Thứ Tư, 14/09/2016, 11:52 (GMT+7)
.

Xây dựng nông thôn mới: Tiêu chí Môi trường - Dễ mà khó

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã thường quan tâm nhiều đến các tiêu chí liên quan nguồn vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, thực tế có những tiêu chí có tiền chưa chắc đã làm được. Môi trường được xem là một trong những tiêu chí không dễ “nuốt” như thế đối với nhiều xã trên con đường xây dựng NTM.

Vẫn còn những chỉ tiêu khác chưa hoàn thành trong tiêu chí Môi trường nhưng đối với các xã của huyện cù lao Tân Phú Đông, mối quan tâm hàng đầu là chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo quy định. Bởi, dù hiện nay tình trạng thiếu nước và chất lượng nước thấp, nhất là vào mùa khô, được khắc phục sau khi UBND tỉnh cho đầu tư tuyến ống dẫn nước BOO Đồng Tâm về huyện nhưng nhiều nơi tỷ lệ hộ dân vào nước máy vẫn còn thấp.

Ông Trần Minh Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông), cho biết toàn xã có 95% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh nhưng chỉ có gần 30% hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia (xã xác định trên cơ sở hộ dân vào nước máy; hiện xã có 936 hộ vào nước máy trong tổng 3.224 hộ trên địa bàn) so với quy định từ 50% trở lên.

Nguyên nhân là do nhiều khu vực trên địa bàn xã chưa có tuyến ống nước đi qua và việc phát triển tuyến ống nước ngoài khả năng của xã; đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

“Sau tuyến ống dẫn nước từ nguồn BOO Đông Tâm về Tân Phú Đông hoàn thành, huyện đang xây dựng phương án, kế hoạch tiếp nhận, khai thác hiệu quả nguồn nước này phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Từ đó, chúng tôi hy vọng có thể nâng nhanh tỷ lệ hộ dân vào nước máy thời gian tới. Do đó, xã đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân vào nước máy hay tạo điều kiện cho người dân vay vốn để vào nước máy” - ông Khải nói.

Môi trường là tiêu chí “dễ mà khó” đối với nhiều xã.
Môi trường là tiêu chí “dễ mà khó” đối với nhiều xã.

Nếu giờ đây người dân Tân Phú Đông đã bớt lo về chất lượng nước sinh hoạt thì tại nhiều vùng nông thôn khác ở đất liền, người dân vẫn còn sử dụng nước máy chưa đạt chuẩn. Phần lớn nguồn nước cấp này từ các trạm cấp nước của tư nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã sau thời gian dài hoạt động bị xuống cấp nhưng chậm khắc phục do thiếu kinh phí.

Không chỉ khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân, nhiều địa phương còn gặp khó khăn về chất thải chăn nuôi, rác thải từ dân cư, nhất là ở những vùng chăn nuôi phát triển; vùng dân cư đông. Giải quyết vấn đề rác thải dân cư, chất thải chăn nuôi, thời gian qua, nhiều xã hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt trong dân; tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải đàn vật nuôi; chăn nuôi an toàn sinh học...

Song, ở nhiều xã tình trạng rác thải dân cư vẫn chưa được xử lý hoàn toàn; chất thải từ chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra do hộ dân chưa đầu tư công trình xử lý hay hiệu quả xử lý không đảm bảo.

Ông Đoàn Văn Phải, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) cho rằng, tiêu chí Môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện do địa bàn có mật độ dân cư cao, nhiều cơ sở hoạt động thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ; hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm khá phát triển.

Triển khai thực hiện tiêu chí Môi trường, xã đã cho đặt một số thùng rác ở nơi công cộng; hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn. Qua thời gian thực hiện, nhiều hộ dân vẫn không thực hiện đổ rác vào thùng rác, có nơi người dân đổ rác tập trung tạo nên điểm “nóng” về nguy cơ ô nhiễm môi trường.

“Trên địa bàn xã có 3 điểm “nóng” đổ rác gây mất vẻ mỹ quan xóm ấp và qua kiểm tra, xã đã bắt buộc những người đổ rác khắc phục. Cũng qua kiểm tra, xã phát hiện và đã xử lý hộ chăn nuôi xả ngầm chất thải ra môi trường chưa qua xử lý.

Dù hiện nay, theo đánh giá của xã, tiêu chí 17 đã cơ bản đạt nhưng nguy cơ tái ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi, rác thải dân cư trên địa vẫn có khả năng xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, xã tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về đổ rác không đúng quy định, xả chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường” - ông Phải nói.

Một yếu tố nữa khiến cho tiêu chí Môi trường ở một số nơi chưa đạt yêu cầu là việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng vẫn còn xảy ra ở nơi này, nơi khác. Tình trạng nông dân bón phân chuồng chưa qua xử lý, nhất là bón phân gà tươi cho thanh long gây hôi thối, ô nhiễm môi trường xung quanh vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Thống kê gần đây của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, toàn tỉnh chưa đến 30% số xã đạt tiêu chí Môi trường. Nói về tiêu chí này, Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, trước đây huyện Tân Phú Đông rất khó về chỉ tiêu nước sinh hoạt đạt chuẩn nhưng bây giờ vấn đề này phần nào đã được giải quyết sau khi có nguồn nước BOO Đồng Tâm.

Vấn đề khó nhất hiện nay đối với tiêu chí 17 là rác thải dân cư, chất thải chăn nuôi phát sinh. Xác định dù không cần nhiều vốn nhưng việc nâng cấp tiêu chí không dễ dàng, trong những lần làm việc với các xã xây dựng NTM, lãnh đạo tỉnh luôn nhắc nhở các xã quan tâm đến tiêu chí Môi trường.

Theo đó, muốn thực hiện tiêu chí này, cả hệ thống chính trị của xã phải vào cuộc với quyết tâm cao, trong đó giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến việc nâng cấp thành công tiêu chí.

N.VĂN

.
.
.