Công tác bình đẳng giới thành quả và thách thức
Kết thúc giai đoạn 2011 - 2015, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
THÀNH QUẢ
Trước tiên là bộ máy các cơ quan thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được kiện toàn, đến nay đã có 100% sở, ngành tỉnh, các huyện, thành, thị và 173 xã, phường, thị trấn đều đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ngành LĐ-TB&XH được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp được chính quyền kiện toàn phù hợp với tình hình mới.
Phụ nữ ngày nay có nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: HẠNH NGA |
Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực lao động. Với chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp trong lĩnh vực đào tạo, đầu tư kết cấu hạ tầng, môi trường, đất đai, tín dụng và hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH, hệ thống trung tâm dạy nghề của các huyện, thành, thị trong giai đoạn 2011 - 2015 đã giải quyết 112.946 việc làm mới cho người lao động, trong đó có 63.225 nữ; phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho 27.459 người, trong đó nữ chiếm 14.548 người.
Khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngày càng được thu hẹp. Trong thời gian qua, ngành GD-ĐT đã tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội học tập nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua các chương trình: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng; đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, học từ xa, du học...
Qua đó, tạo thêm nhiều cơ hội học tập đối với phụ nữ, khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi dưới 40 tham gia học tập với nhiều hình thức phù hợp từng đối tượng. Đến nay, tỷ lệ phụ nữ biết chữ trong độ tuổi 15 - 40 đạt 99,8% (vượt 9,8% chỉ tiêu so với chương trình đề ra đến năm 2015).
Việc thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng được quan tâm. Hiện tại, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trạm y tế. Ngoài ra, còn có các phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám tư nhân phát triển, hệ thống bệnh viện đảm bảo phục vụ nhân dân.
Ngành Y tế cũng đã triển khai nhiều chương trình y tế và nhiều dự án chăm sóc sức khỏe phụ nữ đến tận người dân như: Chương trình DS-KHHGĐ; sức khỏe sinh sản; phòng, chống bướu cổ và các rối loạn do thiếu iốt…, đảm bảo sự tiếp cận cao trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ khi có nhu cầu. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo được duy trì và tăng lên.
NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những chỉ tiêu cụ thể chưa đạt so với kế hoạch đề ra, có chỉ tiêu đạt nhưng chưa vững chắc; đặc biệt dù có những tác động tích cực về chính sách chung, có những chuyển biến trong nhận thức, nhưng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý so với mục tiêu đề ra vẫn còn khoảng cách tương đối lớn.Nhận thức
về giới và bình đẳng giới trong thời gian qua tuy đã có sự chuyển biến đáng kể, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với cán bộ nữ; một bộ phận chị em còn tự ti, tâm lý an phận, chưa mạnh dạn phấn đấu vươn lên và tỏ rõ bản lĩnh, năng lực nên chưa tạo được niềm tin cho lãnh đạo và xã hội.
Mặt khác, do đời sống vật chất còn khó khăn nên phần nào cũng hạn chế sự phấn đấu của phụ nữ. Ở một số cơ quan, đơn vị, cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đúng về giới, còn quan niệm hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ là công việc của phụ nữ và Ban Nữ công là chính, nên chưa thật sự quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, giữa kế hoạch đề ra và tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế.
Việc triển khai chương trình và kế hoạch hành động ở các ngành, các cấp trong thời gian qua còn lúng túng, nhất là trong việc thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, hoặc đưa yếu tố giới vào việc hoạch định và thực thi chính sách, vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, chưa tạo được tính pháp lý và chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện, nên kết quả đạt được còn hạn chế; việc tổng hợp, phản ánh báo cáo cũng chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là các ngành liên quan trực tiếp các mục tiêu.
Những nguyên nhân trên cho thấy khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội, vẫn còn những định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng này có ở tất cả mọi tầng lớp xã hội, không phân biệt tôn giáo, dân tộc và địa vị xã hội; cá biệt ở một số cán bộ các cấp, các ngành cũng chưa nhận thức đúng về giới, chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, điều hành công việc trên cơ sở bình đẳng giới.
Nhiều nghị quyết, chính sách liên quan về phụ nữ và bình đẳng giới đã được ban hành, nhưng trên thực tế một số nơi hiệu quả thực hiện chưa cao, thiếu kiểm tra, uốn nắn, chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, chúng ta đã và đang đối mặt với những thách thức như: Bạo lực gia đình đối với phụ nữ, tình trạng gia tăng phụ nữ nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn xâm hại tình dục ở trẻ em, chênh lệch giới tính khi sinh...
Với kết quả đạt được trong các lĩnh vực như đã nêu trên, có thể thấy, vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao và được xã hội ghi nhận. Đây vừa là thành tựu, song cũng vừa là thách thức đối với tỉnh nhà trong việc duy trì và phát huy những kết quả đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra, từng bước đưa nội dung bình đẳng giới đi vào đời sống xã hội.
NGUYỄN THỊ HẢO