Phật giáo Tiền giang: 30 năm tiếp nối truyền thống phụng đạo, yêu nước
Lịch sử Phật giáo Việt Nam có bề dày gần 2000 năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Ở Tiền Giang, Phật giáo đang từng bước phát triển. Sự nhập thế tích cực của đạo Phật đã góp phần to lớn trong việc ổn định dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO
Trên đất Tiền Giang, những ngôi chùa được dựng lên cùng với hành trình mở cõi để làm chỗ dựa tinh thần cho người dân trên vùng đất mới. Trong từng thời kỳ lịch sử, dù tên gọi Phật giáo Việt Nam có khác nhau nhưng sự nghiệp chung chủ yếu của Phật giáo vẫn là hoằng dương chánh pháp, làm lợi lạc nhân sinh.
Trước khi nước nhà thống nhất, Phật giáo Việt Nam còn nhiều hoạt động riêng lẻ theo từng tông, phái nên sự thống nhất, kế thừa còn nhiều hạn chế. Xuất phát từ nguyện vọng thống nhất Phật giáo, ngày 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đưa Phật giáo cả nước phát triển theo tôn chỉ, mục đích chung.
Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân vùng sâu. |
Riêng tại Tiền Giang, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh được thành lập vào tháng 1-1985. Từ đó đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội, Phật giáo Tiền Giang không ngừng lớn mạnh, hoạt động nền nếp, quy củ. Hiện toàn tỉnh có 410 cơ sở thờ tự Phật giáo, với trên 1.500 tăng, ni thuộc nhiều hệ phái khác nhau, nhưng cùng thống nhất ý chí và hành động trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Huệ Minh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khẳng định: “Suốt 30 năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh luôn dành mọi sự ưu ái cho Phật giáo. Giới tăng, ni, phật tử vô cùng phấn khởi với công tác phật sự phát triển, tự viện được trùng tu khang trang, tăng, ni được đào tạo bài bản…
Với vai trò cơ quan đại diện Phật giáo tỉnh nhà, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh kêu gọi, động viên tăng, ni, phật tử tuân thủ Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện phương châm “Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Chúng tôi luôn quán triệt tư tưởng “Muốn tốt cho đạo thì trước tiên phải làm đẹp cho đời”. Chính sự hòa hợp giữa đạo và đời đã đem lại hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội, đặc biệt là đã góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn…”.
Bà Bùi Thị Mai, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh cho rằng: “Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã thể hiện vai trò tích cực trên mọi lĩnh vực hoạt động Phật sự, luôn đi đúng đường hướng của Giáo hội, đạt được nhiều thành quả tốt đẹp và ngày càng có nhiều uy tín trong đồng bào phật tử. Phật giáo Tiền Giang đã không ngừng phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước, đồng hành cùng dân tộc”.
VUN ĐẮP CHO ĐỜI
Truyền thống của Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền và đồng hành cùng dân tộc. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và đồng bào Phật giáo Tiền Giang đã nỗ lực không ngừng cho các hoạt động vì cộng đồng, luôn đi tiên phong trong các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được giới tăng, ni hưởng ứng mạnh mẽ, làm nòng cốt trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong đồng bào phật tử.
Song song đó, hoạt động chăm lo an sinh xã hội của đồng bào Phật giáo tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh. Những hoạt động lớn vì cộng đồng của đồng bào Phật giáo trong những năm qua được biết đến: Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu gia đình chính sách khó khăn, xây dựng công trình phúc lợi công cộng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho gia đình khó khăn, giúp đỡ và chăm sóc trẻ em nghèo trong tỉnh, nuôi dạy miễn phí trẻ mẫu giáo, xây dựng phòng khám bệnh từ thiện và bốc thuốc trị bệnh miễn phí cho nhân dân….
Chăm lo gia đình chính sách là hoạt động được đồng bào Phật giáo ưu tiên thực hiện. |
Theo báo cáo của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, trong 30 năm qua, đồng bào Phật giáo trong tỉnh đã vận động đóng góp hơn 472 tỷ đồng cho các hoạt động chăm lo an sinh xã hội trong tỉnh. Hạnh phúc khi thấy người khác hạnh phúc, xót lòng khi nhìn người bất hạnh, đó là cái tâm từ bi của đạo Phật và cũng là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động từ thiện - xã hội của Phật giáo tỉnh nhà luôn hướng tới những người cơ nhỡ, khó khăn trong xã hội, vì thế đã thu hút được sự đồng thuận của bao tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.
Phật giáo Tiền Giang đã cùng thống nhất ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh hội nhập và phát triển. Từ sự thống nhất đó, tấm lòng từ bi của những con người nơi cửa Phật đã hòa cùng dòng chảy nhân ái của xã hội, kết thành những đóa sen hồng thơm ngát cho đời.
THỦY HÀ