Công đoàn chung sức bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với sản xuất kinh doanh đang là vấn đề cấp thiết, là nhân tố bảo đảm sức khỏe của người lao động (NLĐ), góp phần nâng cao hiệu suất làm việc, tăng trưởng sản xuất của doanh nghiệp (DN). Ý thức được điều này, thời gian qua, thông qua các hoạt động truyên truyền, giáo dục và bằng những việc làm thiết thực, các cấp Công đoàn (CĐ) trong tỉnh cùng với các ngành chức năng, DN và người lao động đã góp phần đáng kể vào công tác BVMT.
Ghi nhận từ buổi Tọa đàm “Công đoàn với công tác bảo vệ môi trường” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức vừa qua đã cho thấy, sự nỗ lực của các cấp CĐ trong việc phối hợp cùng các cơ quan chức năng giám sát, góp ý cho DN và tuyên truyền cho NLĐ khắc phục ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc…
Tại buổi tọa đàm còn có những cách làm hay, những giải pháp khắc phục khó khăn và đề xuất những kiến nghị trong công tác BVMT được chia sẻ từ các đơn vị, DN, công đoàn cơ sở (CĐCS).
LĐLĐ tỉnh trong một lần tham gia cùng Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh về pháp luật lao động, môi trường ở một DN của KCN Mỹ Tho. |
Tiền Giang hiện có 4 KCN gồm: Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho), Tân Hương (huyện Châu Thành), Long Giang (huyện Tân Phước) và Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (huyện Gò Công Đông); 4 cụm công nghiệp (CCN) gồm: Trung An, Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), Song Thuận (huyện Châu Thành) và An Thạnh (huyện Cái Bè). Các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều dự án đầu tư đa ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm cho gần 80.000 người lao động; đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về công nghiệp đang khiến các ngành chức năng tỏ ra lo ngại cho bài toán môi trường tại các KCN, CCN.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, trong 4 KCN đã đi vào hoạt động, thì có 3 KCN hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải và khí thải. Riêng KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp chưa có hệ thống xử lý nước thải, do KCN này đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hiện tình trạng xả thải ra môi trường tại các KCN, CCN vẫn có DN vi phạm. Qua kiểm tra, ngành chức năng kịp thời phát hiện, xử phạt, chấn chỉnh những sai phạm, hướng dẫn DN hoạt động đúng quy định.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, môi trường tại các KCN, CCN còn tồn tại nhiều hạn chế như: Ô nhiễm khói bụi, khí thải, nước thải, khói thải, tiếng ồn, mùi hôi từ một số nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, thủy sản, hóa chất giặt tẩy… Việc mua bán hàng rong tại các KCN, CCN tràn lan gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bà Lê Thanh Tiền, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cũng thừa nhận, mặc dù các ngành, các cấp, đơn vị, DN tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, BVMT như: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo, tọa đàm về BVMT… nhưng trước tình hình phát triển nhanh về công nghiệp với số lượng DN thành lập mới tăng thì việc đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước thải, khí thải ở một số DN, cơ sở sản xuất là vấn đề không thể tránh khỏi.
Để góp phần cùng công tác BVMT, từ năm 2006, LĐLĐ tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết kế hoạch liên tịch về phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền BVMT trong hệ thống CĐ và lực lượng công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Phát động hưởng ứng phong trào xanh - sạch - đẹp; an toàn vệ sinh lao động; tuần lễ nước sạch - vệ sinh môi trường; tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ…
Bên cạnh đó, các cấp CĐ cũng thường xuyên giám sát về giờ giấc, điều kiện làm việc của NLĐ; góp ý cùng DN khắc phục ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe NLĐ, hạn chế bệnh nghề nghiệp. Từ đó, ý thức BVMT của DN, CĐCS, công nhân, viên chức, lao động được nâng lên rõ nét, góp phần đáng kể vào công tác BVMT.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Royal Foods Võ Thị Mai Khanh cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty luôn chấp hành đầy đủ các quy định về BVMT, trồng cây xanh, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại hạn chế tiếng ồn, khí thải. Để môi trường làm việc trong sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, CĐCS công ty đã phát động phong trào “5S” (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) tới toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty. Đặt các thùng rác riêng được phân loại rác sinh hoạt, rác công nghiệp ngay tại nơi sản xuất…
Theo anh Phạm Hồng Thái, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH VBL Tiền Giang (nay đổi tên là Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Tiền Giang), hiện công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt loại A. Hàng năm, công ty cũng dành khoảng 600 triệu đồng cho công tác BVMT, trong đó bao gồm: Xử lý nước thải; vận hành khu xử lý nước thải, khu xử lý men thải cung cấp cho ngành chăn nuôi và nông nghiệp; công trình phân loại rác và thùng chứa rác; tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm tiêu hao năng lượng, chất thải, giảm chỉ số ô nhiễm, đảm bảo môi trường xung quanh luôn vệ sinh, an toàn và xanh - sạch - đẹp…
Theo thông tin chia sẻ từ anh Thái, không gian môi trường tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Tiền Giang không chỉ xanh - sạch - đẹp mà còn đáp ứng được nhu cầu chụp ảnh cưới của các cặp đôi và đã có 5 cặp đôi thực hiện bộ ảnh cưới tại công ty.
Theo quy hoạch đến năm 2020, Tiền Giang sẽ hình thành 7 KCN, 27 CCN. Do đó, vấn đề BVMT đang được địa phương rất quan tâm. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã nêu một số giải pháp thiết thực trong công tác BVMT cũng như đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp và BVMT như:
Ngành chức năng liên quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra môi trường, an toàn vệ sinh lao động tại các DN; xử lý thật nghiêm đối với những vi phạm trong lĩnh vực môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN, NLĐ và cộng đồng trong BVMT.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các DN khi đầu tư vào sản xuất cần áp dụng công nghệ cao, máy móc hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế xả thải, tránh gây ô nhiễm môi trường…
PHƯƠNG NGHI