Thứ Tư, 10/08/2016, 17:09 (GMT+7)
.

Chị Đỗ Thị Khuyên: Vượt lên chính mình

Tuy thân hình nhỏ bé và đôi chân không tự nhấc lên được, nhưng chị Đỗ Thị Khuyên - nạn nhân chất độc da cam ở xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy đã nỗ lực vượt lên chính mình. Chị chọn “đường đua xanh” để tìm niềm vui, vượt qua nghịch cảnh và đã sở hữu nhiều tấm huy chương môn bơi lội dành cho người khuyết tật.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em; bản thân chị Khuyên bị di chứng của chất độc da cam, không đi đứng được, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân. Thấy bạn bè tung tăng cắp sách đến trường, còn mình đến trường trên lưng của chú, của cô..., nên Khuyên đành phải bỏ dở chuyện học hành để giảm bớt gánh nặng cho người thân.

VĐV Đỗ Thị Khuyên (bên trái) nhận Huy chương Bạc môn bơi lội tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, diễn ra vào tháng 7 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.
VĐV Đỗ Thị Khuyên (bên trái) nhận Huy chương Bạc môn bơi lội tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, diễn ra vào tháng 7 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.

Bước ngoặt mở ra với cuộc đời Khuyên khi chị nghe trên radio về tấm gương của một nạn nhân chất độc da cam đã vượt lên số phận bằng việc bơi lội. Được sự động viên của bạn bè và sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Nguyễn Thị Minh Lý, vận động viên (VĐV) bơi lội khuyết tật, quê xã Tân Hội, TX. Cai Lậy, sinh sống tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, đã tiếp sức, đưa chị đến với môn bơi lội và đã trở thành 1 trong 2 nghề mưu sinh của chị Khuyên.

Chị Minh Lý tâm sự: “Gặp người đồng cảnh ngộ nên tôi cảm thương vô cùng. Ban đầu, do bản thân di chuyển khó khăn nên tôi nhờ chồng đến tận nhà để động viên Khuyên lên TP. Hồ Chí Minh tập bơi, nhưng Khuyên không đồng ý, do chưa tin tưởng. Tôi phải đích thân đến gặp, động viên, Khuyên mới chịu đi tập bơi. Hàng năm, cứ mỗi mùa thi đấu đến, Khuyên từ quê lên TP. Hồ Chí Minh cùng tôi đi bơi và đã chinh phục các giải thi đấu dành cho người khuyết tật”.

Tham gia trong CLB Bơi lội dành cho người khuyết tật, Khuyên đã gặp, nên duyên với một thanh niên cùng cảnh ngộ, quê tỉnh Sóc Trăng và một bé gái chào đời. Hạnh phúc những tưởng sẽ bền chặt, nào ngờ người chồng lặng lẽ ra đi khi đứa con còn thơ dại, để lại cho Khuyên tiếng ru lạc lõng, với biết bao nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền nặng oằn vai. Hàng ngày, nhìn con thơ cười đùa mà lòng Khuyên lại nhói đau, vết thương lòng dù đã nhiều năm nhưng vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Thương con thơ, nén muộn phiền, mỗi mùa thi đấu trôi qua, chị Khuyên lại trở về quê và làm quen với công việc may giỏ xách gia công để nuôi thân và nuôi con. Tỉ mỉ với từng đường kim mũi chỉ, nhưng do chiếc bàn máy cũ kỹ đã làm không ít lần đứt chỉ, chùn dây khiến những đường chỉ may lỗi nhịp, nhưng người thợ khuyết tật này vẫn bền bĩ.

Chị Khuyên bộc bạch: “Niềm vui và hy vọng lớn nhất của tôi bây giờ là đứa con. Con không có cha đã là một thua thiệt, vì vậy tôi phải cố gắng vượt lên chính mình để con vơi bớt mặc cảm, thiệt thòi…”.

Hiện tại, mỗi ngày chị may được khoảng 50 giỏ xách, tiền công bình quân chỉ 20.000 đồng; cộng với 270.000 đồng tiền trợ cấp mỗi tháng, nếu không có tiền thưởng trong các lần thi bơi thì mẹ con chị không đủ đắp đổi qua ngày. Thông cảm trước hoàn cảnh của chị, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động Công đoàn Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tặng chị ngôi  nhà tình thương.

Kỷ niệm khó phai với chị Khuyên là lần đầu tiên tham gia Đại hội Thể dục - thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc và đã giành được 3 Huy chương Vàng. Tính đến nay, 7 lần tham gia Đại hội Thể dục - thể thao dành cho người khuyết tật, VĐV Đỗ Thị Khuyên đã giành hơn 20 Huy chương các loại. Bao giọt mồ hôi đã đổ xuống càng minh chứng cho ý chí mạnh mẽ, quyết tâm vượt gian nan của VĐV khuyết tật này.

Chị Khuyên bộc bạch: “Ở trên bờ, tôi là người có khiếm khuyết về cơ thể, nhưng khi xuống nước là tôi cố gắng để không thua kém bạn bè, mang về những tấm huy chương làm quà cho con gái và để đền đáp công ơn dạy dỗ, giúp đỡ của vợ chồng chị Lý”.

Có thể nói, điều mà chị làm được đã khiến nhiều người lành lặn phải nghiêng mình nể phục.

MINH TOÀN

.
.
.