Thứ Tư, 28/09/2016, 14:45 (GMT+7)
.

Quyết tâm chuyển biến cơ bản tình hình cấp giấy chứng nhận QSDĐ

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng trong buổi làm việc tại huyện Châu Thành về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) vào chiều 5-9.

NHU CẦU NGÀY CÀNG TĂNG

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), tính đến ngày 9-9, tổng hồ sơ vẫn còn đang thực hiện tại Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) và tại các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ (gọi tắt là Chi nhánh) là 3.985 hồ sơ. Nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ của người dân ngày càng tăng. Hiện tại, bình quân mỗi tuần tại 11 Chi nhánh tiếp nhận không dưới 1.200 hồ sơ, trong đó 50% số lượng hồ sơ chỉnh lý trang 3, 4 giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền Chi nhánh, 50% số lượng hồ sơ chuyển Văn phòng ĐKĐĐ thực hiện trình Sở TN-MT.

Thời gian qua, do một số hạn chế nhất định nên tình hình cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở tỉnh ta còn chậm, dẫn đến số lượng hồ sơ tồn đọng còn nhiều. Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã có chuyến làm việc với 11 huyện, thành, thị về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Tính đến ngày 5-9, tình hình cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở các huyện phía Đông của tỉnh cơ bản đã được giải quyết. Riêng huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy còn tồn đọng trên 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã có buổi làm việc với 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy để tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Tính đến ngày 5-9, số lượng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ tồn đọng tại huyện Châu Thành là 1.008. Số lượng hồ sơ tồn đọng nằm ở 3 dạng: Chờ thẩm tra, chờ hoàn thành nghĩa vụ tài chính và chờ viết giấy chứng nhận; trong đó, số lượng hồ sơ chờ hoàn thành nghĩa vụ tài chính chiếm phần lớn. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã đề nghị các bên liên quan ngồi lại cùng nhau phân tích, đối chiếu để tìm ra hướng giải quyết, tăng tốc để kéo giảm số lượng hồ sơ tồn đọng.

Huyện Cai Lậy là một trong những địa phương có số hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ tồn đọng với số lượng lớn. Cụ thể, số hồ sơ tồn đọng đang giải quyết tính đến ngày 5-9 là 1.039 hồ sơ; trong đó, số hồ sơ tồn đọng ở khâu đầu vào (đo đạc) chiếm phần lớn.

Ngoài ra, hiện nay, huyện Cai Lậy còn tồn đọng khoảng 5.000 hồ sơ chỉ thể hiện loại đất nông nghiệp, không ghi đất thổ cư. Huyện Cai Lậy đã có văn bản xin ý kiến Văn phòng ĐKĐĐ và Sở TN-MT để giải quyết số lượng hồ sơ tồn đọng này.

Sở TN-MT có Công văn 1060/STNMT-QLĐĐ, ký ngày 25-3-2016 về việc hướng dẫn thu hồi, cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ và Văn phòng ĐKĐĐ có Công văn 683/VPĐK, ký ngày 22-7-2016 để tháo gỡ một phần khó khăn đối với trường hợp giấy cấp chính chủ chưa có biến động được lập thủ tục biến đổi. Tuy nhiên, huyện chỉ giải quyết được khoảng 50% lượng hồ sơ tồn đọng, các trường hợp đã có biến động thì không thực hiện được.

CẦN GIẢI PHÁP KỊP THỜI

Theo Sở TN-MT, nguyên nhân cấp giấy chứng nhận QSDĐ chậm là do: Thời gian đầu thành lập, Văn phòng ĐKĐĐ thiếu nhân lực thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận và công tác đo đạc phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, mặc dù lực lượng nhân viên đo đạc và nhân viên cấp giấy chứng nhận đã được tuyển dụng thêm, tuy nhiên về chuyên môn nghiệp vụ còn yếu, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ chậm.

Ngoài ra, trình độ cán bộ ở địa phương chưa đáp ứng được các Thông tư của Bộ TN-MT quy định, đặc biệt là Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về Bản đồ địa chính. Việc tổ chức, sắp xếp, bố trí cán bộ tại cơ sở chưa phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị ở một số nơi chưa được phát huy. Sự phối hợp của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ với Phòng TN-MT, cơ quan thuế, UBND cấp xã… chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, hồ sơ chuyển về Văn phòng ĐKĐĐ thẩm định, phát hiện nhiều hồ sơ sai sót phải trả về các Chi nhánh để bổ sung, chỉnh sửa, dẫn đến mất nhiều thời gian giải quyết hồ sơ (tỷ lệ trả về các Chi nhánh khoảng 20%). Hiện còn trên 2.000 hồ sơ tồn đọng do người dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Để giải quyết số lượng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ tồn đọng, theo Sở TN-MT, cần tổ chức sắp xếp bố trí, kiện toàn tổ chức của Văn phòng ĐKĐĐ và các Chi nhánh; bổ sung các chức danh còn thiếu, tăng thêm nhân lực cho các Chi nhánh có số lượng hồ sơ cần giải quyết nhiều.

Bố trí cán bộ giỏi về chuyên môn, đặc biệt về công tác cấp giấy chứng nhận, hướng dẫn thủ tục cho người dân hoàn thiện hồ sơ trước khi nộp cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các Chi nhánh (trừ Chi nhánh huyện Tân Phú Đông).

Chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân đối với công chức, viên chức, nhất là cán bộ làm công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Văn phòng ĐKĐĐ giao chỉ tiêu giải quyết hồ sơ đo đạc, cấp giấy chứng nhận cho từng viên chức, kết quả thực hiện được đưa vào chỉ tiêu thi đua.

Đối với công tác chuyên môn, tập trung hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ hàng tuần đối với các Chi nhánh, đặc biệt là cán bộ tiếp nhận hồ sơ của UBND cấp xã và các Chi nhánh vào đợt tập huấn do Sở TN-MT và Sở Nội vụ phối hợp tổ chức trong quý III-2016.

Đối với hồ sơ sai sót chuyển trả về địa phương, sẽ kèm theo danh mục các biện pháp khắc phục đối với từng trường hợp cụ thể; phối hợp với ngành Thuế, Tư pháp xử lý các vấn đề còn vướng mắc về thuế, nhất là khâu xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, về công chứng, chứng thực hợp đồng thực hiện các quyền của người sử dụng đất; hợp đồng với Bưu điện Tiền Giang chuyển phát nhanh hồ sơ cấp giấy chứng nhận từ Văn phòng đến Chi nhánh và ngược lại với thời gian tối đa là 12 giờ.

Ngoài ra, để giải quyết tốt lượng hồ sơ còn tồn đọng, Sở TN-MT sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu giải quyết công việc để giảm thời gian giải quyết hồ sơ; trang bị đầy đủ máy tính, máy đo để phục vụ tốt cho công việc, đặc biệt là vận hành cơ sở dữ liệu.

Theo kế hoạch, đến cuối tháng 10-2016, Sở TN-MT sẽ đồng bộ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu (không thực hiện trên hồ sơ giấy) và sẽ đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng theo thời gian quy định.

MINH THÀNH

.
.
.