm mất 3 căn nhà.

Tìm đến điểm sạt lở trên, trước mắt chúng tôi là cây cầu dã chiến bằng cây được bắt tạm phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân sau khi xảy ra sạt lở làm mất đoạn đường đan này. Nguy cơ sạt lở ở khu vực này vẫn còn rất cao do nhiều nơi xuất hiện dạng hàm ếch.

“Sạt lở đã làm cho 3 căn nhà phía trước và 1 phần trại cây của tôi bị đổ sụp xuống kinh. Hiện nay, chúng tôi rất lo lắng không biết bao giờ sạt lở xảy ra nữa và sạt lở đến đâu” - chị Nguyễn Thị Ngọc Hương cho biết.

Chúng tôi đi tiếp về huyện Cai Lậy, nơi cũng đang báo động về tình trạng sạt lở. Ghé vào xã Long Trung, anh cán bộ xã phụ trách thủy lợi cho biết, trên địa bàn xã sạt lở nhiều nhất xảy ra dọc bờ rạch Trà Tân.

Chỉ trên đoạn kinh qua xã có đến 4 điểm sạt lở lớn và nhiều điểm đang có nguy cơ sạt lở cao. Có một điều quan tâm nữa là sạt lở ở khu vực phía Tây thường xảy ra nhiều vào mùa mưa thì ở khu vực rạch Trà Tân sạt lở xảy ra ngay cả trong mùa khô, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Anh Phan Văn Nghĩa, ngụ ấp 12, xã Long Trung bày tỏ: “Trước khi làm mất đường đan trước nhà như hiện nay, cách đó khoảng 1 tháng, sạt lở đã “ăn” vào tới mép đường đan. Do không xử lý kịp thời nên đến nay sạt lở tiếp về phía trong làm mất đường đan luôn. Những ngày qua, mưa nhiều làm cho người dân đi lại rất khó khăn”.

Sạt lở làm mất đường đan tại xã Long Trung (huyện Cai Lậy).
Sạt lở làm mất đường đan tại xã Long Trung (huyện Cai Lậy).

HÀNG TỶ ĐỒNG ĐỂ XỬ LÝ KHẨN CẤP

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện Cái Bè, qua khảo sát sạt lở của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, Trạm Thủy nông và UBND các xã, tính đến cuối tháng 6, trên địa bàn huyện có 26 điểm sạt lở lớn, kinh phí xử lý trên 7,4 tỷ đồng và 1 điểm sạt lở rất nghiêm trọng trước UBND xã Đông Hòa Hiệp.

Còn theo Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, 6 tháng qua, huyện đã xảy ra 15 điểm sạt lở ở các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên, Phú An cần xử lý khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và kết hợp ngăn lũ, triều cường trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong đó có 6 điểm sạt lở lớn, các ngành tỉnh đã khảo sát và thống nhất đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý cấp bách ước khoảng 2,7 tỷ đồng; 9 điểm còn lại, huyện sẽ xử lý với kinh phí ước khoảng 1,7 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, hiện trên địa bàn huyện đang phát sinh thêm 7 điểm sạt lở mới ở các xã Mỹ Long, Long Tiên, Tam Bình, Long Trung, Phòng NN&PTNT huyện đang khảo sát và đề xuất UBND huyện xem xét.

Không “chịu kém” các địa phương bạn, do mưa lớn kéo dài, thời gian qua, trên địa bàn huyện Châu Thành đã xảy ra 17 điểm sạt lở ở 9 xã với chiều dài trên 362 m. Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) huyện, các đoạn sạt lở trên đã làm mất một đoạn bờ bao gây mất khả năng bảo vệ khoảng 500 hộ dân và 200 ha vườn cây ăn trái.

Nếu không xử lý kịp thời, các điểm sạt lở trên có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân. Chính vì thế, cuối tháng 6 vừa qua, Châu Thành đã đề nghị tỉnh hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng để xử lý 4 điểm sạt lở lớn trên địa bàn.

Sạt lở làm mất đường đan tại xã Long Trung (huyện Cai Lậy).
Sạt lở làm mất nhà, đường đan ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp.

Có nhiều nguyên nhân gây sạt lở ven kinh, rạch phía Tây như thay đổi dòng chảy, hành lang bảo vệ đê không đảm bảo, đê xuống cấp, hoạt động của các phương tiện thủy… Để phòng, xử lý sạt lở, tỉnh đã phân cấp cho các địa phương theo hướng tỉnh xử lý những điểm sạt lở lớn, cấp huyện và xã chủ động xử lý những điểm sạt lở vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, do hàng năm số điểm sạt lở, tái sạt lở xảy ra rất nhiều trong khi nguồn kinh phí hạn chế nên sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp. Tìm giải pháp trong phòng, chống, xử lý sạt lở, tỉnh đã tổ chức các cuộc hội thảo nhưng đến nay vẫn chưa tìm được biện pháp hiệu quả. Xem ra người dân sống ven kinh, rạch phía Tây của tỉnh vẫn tiếp tục sống trong thắc thỏm về sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ như hiện nay.

TÂN PHÚ

Đêm 27 rạng sáng 28-6 tại khu vực ấp 3B, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho (gần đoạn đường lộ Dừa Bị) đã xảy ra sạt lở làm chia cắt giao thông tuyến đê rạch Bảo Định.

Theo khảo sát, đoạn đê sạt lở theo kiểu hàm ếch, dài khoảng 20 m, ngang 10 m và sâu 4 m. Tuyến đường giao thông liên ấp 3B bị cắt đứt hoàn toàn. Trong thời gian chờ chủ trương xử lý của UBND tỉnh, Thường trực BCH PCTT & TKCN tỉnh yêu cầu địa phương khẩn trương tổ chức cấm biển báo không cho phương tiện giao thông di chuyển vào khu vực sạt lở, vận động những nhà dân xung quanh gần điểm sạt lở chủ động di dời đến nơi an toàn.

Theo đánh giá, nguyên nhân chính gây ra sạt lở nghiêm trọng trước UBND xã Đông Hòa Hiệp là do vị trí sạt lở nằm ngay đoạn cong của dòng sông, nước chảy xiết và sau những cơn mưa đầu mùa kết hợp với sóng từ các phương tiện vận tải thủy tác động vào bờ gây ra sạt lở.

Trước tình trạng sạt lở làm mất đường, hàng rào trước cổng UBND xã Đông Hòa Hiệp, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực, đặc biệt là nguy hiểm đến tính mạng của người dân, các ngành chức năng của tỉnh, huyện và đơn vị chuyên môn đang tìm giải pháp xử lý. Theo ước tính sơ bộ, kinh phí xử lý điểm sạt lở trên từ 4 - 5 tỷ đồng.

 

 

.
.
.