Thứ Tư, 14/09/2016, 11:54 (GMT+7)
.

Người lao động thuê trọ thêm "nặng gánh" vì điện, nước giá cao

Mặc dù có quy định và các chế tài cụ thể về giá điện, nước đối với người thuê trọ nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều chủ nhà trọ thường ít khi tuân thủ mà tự đưa ra giá điện, nước để có thể thu lợi từ người thuê trọ. Việc làm này khiến người thuê trọ, nhất là công nhân, lao động vốn có thu nhập thấp, nay thêm “nặng gánh” vì điện, nước giá cao.

THUÊ TRỌ VỚI GIÁ ĐIỆN, NƯỚC CAO

Trong vai người muốn thuê nhà trọ, chúng tôi gặp một chủ nhà trọ ở ấp Bình Tạo, xã Trung An (TP. Mỹ Tho). Ông chủ nhà trọ đưa ra giá: “Tiền thuê phòng là 600.000 đồng/phòng. Riêng tiền điện là 3.000 đồng/kWh; tiền nước 9.000 đồng/m3.

Mỗi phòng đều có đồng hồ điện, nước riêng. Cuối tháng, người thuê trọ trả tiền phòng trọ và tiền điện, nước một lần”. Với giá này, chúng tôi thắc mắc sao tiền phòng, tiền điện, nước đều cao vậy? Ông chủ nhà trọ tỏ ra khá bực bội khi cho biết: “Giá này là mặt bằng chung của tất cả các nhà trọ rồi, nếu muốn thuê thì ở, còn không thì đi nơi khác mà tìm”.

Công nhân, lao động vốn có thu nhập thấp nay còn thêm “nặng gánh” vì điện, nước giá cao.
Công nhân, lao động vốn có thu nhập thấp nay còn thêm “nặng gánh” vì điện, nước giá cao.

Tiếp tục tìm hiểu về giá điện, nước tại nhiều khu nhà trọ trên địa bàn xã Trung An (TP. Mỹ Tho), nơi có nhiều công nhân, lao động thuê trọ nhất hiện nay, chúng tôi đã gặp chị Phạm Thị Kim Tấm (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), công nhân tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, đang ở trọ cùng 3 công nhân khác tại phòng trọ trong hẻm nhỏ ở ấp Bình Tạo, xã Trung An cho biết, tháng nào phòng chị cũng phải trả tiền điện, tiền nước hơn 500.000 đồng, mặc dù cả ngày đi làm, chỉ sử dụng điện, nước cho nhu cầu tối thiểu vào buổi tối và ngày nghỉ.

Theo chị Tấm, chị và các công nhân khác ở cùng phòng phải trả tiền điện, nước nhiều như vậy là do chủ phòng trọ thu tiền điện đến 3.000 đồng/kWh và nước 12.000 đồng/m3.

Khi đem những thông tin mà chúng tôi biết được từ chị Tấm để thắc mắc với Ban Quản lý khu nhà trọ - nơi chị Tấm đang thuê trọ, thì đại diện Ban Quản lý khu nhà trọ này không giải thích gì mà chỉ cho biết:

“Mặc dù thu giá điện, nước của người thuê trọ như vậy mà hàng tháng đơn vị kinh doanh khu nhà trọ này còn phải bù lỗ tiền điện, nước”. Sao lại bù lỗ, khi giá điện, nước mà đơn vị kinh doanh khu nhà trọ này tính cho người thuê trọ đã khá cao so với mức giá quy định của các ngành chức năng? Một nghịch lý mà hầu hết người thuê trọ ở khu nhà trọ này đang cần một sự giải thích thỏa đáng.

Theo quy định, chủ nhà trọ có trách nhiệm đăng ký tạm trú để làm thủ tục xin định mức điện, nước cho người ở trọ với giá mà ngành điện, nước quy định, nhưng trên thực tế nhiều chủ nhà trọ đã lờ việc này.

Bởi qua tìm hiểu thực tế ở nhiều khu nhà trọ trên địa bàn TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành, chúng tôi nhận thấy giá điện, nước đều do chủ nhà trọ tự quyết định và áp dụng cho người thuê trọ. Giữa chủ nhà trọ và người đi thuê trọ chỉ thỏa thuận giá cả với nhau bằng miệng, thu theo hàng tháng. Hầu hết giá điện, nước mà chủ nhà trọ cho người thuê trọ hiện nay có mức dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/kWh điện và từ 7.000 - 12.000 đồng/m3 nước.

VẪN PHẢI CHỊU THIỆT THÒI

Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành năm 2014 có quy định: Nếu trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là 1 hộ gia đình), bên bán có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn. Cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ sinh hoạt... 

Trong trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ trong hóa đơn điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Theo Thông tư 16/2014/TT-BCT và thông báo giá bán điện hiện nay của Công ty Điện lực Tiền Giang, ngoài những hộ gia đình thuê trọ độc lập thì cứ 4 người (sinh viên hoặc công nhân, lao động) thuê trọ chung phòng được tính giá điện như một hộ, áp dụng cho khung giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, trong 50kWh đầu tiên có giá là 1.484 đồng/kWh và cao nhất cũng chỉ là 2.587 đồng/kWh, áp dụng từ 401kWh trở lên.

Tuy nhiên, điều bất hợp lý là để được trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện với ngành điện và được hưởng giá điện theo quy định của Bộ Công thương, người thuê trọ phải có sự bảo lãnh của chủ nhà trọ trong việc thanh toán tiền điện.

Trên thực tế, hiếm có chủ nhà trọ nào chịu làm việc này, trái lại họ còn lợi dụng những quy định “khó” từ chuyện ưu đãi giá điện để làm trung gian bán điện lại cho người thuê trọ. Nhiều chủ nhà trọ lý giải, họ phải tăng giá điện lên là để bù vào việc thất thoát như:

Thắp bóng đèn đường đi chung; chi phí nhà vệ sinh hoặc dùng chạy máy bơm nước. Nếu người thuê trọ không đồng ý với mức giá ấy thì có thể chuyển đi nơi khác, chứ họ không ép. Trong khi đó, tâm lý của người thuê trọ thì lại nghĩ, đã đi thuê là phải phụ thuộc, mà ở đâu cũng tính giá như vậy thì biết chuyển đi đâu? Những người thuê trọ cũng không nghĩ tới việc phản đối, khiếu nại chủ nhà trọ khi bị thu tiền điện, nước giá cao, bởi lo phiền phức và mất chỗ thuê.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với vai trò đại diện bảo vệ người lao động, các cấp Công đoàn của tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp tích cực, nhằm giảm bớt những thiệt thòi của người lao động phải trả giá điện, nước cao khi thuê nhà trọ.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cho biết, trong thời gian qua, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và thông qua các khu nhà trọ công nhân tự quản để tăng cường tuyên truyền cho các chủ nhà trọ không tăng giá điện, giá nước, giá nhà trọ; đồng thời  hướng dẫn chủ nhà trọ thực hiện định mức điện để áp dụng đúng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Nhờ đó, đã không thấy có những bức xúc nổi cộm trong công nhân, lao động liên quan đến việc bị thu giá điện, nước cao khi thuê trọ.

Bên cạnh đó, ngành điện lực Tiền Giang cũng sẽ sẵn sàng hướng dẫn khách hàng cách đăng ký sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý. Nếu người dùng điện «bị ép» mua với giá quá cao có thể làm đơn gửi tới các đơn vị điện lực trong tỉnh, để các đơn vị này kết hợp với các sở ban, ngành kịp thời giải quyết.

Ngoài ra, để xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực mua bán điện, Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực cũng đã có quy định: Người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ sinh hoạt sẽ bị phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Quy định là vậy nhưng nếu người thuê trọ không lên tiếng, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan không thường xuyên kiểm tra các chủ nhà trọ cố ý lấy giá điện sai quy định, người thuê trọ vẫn phải chịu thiệt thòi.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.