Thứ Hai, 08/08/2016, 10:54 (GMT+7)
.

Nhà cổ Gò Công: Dinh Tỉnh trưởng xuống cấp nghiêm trọng

Dinh Chánh Tham biện (dinh Tỉnh trưởng) là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên khi Pháp chiếm Gò Công, nằm ngay trung tâm TX. Gò Công hiện nay. Dinh có 1 trệt, 1 lầu. Vật liệu chủ yếu của công trình đồ sộ này là gạch, xi măng, thép, ngói.

Các giàn đà và kèo đều bằng thép chữ I, tường dày 45 cm. Hệ thống cửa ra vào và cửa sổ đều to lớn và chắc chắn. Dinh nằm giữa một khuôn viên rộng rãi và thoáng mát. Năm 2008, một phần mái ngói đã được lợp lại để chống dột. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là theo thời gian dinh Tỉnh trưởng hiện nay xuống cấp rất nghiêm trọng và cần số kinh phí lớn để duy tu, bảo tồn.

Toàn cảnh dinh Tỉnh trưởng.
Toàn cảnh dinh Tỉnh trưởng.

Cách đây ít lâu, chúng tôi đã tìm về Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc (ấp Gò Tre, xã Long Thuận, TX. Gò Công), người chuyên nghiên cứu về TX. Gò Công để tìm hiểu thêm về dinh Tỉnh trưởng và được biết rằng, dinh Tỉnh trưởng được Pháp xây cất bằng gạch ngói chở từ chính quốc sang. Đây là dinh thự đồ sộ đầu tiên ở Nam kỳ (trừ Sài Gòn), theo kiến trúc dân quyền do người Pháp xây dựng và làm trụ sở làm việc của người Pháp, bắt đầu xây dựng từ năm 1885 và xây xong vài năm sau.

“Năm 1985 tôi có dịch một văn bản (UBND huyện Gò Công Đông nhờ dịch) do Cộng hòa Pháp gửi cho nhà chức trách tỉnh Gò Công cũ yêu cầu ngưng sử dụng dinh thự này, vì dinh thự khi xây cất Sở Tạo Tác (thuộc Bộ Hải quân Pháp) dự trù sử dụng 100 năm” - Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc cho biết thời điểm xây dựng dinh Tỉnh trưởng.

Ông cũng cho biết thêm, ở Gò Công có rất nhiều dinh thự và nhà do Pháp xây dựng nhưng duy nhất chỉ có dinh Tỉnh trưởng thì Pháp báo cho chính quyền Gò Công.

Bên ngoài dinh Tỉnh trưởng bị bong tróc, nứt nẻ.
Bên ngoài dinh Tỉnh trưởng bị bong tróc, nứt nẻ.

Trải qua hơn 130 năm, có rất nhiều sự kiện lịch sử, dấu mốc gắn liền với dinh Tỉnh trưởng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi xây dựng đến đầu những năm 1940 trải qua mấy đời tỉnh trưởng người Việt làm việc ở dinh. Năm 1944, tỉnh Gò Công chỉ có 2 viên chức người Pháp là Chánh Tham biện Repion và viên cò Lefort, còn lại là người Việt.

Ngày 9-3-1945, quân đội Nhật đứng ra đảo chính lật đổ chính quyền Pháp, riêng các tỉnh thì tỉnh trưởng người Việt lên thay. Tại tỉnh Gò Công lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Hải thay Chánh Tham biện Repion do sự thỏa thuận của chính quyền Sài Gòn và sau đó là ông Trần Hưng Ký.

Ngày 23-8-1945, quân dân ta đứng lên giành chính quyền, tỉnh trưởng Trần Hưng Ký xin giao chính quyền lại cho đồng chí Nguyễn Văn Côn và Lê Văn Philip. Dinh Tỉnh trưởng lúc bấy giờ là trụ sở của cơ quan Đảng và chính quyền cách mạng.

Sáng 26-10-1945, lực lượng bộ binh, pháo binh của Pháp tiến vào Gò Công chiếm lại dinh và hoạt động cho đến năm 1950. Trong giai đoạn này, 3 cuộc hội chợ lớn vào năm 1938, năm 1940 và năm 1942 được tổ chức trong khuôn viên rộng rãi của dinh Tỉnh trưởng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, dinh Tỉnh trưởng vẫn được dùng làm trụ sở chỉ huy của các quận trưởng và tỉnh trưởng Gò Công. Đến 18 giờ ngày 30-4-1975, ta vào chiếm dinh Tỉnh trưởng làm trụ sở của Tỉnh ủy Gò Công. Đến tháng 4-1976, nhập tỉnh Gò Công với TP. Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang, Gò Công trở thành huyện, cơ quan Huyện ủy Gò Công vẫn đóng tại dinh Tỉnh trưởng.

Tháng 4-1979, huyện Gò Công chia thành 2 huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây. Cơ quan Huyện ủy Gò Công Đông vẫn lấy dinh Tỉnh trưởng làm trụ sở của cơ quan Huyện ủy cho tới khi trụ sở Huyện ủy Gò Công Đông ở Tân Hòa được xây xong. Khi dinh Tỉnh trưởng tròn 100 tuổi thì được tạm ngưng sử dụng làm cơ quan và hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.

THẾ ANH

.
.
.