Thứ Sáu, 30/09/2016, 15:38 (GMT+7)
.

Điểm tựa yêu thương giúp phạm nhân cải tạo tốt

Trong cuộc sống, mỗi khi muốn động viên ai đó vượt qua khốn khó của đời mình, nhiều người thường sử dụng câu nói “Ai nên khôn mà không khốn một lần”. Quả thật, đời hạnh phúc biết bao với những ai chưa bao giờ vấp ngã. Nhưng cũng không nghiệt ngã với những người trót lỗi lầm biết hướng thiện vươn lên.

Để đánh thức mầm thiện trong tâm hồn những người phạm tội, thì tình cảm gia đình, niềm tin từ sự bao dung, chia sẻ từ cộng đồng giữ vai trò hết sức quan trọng. Đó là điểm tựa yêu thương để người phạm tội an tâm lao động, cải tạo, sớm trở lại với đời.

Lễ công bố Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: HOÀN THANH
Lễ công bố Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: Hoàn Thành

Chính vì vậy, trong rất nhiều biện pháp giáo dục cải tạo phạm nhân, có thể khẳng định việc phối hợp với gia đình phạm nhân là một trong những biện pháp hiệu quả nhất. Bởi, mỗi phạm nhân là một cảnh đời, tâm tính của mỗi người mỗi khác. Nhưng điều chung nhất vẫn là mối liên hệ tình cảm. Tác động bằng tình cảm, bằng sợi dây ràng buộc gia đình: Chồng, vợ, con cái, cha mẹ... để  làm chỗ dựa cho phạm nhân vượt qua lỗi lầm. Không có chỗ dựa nào vững chắc hơn là chỗ dựa yêu thương, xuất phát từ tình cảm gắn bó gia đình.

Thực tế thời gian qua, tại Trại tạm giam Công an tỉnh, các nhà tạm giữ ở các huyện, thành phố, thị xã và Trại giam Phước Hòa - thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an - đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hầu hết phạm nhân khi nhận được sự yêu thương, tha thứ, động viên của gia đình đều có tinh thần cải tạo tốt.

Theo quy định, phạm nhân chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, có thành tích trong lao động học tập cải tạo thì được khen thưởng rất cụ thể. Một trong những hình thức mà đa số phạm nhân đều mong được thưởng là tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân. Quan trọng hơn, kết quả của quá trình lao động cải tạo tốt là một trong những điều kiện để phạm nhân được xét giảm án, đặc xá, tha tù.

Trường hợp của phạm nhân Nguyễn Như Ý, chấp hành án tại Trại giam Phước Hòa là một điển hình. Ý phạm tội khi còn rất trẻ, thời gian đầu chấp hành án, Ý chán nản, buông xuôi. Nhưng sau đó, được cán bộ quản giáo giúp đỡ, cha mẹ thường xuyên đến thăm,động viên. Dù nhà ở tận Vĩnh Long, gia cảnh lại khó khăn, thế nhưng tháng nào cha, mẹ Ý cũng chắt chiu để đến thăm Ý. Chính vì vậy, Ý quyết tâm cải tạo tốt để sớm về với gia đình và đã 2 lần được giảm án.

Tương tự là trường hợp của Lê Thanh Vũ. Ngày Vũ vào trại giam Phước Hòa cũng chính là lúc Vũ nhận tin người vợ trẻ để lại đứa con nhỏ cho cha mẹ già và ra đi. Vũ bỏ mặc tất cả, chỉ muốn tìm đến cái chết. Được quản giáo động viên, gia đình thường xuyên đến thăm, nhất là cha Vũ, gặp con lần nào ông cũng dành hết thời gian thăm gặp để nói điều hay lẽ thiệt với Vũ. Những điều mà khi còn ở ngoài, Vũ để ngoài tai. Khi vào trại giam, anh ta mới thấm thía và ăn năn, quyết tâm cải tạo tốt để sớm về với cha mẹ và con thơ.

Bên cạnh đó, những trường hợp bị gia đình chối bỏ, phạm nhân rất dễ sinh ra bất cần, chống đối, không muốn trở lại với cuộc sống bình thường. Như phạm nhân Phạm Minh Phúc chẳng hạn. Phúc có mặt trên cuộc đời chưa đến 50 năm mà đã có tới hơn 20 năm sống trong các nhà giam. Ngày mới chấp hành án, anh ta hay tin mình bị vợ bỏ, đứa con còn bé xíu do mẹ anh ta chăm sóc. Phúc gây rối liên tục hết trại giam này đến trại giam khác, có khi ở tận Bình Dương, Ninh Thuận…

Mẹ anh ta nghèo lắm, không thể đi từ Cần Thơ đến các trại giam thăm anh ta. Cho đến khi Phúc chuyển đến trại giam Phước Hòa, người mẹ nghèo được giúp đỡ tạo điều kiện để thăm nuôi anh ta thường xuyên. Lúc đó, Phúc mới nghĩ lại.

Trong các nơi giam giữ, trường hợp như Phúc là không hiếm, khi vi phạm nội quy trại giam, phạm nhân sẽ bị kỷ luật và điều chắc chắn những phạm nhân này không có trong danh sách xét giảm án hay đặc xá.
Từ thực tế công tác giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân cho thấy, những điểm tựa yêu thương giữ vai trò hết sức quan trọng. Và nó cần được nối dài hơn, đến khi người có lỗi quay về.

Khi họ nhận được sự bao dung, được tạo công ăn việc làm, trong tình yêu thương ấy, từ điểm tựa vững chắc ấy, nhiều người xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập tốt với cộng đồng. Đặc biệt, có những điển hình thành đạt, tham gia đóng góp nhiều mặt cho địa phương. Vì vậy, hãy để yêu thương khẳng định sức mạnh của mình, để yêu thương nối dài hơn cho những mảnh đời lầm lạc vươn lên sống tốt, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

THANH DUY

.
.
.