Cộng đồng xã hội ngày càng thấu hiểu và chia sẻ với NNCĐDC
Ngày 10-8-1961 là ngày đầu tiên quân đội Mỹ thực hiện phi vụ phun rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, đã gây ra thảm họa da cam cho 4,8 triệu nhân dân Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) tỉnh (gọi tắt là Tỉnh hội) về những kết quả đạt được của Hội sau 11 năm hình thành và hoạt động.
Thăm hỏi, tặng quà 1 gia đình bị nhiễm CĐDC trên địa bàn xã Điềm Hy, huyện Châu Thành. |
* PV: Từ khi thành lập đến nay, công tác giúp đỡ nạn nhân CĐDC của Tỉnh hội đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
* Ông Lê Quốc Bảo: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiền Giang nằm trong vùng bị tàn phá nặng nề bởi chất độc hóa học, làm 10.185 người trở thành nạn nhân của CĐDC. Trước thực trạng trên, ngày 21-4-2005, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang được thành lập.
Từ đó, hệ thống tổ chức hội từ cấp huyện đến cấp xã lần lượt được hình thành, đi vào hoạt động, chăm lo, giúp đỡ kịp thời các nạn nhân CĐDC. Đến nay, cấp huyện chỉ còn khuyết TX. Cai Lậy, cấp xã đã thành lập hội ở 152 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có 424 chi hội ấp, khu phố, với tổng số hội viên toàn tỉnh là 10.252 người.
Với tinh thần tất cả vì nạn nhân, các cấp hội đã chủ động thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác vận động nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân. Hơn 10 năm qua, các cấp hội đã vận động tặng 72.121 suất quà; 707 xe lăn, xe lắc; xây dựng 382 nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trợ vốn sản xuất cho 204 hộ; cấp 185 suất học bổng; trợ cấp thường xuyên cho 566 nạn nhân và tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho hàng chục ngàn người, với tổng kinh phí 45.699.952.310 đồng. Qua đó cho thấy, cộng đồng xã hội ngày càng thấu hiểu và chia sẻ với những mất mát mà nạn nhân CĐDC phải gánh chịu bằng nhiều hành động giúp đỡ thiết thực.
Ngoài công tác vận động giúp đỡ nạn nhân, Hội còn phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, Hội Cựu chiến binh ở cơ sở theo dõi, khắc phục những tồn tại trong việc giải quyết chính sách đối với nạn nhân CĐDC.
Công tác tuyên truyền của Hội được thực hiện thường xuyên bằng hình thức lồng ghép với các cuộc sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt tổ nhân dân tự quản…
Qua đó, đem kiến thức về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên và nạn nhân; giúp nạn nhân hiểu hậu quả của CĐHH đối với con người và môi trường; hiểu về cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân CĐDC… Thông qua tuyên truyền còn làm chuyển biến nhận thức xã hội, làm thay đổi tình cảm của cộng đồng trong việc đóng góp, hỗ trợ nạn nhân CĐDC.
Phong trào thi đua “Vì nạn nhân CĐDC” với 5 nội dung, được thực hiện thống nhất ở các cấp hội, nhờ vậy nạn nhân được chăm lo giúp đỡ nhiều hơn. Qua gần 11 năm hoạt động, các cấp hội đã nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh.
Riêng Tỉnh hội vừa được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III, cá nhân Chủ tịch Tỉnh hội được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Tính chung, 11 năm qua, Tỉnh hội đã được tặng 3 Cờ thi đua, 15 Bằng khen các cấp. Ngoài ra, còn có nhiều cá nhân tiêu biểu trong công tác hội đã được Trung ương hội tặng Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân CĐDC”.
* PV: Ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Tỉnh hội?
* Ông Lê Quốc Bảo: Việc khắc phục hậu quả CĐDC đã được Đảng xác định vừa là mục tiêu trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, bởi ảnh hưởng của nó di truyền qua nhiều thế hệ. Do vậy, để công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ngày càng tốt hơn, Tỉnh hội đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là: Tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng từ trong nội bộ đến nhân dân Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và văn bản của Tỉnh ủy về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh.
Tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam theo Thông báo 217-TB/TW của Ban Bí thư và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với 5 nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam; tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Vì nạn nhân CĐDC” 5 năm (2011 - 2015); tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân nghèo và tổ chức lễ kỳ siêu cho hương linh nạn nhân.
Tiếp tục củng cố, nâng chất công tác hội các cấp, thành lập Thị hội Cai Lậy và các hội cơ sở đủ điều kiện; thực hiện đầy đủ các chính sách mà Nhà nước đã ban hành đối với nạn nhân; tích cực vận động các nguồn lực xã hội theo hướng năm sau cao hơn năm trước để công tác chăm lo cho nạn nhân ngày càng ổn định, bền vững; đưa các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt vào các cơ sở xã hội để được chăm sóc, nuôi dưỡng. Hưởng ứng và tham gia tích cực cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân của Trung ương hội và vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các công ty hóa chất Hoa Kỳ.
Thời gian tới, các cấp hội sẽ phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thực sự là chỗ dựa cho nạn nhân CĐDC.
* PV: Xin cảm ơn ông!
PHAN THẮNG
(thực hiện)